| Hotline: 0983.970.780

"Soi" kỹ nông sản nhập khẩu

Thứ Tư 17/11/2010 , 10:59 (GMT+7)

Từ ngày 21/11/2010, các loại nông sản NK thuộc diện kiểm dịch thực vật, nếu phát hiện nhiễm dịch hại khi NK vào Việt Nam thì buộc phải tiến hành khử trùng, phân tích nguy cơ dịch hại mới cấp giấy phép KDTV.

* DN kêu như vạc, Cục BVTV vẫn...cứng rắn

Từ ngày 21/11/2010, các loại nông sản NK thuộc diện kiểm dịch thực vật (KDTV), nếu phát hiện nhiễm dịch hại khi NK vào Việt Nam thì buộc phải tiến hành khử trùng, phân tích nguy cơ dịch hại mới cấp giấy phép KDTV. Trước quy định này, nhiều DNNK nông sản lên tiếng kêu khó và xin lùi thời hạn áp dụng. Trong khi đó, Cục BVTV khẳng định, sẽ không...lùi bước. 

Thực hiện Quyết định số 34/2007/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT về việc công bố danh mục vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi NK vào Việt Nam, ngày 20/9/2010, Cục BVTV đã ban hành công văn số 1616/BVTV-KD gửi các DN XNK nông sản quy định cụ thể việc kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản thuộc diện bắt buộc kiểm dịch.

Dựa theo đó, Hiệp hội TĂCN Việt Nam công bố, sẽ có 7 trên tổng số 11 mặt hàng nông sản ở 9 quốc gia trên thế giới NK vào Việt Nam sẽ buộc phải tiến hành khử trùng ngay tại nước XK và phải có giấy phép KDTV của nước XK trước khi NK về Việt Nam. Đối với các lô hàng thuộc diện phải KDTV khi NK về Việt Nam, nếu phát hiện có các loại dịch hại theo quy định thì DN buộc phải báo cáo ngay cho cơ quan BVTV, sau đó phải tiến hành thuê các đơn vị khử trùng ngay tại bến cảng để cơ quan BVTV kiểm tra.

Đồng thời với công tác này, Cục BVTV cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép KDTV cho các DNXK nông sản sang các nước theo thông lệ quốc tế về KDTV. Với quy định mới này, sẽ đồng nghĩa với việc hàng trăm DN TĂCN trong nước thường xuyên NK nông sản sẽ bị quản lí chặt chẽ hơn về chất lượng hàng hóa cũng như tăng thêm nhiều chi phí cho việc xin giấy phép, chi phí khử trùng, bảo quản...

Trước tình hình này, Hiệp hội TĂCN Việt Nam, đặc biệt là các DNNK nông sản lớn đang gay gắt phản đối quy định trên vì cho rằng, thời điểm có hiệu lực còn quá ngắn và DN chưa có sự chuẩn bị. Đồng thời, thủ tục tiến hành việc khử trùng nông sản tại bến cảng hiện nay hết sức nhiêu khê, “hành hạ” DN. Đặc biệt nhiều DN kêu rằng, họ có nguy cơ bị đối tác nước ngoài “xù” hợp đồng do đối tác các nước không thể thực hiện được các yêu cầu kiểm dịch mà phía Việt Nam đặt ra.

Ông Vũ Công Trìu, GĐ Cty cổ phần SX-TM Hoàn Dương (Hà Nội) chuyên NK nguyên liệu TĂCN từ Ấn Độ lo lắng, hiện các nhà cung cấp nguyên liệu ở Ấn Độ đã ký hợp đồng với Cty có phản hồi rằng, họ không thể đáp ứng kê khai chi tiết được hàng loạt các tiêu chí kiểm dịch nông sản từ khâu SX, phương pháp canh tác cho tới bao gói hàng hóa... theo quy định KDTV của Việt Nam. Lợi dụng điều này, nhiều DN nước ngoài thời gian gần đây liên tục quay sang đầu cơ, nâng giá và dọa sẽ “xù” hợp đồng nếu quy định KDTV mới của Việt Nam được áp dụng.

Ông Trìu khẳng định nếu bị “xù”, Cty ông sẽ mất đứt hơn 5 tỉ đồng. Vì vậy, vị này kiến nghị nên dời thời gian áp dụng quy định thay vì vào tháng 11/2010.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT đề nghị giải quyết một số khúc mắc trước khi áp dụng quy định mới, theo đó tính toán: DNNK phải gánh chịu hàng loạt chi phí cho công việc khử trùng như chi phí khử trùng ít nhất 27 nghìn đồng/tấn, tiền phí lưu container 12 USD/ngày, lưu bãi 3 USD/ngày...

Theo quy định thời gian khử trùng cách li hàng chỉ từ 72 giờ. Tuy nhiên thực tế, việc lưu kho bãi để được khử trùng thường phải kéo dài tới 15-20 ngày nên chi phí khử trùng phải tăng thêm 100-150 nghìn đồng/tấn. Không những thế, DNNK vừa phải thuê đơn vị khử trùng, lại còn bị các Cty khử trùng này hoạnh họe, hành hạ đủ điều. 

Để dẫn chứng lời ông Lịch, ông Vũ Công Trìu kể khổ: “Cảng Hải Phòng hiện chỉ có 2 Cty khử trùng nên muốn thuê họ, chúng tôi phải luồn cúi đến khổ sở. Đơn cử như vừa rồi, 34 container hàng NK về cảng Hải Phòng, nói là chỉ khử trùng 72 tiếng, nhưng thực tế họ giam hàng chúng tôi tới hàng chục ngày. Đã thế, họ còn hành chúng tôi phải đi thuê đơn vị gắp container đến khu tập kết hàng để khử trùng mà dời đi dời lại tới 4 lần. Mà chi phí mỗi lần gắp một container tới 150 nghìn đồng/lần lên xuống. Tính ra, mỗi tiền thuê gắp container thôi đã tới mấy chục triệu đồng”.

Cũng xung quanh thủ tục khử trùng, đại diện Cty TNHH Văn Sơn chuyên NK cám mỳ từ Srilanca thắc mắc, việc quy định loại thuốc khử trùng ra sao, nồng độ thế nào... nhiều DN hiện nay còn rất lơ mơ nên khi NK hàng về nước vẫn không đạt yêu cầu, hoặc vẫn có sâu hại nên buộc phải tái xuất. Đơn cử, theo dẫn chứng của Cty này cho biết thì quy định của Cục BVTV thì loại hóa chất dùng để khử trùng phải là CH3Br nồng độ 100gram/m3, tuy nhiên ở Srilanca, cơ quan BVTV của phía bạn lại khẳng định... không có loại hóa chất này và họ chỉ khuyên dùng thuốc sát trùng Phostoxine. Vì vậy Cty này thắc mắc, không biết phải thực hiện như thế nào.  

Cục BVTV vẫn...cứng rắn 

Trước những bức xúc và kiến nghị từ phía DN và Hiệp hội TĂCN Việt Nam, ông Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục BVTV khẳng định: Gần đây, Cục BVTV liên tục phát hiện hàng loạt các lô hàng nông sản NK về Việt Nam nhiễm các loại dịch hại nguy hiểm theo nhóm I (nhóm nguy hiểm nhất). Vì vậy việc cần thiết phải áp dụng quy định về quản lí dịch hại đối với nông sản NK là vấn đề không bàn cãi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cục BVTV sẽ vẫn giữ nguyên thời hạn áp dụng như công văn 1616/BVTV-KD. Sau khi áp dụng quy định mới, Cục BVTV sẽ kiên quyết buộc tiêu hủy, tái xuất hoặc buộc DN phải nghiêm chỉnh chấp hành việc khử trùng sau khi đạt yêu cầu mới được đưa hàng về kho.

Về vấn đề các DN khử trùng gây khó dễ cho DNNK, ông Trung khẳng định hiện nay Cục BVTV đã cấp phép cho 25 Cty làm dịch vụ khử trùng đối với hàng NK. Thời gian tới Cục sẽ tiếp tục mở rộng cấp phép cho các DN khử trùng nhiều hơn để DNNK có điều kiện lựa chọn DN khử trùng nào phục vụ tốt nhất. Cục BVTV khẳng định không có chủ trương, và cũng không can thiệp vào vấn đề giá cả của DN khử trùng. Việc các DN khử trùng gây khó dễ cho DNNK Cục sẽ lập tức tiến hành kiểm tra chấn chỉnh nghiêm khắc.

Về vấn đề chủng loại, nồng độ thuốc khử trùng, ông Trung khẳng định hiện nay các loại hóa chất khử trùng mà Cục BVTV quy định đều có mặt ở các nước. Đối với thuốc sát trùng Phostoxine, đây là loại thuốc Cục BVTV đã kiểm nghiệm và cho thấy sau khi sử dụng hiệu quả khử trùng rất thấp. Hầu hết các mẫu hàng NK về Việt Nam vẫn có sâu hại tồn tại nên Cục BVTV đã loại bỏ loại thuốc này. Vì vậy, DN sẽ vẫn phải chọn loại thuốc như quy định.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất