| Hotline: 0983.970.780

Sơn La đánh thức tiềm năng: Vững chắc cây công nghiệp, đột phá thủy sản

Thứ Sáu 16/10/2015 , 05:46 (GMT+7)

Đó là những hướng đi trọng tâm mà Sơn La đang hướng tới./ Sơn La đánh thức tiềm năng

Theo đó, tỉnh đang cố gắng giảm dần diện tích ngô, nhất là ngô trên đất dốc; duy trì bền vững các cây công nghiệp chủ lực như mía, sắn bằng các giải pháp nâng cao năng suất; đánh thức tiềm năng cây ăn quả; tạo đột phá cho thủy sản… 

Nâng năng suất sắn gấp 2-3 lần

Là vựa ngô lớn nhất cả nước, tuy nhiên những năm qua, việc diện tích ngô bung ra quá lớn, nhất là tại các địa bàn đất dốc đã gây ra không ít hệ lụy, tình trạng rửa trôi, sạt lở đất do mất rừng diễn ra nghiêm trọng thời gian qua.

Vì vậy đối với cây ngô, mặc dù đây vẫn là cây trồng chính của tỉnh, tuy nhiên Sơn La sẽ giảm dần diện tích ngô trên đất dốc, đưa diện tích từ khoảng 184 nghìn ha hiện nay xuống còn ổn định ở mức 120 nghìn ha, trong đó cố gắng đưa khoảng 40 nghìn ha vào tăng vụ, thâm canh để tăng sản lượng và năng suất nhằm ổn định sản lượng ngô mức 600 nghìn tấn/năm (so với 800 nghìn tấn/năm như hiện nay).

Phương án tăng năng suất sẽ bằng việc đẩy các giống ngô chuyển gen vào vùng có tiềm năng thâm canh và SX tập trung, theo đó có thể nâng năng suất ngô bình quân ở mức 4 tấn/ha như hiện nay lên mức bình quân 6,5 tấn/ha, bởi tiềm năng ngô chuyển gen có thể lên tới 12 tấn/ha. Ngô Sơn La vẫn có lợi thế riêng bởi gieo vào mùa mưa, thu vào mùa khô, đây là điều không phải tỉnh nào cũng có.

Đối với cây mía, sẽ tiếp tục tăng diện tích từ khoảng 4 nghìn ha hiện nay lên 6 nghìn ha, đẩy tổng sản lượng mía cây lên trên 300 nghìn tấn/năm.

Trước đây, NM Mía đường Sơn La chỉ thiết kế công suất 20 nghìn tấn/năm, hiện nay đang và sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp công suất lên 40 nghìn tấn/năm để giải quyết cho vùng nguyên liệu.

Sở dĩ tăng quy mô ngành mía đường của tỉnh bởi trong số 9 NM mía đường của vùng Trung du MNPB thì NM Mía đường Sơn La là DN hiệu quả nhất do năng suất mía lẫn chữ đường rất cao. Việc quy hoạch vùng mía cũng sẽ gom lại, xoay quanh NM trong bán kính khoảng 20km, thay vì quy hoạch rải rác như trước đây.

Vấn đề lớn nhất đối với mía hiện nay vẫn là giống. NM Mía đường Sơn La từng sắp phá sản chủ yếu vì vấn đề năng suất mía quá thấp.

Theo kế hoạch SX của NM này, năng suất mía phải đạt từ 40 tấn/ha trở lên, tuy nhiên thực tế trước đây dân chỉ SX được 20 tấn/ha nên buộc phải mở rộng diện tích, nhưng càng mở rộng diện tích thì đầu tư càng lớn, càng SX càng lỗ.

Những năm qua, Cty này đã đưa vào khảo nghiệm nhiều giống mía mới, kết hợp với thâm canh nên hiện đã đẩy được năng suất mía lên bình quân 60 tấn/ha, cá biệt tới 120 tấn/ha.

Về chăn nuôi, tỉnh đang quy hoạch lại vùng bò sữa Mộc Châu, đẩy tổng đàn từ khoảng 16 nghìn con lên 35 nghìn con để thường xuyên có 20 nghìn bò sữa cho khai thác sữa. Sản lượng sữa quy hoạch trước đây là 30 nghìn tấn/năm, tuy nhiên đến năm 2015 đã ước khoảng 55 nghìn tấn, vượt xa quy hoạch.
Tỉnh xúc tiến kêu gọi thêm các DN bò sữa khác đầu tư, bởi tiềm năng cũng như điều kiện nuôi tại Sơn La có tính cạnh tranh cao nhờ khí hậu rất thuận lợi. Hiện tỉ lệ nuôi bò sữa nông hộ vẫn chiếm trên 60%, và đây cũng là mô hình liên kết SX chủ lực theo định hướng của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề an sinh xã hội, theo đó không quy hoạch vùng trồng cỏ tập trung mà khuyến khích dân trồng nguyên liệu bán cho NM bò sữa.

Sắn cũng là cây công nghiệp còn dư địa lớn của Sơn La, tuy nhiên chủ trương của tỉnh là cố gắng giữ nguyên diện tích khoảng 30 nghìn ha như hiện nay. Đồng thời tăng năng suất bằng các giống sắn mới có năng suất cao như KM92, KM94, KM104… có năng suất lên tới 40 tấn/ha (so với bình quân năng suất của tỉnh hiện chỉ 9 – 12 tấn/ha), áp dụng kiểm soát dịch bệnh, nhất là chổi rồng để tăng năng suất sắn lên 2-3 lần, nâng sản lượng sắn củ lên khoảng 400 nghìn tấn/năm.

Hiện tại, Trung tâm KN tỉnh đang xây dựng các mô hình điểm về canh tác sắn có thâm canh, giống mới, áp dụng trồng xen để cải tạo đất. Đồng thời đang triển khai kêu gọi đầu tư thêm 2 NM chế biến (hiện đã có 1 NM) tinh bột sắn để XK sang thị trường Pháp. Hiện Sơn La đã có một số cơ sở XK tinh bột sắn sang Pháp nhưng công suất còn khiêm tốn.

Cá tầm XK 100 triệu đồng/con

Khai thác tiềm năng thủy sản mặt nước hai hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La là một nét mới mà Sơn La đang rốt ráo đầu tư trong thời gian tới, nhất là nuôi cá tầm XK.

Dự án phát triển cá tầm lấy trứng đã được UBND Sơn La cấp phép cho Tập đoàn Cá tầm Việt Nam triển khai tại các khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình.

Tập đoàn này đã thành lập Cty Cá tầm Sơn La và đã đi vào hoạt động ổn định, đồng thời đã bắt đầu thu hút xây dựng được 8 HTX vệ tinh nuôi cá tầm Siberi tại huyện Quỳnh Nhai.

Khoảng 90 nghìn con cá tầm Siberi đã được nuôi thử nghiệm thành công, với tiêu chuẩn nuôi 7 năm, cá lớn trên 30 kg mới có thể khai thác được trứng XK, mỗi con trung bình 4 – 5 kg trứng, giá XK hiện nay tương đương 1.000 USD/kg, giá trị chỉ tính khai thác trứng là 100 triệu đồng/con/chu kỳ 7 năm.

Để tạo điều kiện phát triển bền vững tiềm năng nuôi cá tầm XK rất giá trị này, UBND tỉnh Sơn La đang quy hoạch lại hạ tầng tại các vùng nuôi, trong đó ưu tiên làm đường giao thông, xây dựng các cảng, kè… Tỉnh đã trình Bộ KH-ĐT xin nguồn vốn ODA để xây dựng 58 điểm cảng tại các vùng nuôi ở 2 vùng lòng hồ, trước mắt sẽ tập trung xây dựng khoảng 10 điểm cảng với nguồn kinh phí khoảng 90 tỉ đồng.

Bên cạnh cá tầm XK, các HTX thủy sản lòng hồ sẽ kết hợp thêm các loại cá nước lạnh, chủ chốt như cá lăng chấm, cá chiên. Cá chiên, cá lăng bán tại thị trường Hà Nội giá rất cao, từ 600 – 800 nghìn đồng/kg, tại Sơn La bán bình quân 300 nghìn đồng/kg, sản phẩm có tính đặc thù.

Thị trường tiêu thụ chính cho các sản phẩm này được tỉnh xác định là Hà Nội, tỉnh cũng đã kết nối được với nhiều đơn vị tiêu thụ lớn tại thị trường này. Hà Nội mỗi năm SX tới 68 nghìn tấn cá nhưng mới chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu, còn lại là các tỉnh ngoài cung cấp.

Sơn La hiện chỉ mới SX được 7 nghìn tấn, bằng 1/10 so với Hà Nội, vì vậy tỉnh xác định Hà Nội sẽ là thị trường chính cho các dòng cá nước lạnh nuôi ở lòng hồ thủy điện.

HÀ QUYẾT NGHỊ

(GĐ Sở NN-PTNT Sơn La)

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất