| Hotline: 0983.970.780

Sớm khuya tất tưởi lo toan cuộc sống, dân nông thôn 'quên ngủ'

Thứ Tư 24/05/2017 , 14:38 (GMT+7)

Quãng đường bán ngày ngày 150-200 km. 10 h tối anh ngủ, 4 h sáng thức dậy, chuẩn bị 1 chai nước, 1 ống điếu thuốc lào, 1 bộ quần áo mưa rồi nhẹ nhàng dắt xe xa cổng mới dám nổ máy kẻo vợ con thức giấc.

Ngủ trên nửa cái yên xe máy

Tối đó, tôi ngủ nhờ ở UBND xã Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện, Hải Dương) và phát hiện ra một điều lạ, phòng Chủ tịch vẫn sáng đèn. Có lẽ hiếm có một Chủ tịch xã nào lại tình nguyện ngủ trực ở Ủy ban quanh năm, suốt tháng như anh Nguyễn Viết Hà trong khi nhà riêng lại gần. Anh duy trì thói quen sáng, trưa, tối ăn cơm ở nhà rồi ngủ lại Ủy ban từ năm 2003 - khi vẫn còn là Phó Chủ tịch. Vậy là hơn 4.000 ngày làm bạn với chiếc giường đơn. Tất nhiên không người dân nào đêm hôm lại đến gõ cửa phòng Chủ tịch để xin dấu. Vậy vì sao?

Vì trực an ninh, trật tự. Kinh tế phát triển lại ở vào cái thế trung tâm nên Đoàn Tùng trở thành trọng điểm an ninh của huyện, của tỉnh với 40 người nghiện và nghi nghiện, trộm cắp, mất trật tự từng nổi lên như rươi mà tai tiếng nhất là vụ đốt xe ô tô ngay ở UBND xã. Chính vì thế mà địa phương ra hẳn nghị quyết thí điểm cơ chế riêng cho công an viên, thay vì lĩnh 1 triệu/tháng như các xã thì ở đây được lĩnh 3 triệu/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội để về hưu đàng hoàng.

Cứ 10h đêm-1h sáng, một đội dân quân lại đi tuần và từ 1h sáng trở đi được thay thế bởi một đội công an viên. Thường trực bên dân quân là xã đội trưởng, thôn đội trưởng. Thường trực bên công an là trưởng, phó công an. Thường trực bên chính quyền là Chủ tịch xã và Phó chủ tịch (Phó Chủ tịch trực mỗi tháng 5-7 buổi). Hễ có động tĩnh gì lại hợp đồng, tác chiến thâu đêm. Chưa thấy ở đâu, giấc ngủ lại nhọc nhằn, vất vả đến vậy…

Đoàn Tùng là xã phát triển nhất của huyện với cơ cấu kinh tế đẹp như mơ: nông nghiệp 8%, công nghiệp, xây dựng, chế biến 31%, thương mại dịch vụ 61%, tổng giá trị thu nhập năm đạt 302 tỉ, bình quân đầu người 34,5 triệu. Mãnh lực của đồng tiền khiến cho mỗi cá nhân ở đây phải xoay tròn như những trái bóng trong lồng quay xổ số.

Nếu như trước đây nông dân chỉ vất vả về cơ bắp thì ngày nay vất vả cả cơ bắp lẫn trí óc. Anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Đào Lâm có lẽ vẫn mãi làm nghề chăn vịt nếu như các ao trong làng không bị lấp dần hết phải bươn bả lên Hà Nội hay xuống Hải Phòng để bán hàng rong. Sẵn có xưởng làm quần sịp của người em trai - một nghề rất phát triển ở Đoàn Tùng mà dân làng vẫn hay quen gọi là may “lồng chim”, anh cất buôn đi bán dạo cùng với mớ keo dính ruồi, dính chuột.

16-01-30_dsc_8197
Anh Quý lên đường bán hàng rong

Quãng đường bán ngày ngày 150-200 km. 10 h tối anh ngủ, 4 h sáng thức dậy, chuẩn bị 1 chai nước, 1 ống điếu thuốc lào, 1 bộ quần áo mưa rồi nhẹ nhàng dắt xe xa cổng mới dám nổ máy kẻo vợ con thức giấc. Nửa tiếng sau, vợ anh cũng thức để kịp nấu nướng cho con ăn rồi vội vàng sang xưởng nhà người em may “lồng chim” thuê.

Quần sịp bán chạy nhất vào mùa xuân bởi mưa phùn, ẩm trời, giặt không phơi kịp, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được đôi trăm. Mùa này, bán ế nên anh lại rao: “Ai keo dính ruồi, keo dính chuột, thuốc tẩy, thuốc kiến, thuốc gián ơ!”. Tiếng rao luồn lách qua phố xá đông đúc đến những con hẻm ngoằn nghèo. Buổi trưa lót dạ bằng một đĩa cơm rang 20.000đ rồi anh tìm một chỗ mát gục mặt xuống đầu xe mà nghỉ.

16-01-30_dsc_8203
Anh Quý gục xuống đầu xe máy nghỉ tạm

Bởi tư thế kẹt người giữa thùng hàng và đầu xe lại thêm phố xá còi xe ầm ĩ, ánh sáng chói lòa khiến anh không thể ngủ. Hạ thùng hàng xuống thì sợ nghiện lấy trộm mất mà bật loa lên để rao lại sợ quấy rầy giấc ngủ trưa của mọi người nên đành ngả lưng tạm vậy. Thỉnh thoảng mệt quá mà thiếp đi anh thường hay mơ về một buổi bán hàng chạy, sướng quá, giật mình tỉnh dậy, ướt đầm đìa mồ hôi.

6-7 h tối khi phố xá lên đèn cũng là lúc anh quay xe trở về quê, tắm giặt, cơm nước xong xuôi là khoảng 9-10 h khuya: “Bởi một ngày trung bình ngủ được 4-5 tiếng nên hễ đặt lưng xuống là tôi thiếp đi ngay. Chỉ vào những hôm trời mưa, không thể đi bán hàng tôi mới được ngủ tròn giấc”. Đó cũng là thời gian biểu chung của mấy chục phận bán hàng rong ở Đoàn Tùng. Những giấc ngủ mệt nhọc, miệng đắng, đầu óc nặng trĩu như chì.
 

Làng mong nắng, làng cầu mưa

Giáo xứ Thúy Lâm có trên 900 hộ nhưng có tới hơn 20 cơ sở sản xuất áo mưa nên điều mà người dân thường thỉnh cầu là những cơn mưa vàng, mưa bạc. Ngày mưa, hàng chạy, người ta làm thâu đêm, suốt sáng. Bên những máy ép ngùn ngụt phả ra hơi nóng, hơi hóa chất độc hại là những mái đầu xanh miệt mài. Bên những chồng áo cao chất ngất là những mái đầu hoa râm hay bạc trắng lụi cụi gấp, xếp. Giấc ngủ ngắn ngủi, đến rồi đi hệt như những cơn mưa rào mùa hạ.

Ngược lại là giáo xứ Đào Lâm, nơi chỉ cầu trời nắng bởi sẵn nghề tráng bánh đa. Có thể nói trong tất cả các nghề ở Đoàn Tùng thì đây là nghề mất ngủ nhiều nhất. Xóm Trại có chừng 40-50 hộ mở xưởng với khoảng hơn 100 lao động tham gia. Khi những cái lò đồng loạt đỏ lửa từ 1, 2 giờ sáng, rừng rực lên hệt như Hỏa Diệm Sơn thì cũng là lúc bóng đôi vợ chồng ông Trương Văn Thức và bà Nguyễn Thị Thường chờn vờn bên vách.

Một lúc sau, con trai, con dâu họ cũng lục tục thức giấc để chạy bánh và phơi bánh. Cứ làm thế đến tận trưa, luân phiên người thổi cơm, người ăn cơm rồi họ lại tất tả nướng bánh, đóng gói đến tận 6-7 h tối mới xong. Trung bình mỗi tối ngủ được 3-4 tiếng, tuyệt đối không có ngủ trưa nên lắm lúc phải vã nước lạnh vào mặt để không đổ gục xuống lò than rực lửa. Bà Thường bảo: “Chúng tôi không có thời gian ngủ đủ để mà nằm mơ nữa, mắt lúc nào cũng cay xè”.

16-01-30_dsc_8221
Những người làm bánh đa chỉ được ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày

Người già nhu cầu ngủ ít còn chịu được, tội nhất là cánh thanh niên như Trương Văn Sơn, Nguyễn Thị Phương - con trai và con dâu bà. Chống lại sự quyến rũ của giấc ngủ đối với họ không gì hơn là những cốc cà phê đặc, đắng nghét để rồi tỉnh táo lại tiếp tục vùi đầu vào cái lò đầy khí độc và khói bụi. Cả một ngày quần quật tráng rồi nướng đủ 650 cái bánh lãi được 600.000đ chia ra công lao động của một người vừa đủ 150.000đ.

Những ai sống chung cùng bố mẹ già còn được hưởng lợi 1-2 giờ ngủ thêm nhờ họ nhường nhịn, san bớt nhưng các gia đình trẻ ở riêng như vợ chồng Nguyễn Viết Nhất thì giấc ngủ lắm khi chỉ còn 2-3 tiếng. Ngủ lúc 10 h đêm, 12 h đêm anh đã phải thức dậy châm lò, nổi lửa, xay bột để 1 h sáng vợ tỉnh tráng là vừa.

Cứ 30 giây xong một cái bánh, để hoàn thành được 500 cái phải thức trọn đến trưa. Chiều đến, nếu không phải nướng bánh, Nhất lại chịu trách nhiệm đi giao bánh ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang để cho vợ có thời gian chăm sóc 3 đứa con.

Bởi tối nào cũng chỉ được ngủ 2-3 tiếng nên có hôm đang đi đường, mắt cứ vô thức nhắm lại anh phải trải vội áo mưa ra đất mà đánh tạm một giấc 10-15 phút. Buổi chiều hôm đó, Nhất đi giao bánh ở Bắc Ninh, dù dọc đường đã nghỉ lại hai lần cho đỡ buồn ngủ nhưng tiếp tục hành trình thì bị lịm đi lúc nào không biết. Anh tỉnh dậy trong bệnh viện với cái đùi trái bị gãy bởi đâm xe vào cột mốc. Mổ xong, đóng đinh nẹp, bác sĩ còn dặn 1 năm sau mới được tháo nhưng chỉ được một thời gian lại thấy lọc cọc chống nạng ra nướng bánh đa.

Vì ngủ gật nên Nhất bị tai nạn

Vì thiếu ngủ nên vợ Nhất đẻ 3 lần nhưng chẳng bận nào có sữa, toàn phải nuôi bằng sữa ngoài. Những đứa trẻ hầu như chẳng còn biết đến những phản xạ tự nhiên nhất như ngậm núm vú hay sờ ti mẹ.

Vì thiếu ngủ nên vợ Nhất không có sữa

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất