| Hotline: 0983.970.780

Sơn La đánh thức tiềm năng

Thứ Năm 15/10/2015 , 09:25 (GMT+7)

Ông Hà Quyết Nghị, GĐ Sở NN-PTNT Sơn La cho rằng, cái được lớn nhất sau 3 năm triển khai đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, đó là đã kiên định được với những đối tượng cây trồng có lợi thế. 

Chủ trương của Sơn La không chạy theo cái mới xa lạ, mà trước hết tăng giá trị, tăng lợi nhuận cho chính các sản phẩm đã có.

Đưa nước về cho cà phê

Là tỉnh miền núi sớm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Sơn La đã sớm rà soát, điều chỉnh hơn 20 quy hoạch cho một số quy hoạch sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo định hướng tái cơ cấu ngành.

Có tiềm năng lớn về nông nghiệp, nhưng trước đây Sơn La vấp phải không ít lúng túng trong việc xác định, lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để lại cả bài học đau xót. Có thời kỳ nhiều quan điểm ủng hộ phá cà phê đi trồng cao su, phá nhãn trồng cao su, có lúc lại cho rằng cần cấm trồng ngô để trồng rừng vào, phủ xanh rừng càng nhanh càng tốt…

Đến nay, thành công lớn nhất sau 3 năm triển khai tái cơ cấu, đó là tỉnh xác định rõ được các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực đã được khẳng định. Trong đó hiện nay, giải quyết nước tưới để hình thành các liên vùng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt giúp tăng năng suất, chất lượng cho các vùng cà phê chè đang được tỉnh hết sức ưu tiên.

Cà phê chè (Arabica) của Sơn La nếu so với sản lượng cả nước thì không đáng kể gì, chỉ khoảng 60 nghìn bao/năm (so với khoảng 1 triệu bao của cả nước), tuy nhiên đây lại là sản phẩm có tính đặc trưng không phải chỗ nào cũng trồng được, chỉ có Sơn La và một số nơi ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Hiện nay, nhiều khách hàng từ Pháp, Đức… rất ưa chuộng dòng sản phẩm này, có dòng họ từ Pháp sang tận Sơn La đặt hàng mua ổn định khoảng 1.000 ha cà phê Sơn La hàng năm, dư địa thị trường có thể nói rất lớn.

Hiện diện tích cà phê Arabica toàn tỉnh đã vượt trên 11 nghìn ha. Trên cơ sở đánh giá lợi thế, tiềm năng, Sơn La sẽ tiếp tục điều chỉnh quy hoạch cà phê lên con số khoảng 15 nghìn ha, đi đôi với việc tăng năng suất bằng các giải pháp canh tác, nhất là đưa công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel vào các vùng có khả năng tưới thuận lợi, chuyển hóa một số diện tích sang ghép cải tạo bằng giống mới, phục tráng cải tạo lại các vườn cà phê già cỗi…

Mục tiêu của chương trình đưa nước tưới cho cà phê, đó là nâng năng suất cà phê bình quân toàn tỉnh lên 14 tấn/ha (so với mức bình quân hiện nay chỉ khoảng 7 tấn/ha), đi đôi với việc gắn với chương trình kêu gọi đầu tư vào chế biến, xây dựng thương hiệu cà phê Arabica của Sơn La.

Ông Trần Xuân Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn, Sơn La cho biết: Diện tích cà phê chè của Mai Sơn hàng năm vẫn tiếp tục tăng, năm 2014 tăng hơn 100ha, nâng tổng diện tích toàn huyện lên hơn 4.520 ha. Điều này cho thấy so với các loại cây trồng khác, cà phê vẫn là cây có ưu thế. Nếu có tưới, sẽ chủ động được kỳ ra hoa, giúp cà phê chín đều, bên cạnh nâng cao chất lượng còn có thể hạ được rất lớn công thu hái do cà phê chín tập trung.

Điểm đáng lo nhất đối với cà phê Sơn La hiện vẫn là khâu tiêu thụ vẫn đang bỏ mặc cho thương lái. Một số DN trong tỉnh chỉ thu mua lại từ thương lái theo kiểu ăn xổi, có thì mua, không có thì thôi, thậm chí chèn ép nông dân, mua giá nào dân chịu giá đó. Là tỉnh có sản phẩm cà phê rất đặc thù, sản lượng khá lớn, Sơn La cần phải kêu gọi được DN đủ tầm, có trách nhiệm, tạo sự liên kết SX – tiêu thụ chặt chẽ với nông dân.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lí giống cà phê cũng phải được chú trọng hơn nữa, bởi hiện tỉnh chưa có cơ sở SX giống đầu dòng nào, dân chỉ chọn lọc thông qua vườn tốt để tự ươm khiến chất lượng giống rất bấp bênh.

Cải tạo, nâng cấp 150 hồ chứa

Cà phê Sơn La canh tác nhờ nước trời, chịu áp lực lớn về nước tưới vào mùa khô, từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hạn chế này khiến năng suất cà phê bình quân toàn tỉnh chỉ khoảng từ 7 – 8 tấn/ha.

Nhiều phương án nhằm chủ động tưới cho cà phê đã và sẽ được Sơn La tiến hành. Theo đó, tỉnh đã kêu gọi được một chương trình vốn ODA tài trợ xây dựng hạ tầng cho các vùng trồng cà phê trong tỉnh, trong đó tập trung cải thiện giao thông, đặc biệt là hệ thống tưới.

Cụ thể, Sơn La phối hợp với Bộ NN-PTNT sẽ khảo sát, xây dựng thêm các hồ treo có quy mô nhỏ tại các vùng cà phê tập trung, có khả năng tưới.

Trọng tâm trước tiên là gắn với chương trình tái cơ cấu, khai thác vùng cao nguyên Nà Sản với mục tiêu phát triển vùng nông nghiệp đặc trưng của miền núi cho khoảng 8.000 ha tại 12 xã liên vùng có diện tích cà phê lớn, gồm 4 xã của TP Sơn La, 2 xã của Yên Châu và 7 xã của huyện Mai Sơn.

Chương trình này đã nhận được sự đồng thuận của Bộ NN-PTNT, theo đó đã trình Bộ KH-ĐT nguồn kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp khoảng 150 hồ chứa phục vụ chương trình nông nghiệp chủ động tưới. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây mới một công trình thủy lợi lớn tại Mai Sơn; nâng cấp một công trình thủy lợi lớn tại Yên Châu; nâng cấp và xây dựng công trình thủy lợi Bản Mòng (có dung tích 10 triệu m3) cùng với công trình dẫn nước, có thể áp dụng công nghệ khoan xuyên núi để đưa nước về phục vụ cho vùng cao nguyên Nà Sản.

Trước mắt, hồ thủy lợi Bua Đinh (Chiềng Mai, Mai Sơn) đã khởi công trong năm 2015, sẽ tiếp nước cho vùng Nà Sản trong thời gian sớm nhất.

Triển vọng nâng cao 50% năng suất cà phê

Chỉ sau một năm thí điểm áp dụng công nghệ chủ động tưới, năng suất cà phê tại các mô hình ở Sơn La đã ngay lập tức tăng thêm hơn 30%, và hoàn toàn có thể tăng gấp đôi trong những năm tới.

Cùng với Chiềng Ban, Chiềng Cọ (TP Sơn La) là một trong những vựa cà phê được phát triển khá sớm. Hơn 40 ha cà phê đầu tiên ở Chiềng Cọ được trồng từ năm 1995, khởi nguồn từ phong trào xây dựng trang trại trẻ, lấy lực lượng thanh niên làm xung kích.

Đến năm 2014, diện tích cà phê của Chiềng Cọ đã tăng lên tới gần 700 ha. Cà phê từ các vùng bằng phẳng, hằng năm đều tăng về diện tích, leo dần lên triền đồi, lấn dần đất trồng ngô. Điều ấy cho thấy cây cà phê vẫn là cây trồng có ưu thế cạnh tranh so với nhiều cây trồng khác ở vùng đất này.

Dù thế, đời sống của người trồng cà phê ở đây chưa thể nói là khá giả. Tập quán canh tác không chú trọng nhiều tới đầu tư thâm canh bón phân, tạo tán, lại nhờ nước trời, năng suất cà phê ở đây dù thuộc loại cao trong vùng nhưng trung bình hàng năm chỉ đạt 7 – 8 tấn/ha.

Với diện tích bình quân từ 1 – 2 ha cà phê/hộ, giá cà phê trung bình nhiều năm nay chỉ xoay quanh 8 nghìn đồng/kg, mỗi ha cà phê chỉ cho tổng thu dưới 70 triệu đồng. Trong bối cảnh công hái cà phê hiện lên tới 1.500 đ/kg, nếu trừ chi phí công hái, phân bón…, người trồng cà phê ở Chiềng Cọ chỉ có lãi ròng khoảng 40 triệu đồng/ha/năm.

Triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với chủ trương nâng cao giá trị gia tăng trên chính những cây trồng đã có thế mạnh của tỉnh, năm 2014, Sơn La đã mạnh dạn hỗ trợ ngân sách với mức 90 triệu đồng/ha, thí điểm áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho cà phê với hệ thống tưới, tập huấn kỹ thuật vận hành cùng toàn bộ phân bón cho năm đầu tiên với diện tích 12ha tại 3 mô hình.

Trong đó, hai mô hình tại 2 xã Chiềng Ban và Chiềng Cọ (TP Sơn La) và một mô hình tại xã Khẳm Lái (huyện Thuận Châu). Tại xã Chiềng Cọ, mô hình được thực hiện trên diện tích 10ha tại 3 bản, gồm 36 hộ dân tham gia. Chỉ sau vụ đầu tiên áp dụng tưới, năng suất, chất lượng cà phê đã nâng lên bất ngờ.

Đến bản Chiểng Yên (xã Chiềng Cọ) thời điểm này, mùa thu hoạch cà phê đang vào chính vụ, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt của các vùng cà phê áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cà phê hơn 1 ha quả trĩu trục, anh Lại Như Sơn, một hộ dân có hơn 1ha cà phê được tưới nhỏ giọt đánh giá: Rõ nét nhất là cà phê được tưới chồi khỏe, béo; lá dày, xanh đậm; quả rất to và đều.

Theo anh Sơn, việc áp dụng công nghệ này cho thấy cà phê chín đều hơn, có thể tiết kiệm được 1/2 công thu hoạch, năng suất vụ cà phê 2015 này có thể đạt từ 14 – 16 tấn/ha, tăng từ 30 – 35% so với vụ trước.

“Đây chỉ là vụ đầu nên việc tăng năng suất chưa rõ rệt, nếu tiếp tục áp dụng công nghệ tưới, năng suất cà phê từ năm sau có thể tăng thêm 50% so với trước đây là hoàn toàn có thể” – anh Sơn dự báo.

Cũng theo vị này, do công nghệ tưới có thể cho phép bón phân dạng nước thông qua hệ thống, nên tiết kiệm được khoảng 50% chi phí phân bón (khoảng 10 triệu/ha/năm như trước đây), đồng thời không còn phải mất công bón phân như trước.

Với mức vận hành khoảng 14 lần tưới/năm, theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình, chỉ tính khâu tiết kiệm được chi phí phân bón và công bón phân hàng năm, sẽ đủ bù đắp cho chi phí tiền điện vận hành hệ thống tưới.

Bà Tòng Thị Bó, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cọ bảo rằng, một lợi thế mà có lẽ nếu không có dự án thí điểm tưới nhỏ giọt, địa phương này sẽ chẳng thể nhìn ra, đó chính là hồ thủy lợi Bản Muông. Hồ được xây dựng từ năm 2000, rộng tới 21ha, sâu 30m, nhưng lâu nay chỉ phục vụ nhu cầu cho NM nước sinh hoạt trong xã và tưới cho khoảng vài trăm ha lúa nước.

Theo đánh giá, với đặc điểm đa số diện tích cà phê ở đây được trồng ở các vùng thấp, nếu được đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn, áp dụng công nghệ bơm, hồ Bản Muôn hoàn toàn có thể cung cấp nước tưới chủ động cho ít nhất khoảng 1/3 tổng diện tích cà phê trong xã, tương đương khoảng 200ha. Điều này có thể nâng năng suất bình quân cho vùng cà phê này lên ít nhất 50% so với hiện nay.

QUỲNH TRANG

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất