| Hotline: 0983.970.780

Sông Cầu oằn mình vì “cát tặc”

Thứ Năm 27/02/2014 , 10:02 (GMT+7)

Sông Cầu bây giờ chỉ còn đẹp và thơ mộng trong thi ca. Còn trên thực tế, hơn 100 km chiều dài dòng sông Cầu chảy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản bị biến dạng. Trong nhiều năm, tình trạng khai thác cát sỏi ở nhiều nơi đã khiến dòng sông mang đầy thương tích.

Sông Cầu bây giờ chỉ còn đẹp và thơ mộng trong thi ca. Còn trên thực tế, hơn 100 km chiều dài dòng sông Cầu chảy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản bị biến dạng. Trong nhiều năm, tình trạng khai thác cát sỏi ở nhiều nơi đã khiến dòng sông mang đầy thương tích.

Dòng sông khắc khoải

PV NNVN đã đi dọc sông Cầu qua 5 huyện, thành của tỉnh Thái Nguyên để tận mắt chứng kiến những khu vực lòng sông bị tàn phá bởi tàu hút cát. Có những đoạn sông bị công trường khai thác cát sỏi làm biến dạng hoàn toàn. Còn quả bóng trách nhiệm được huyện này đá sang huyện khác, xã này đẩy sang xã kia.

“Cát tặc” lộng hành

Ngay trước dịp Tết Nguyên đán, Đội kiểm tra liên ngành về khoáng sản tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra tại xóm Táo 1, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương và phát hiện 2 tàu cuốc đang khai thác lén lút cát, sỏi trên sông Cầu. Đội liên ngành đã lập biên bản, làm việc với UBND huyện Phú Lương yêu cầu xử lý các đối tượng. Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Mai (Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai đối tượng khai thác cát sỏi trái phép số tiền là 27 triệu đồng, không có hình thức xử phạt bổ sung.

Điều đáng nói ở đây là tàu cuốc hoạt động giữa ban ngày với tiếng máy nổ xình xịch cả ngày nhưng cả xã lẫn huyện đều không hay biết mà phải đợi đến khi Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh về mới phát hiện. Càng ngạc nhiên hơn khi ngay trên địa bàn có đơn vị khai thác làm đường tiến thẳng ra lòng sông, đổ cát sỏi vô tội vạ nhưng lãnh đạo địa phương không nắm được.

Đó là khu vực sông Cầu thuộc địa phận xã Vô Tranh đã được cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân Nhân Thịnh khai thác. Doanh nghiệp này được cấp phép khai thác trong 29 năm với công suất 90.000 m3/năm. Theo giấy phép, doanh nghiệp phải thực hiện thiết kế mỏ trong 6 tháng đầu tiên, khai thác trong 28 năm tiếp theo và hoàn thổ trong 6 tháng cuối cùng. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ các tiêu chuẩn hiện hành liên quan, biện pháp, quy trình kỹ thuật và thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.


Phần còn lại của một công trường khai thác trên địa bàn xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ

Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp đã đổ một con đường ăn ra đến gần 1/3 lòng sông, chạy song song với dòng chảy để các xe tải xuống “ăn cát”. Doanh nghiệp còn mạnh tay đổ các con đập để ngăn dòng chảy, làm mực nước dâng cao thì các tàu hút cát mới nổi lên được để hút sông. Bãi tập kết cát sỏi cũng nằm ngay giữa lòng sông. Ở công trường khai thác này, thậm chí máy xúc có thể tự đi được ra đến giữa sông để hoạt động. Dòng chảy tự nhiên đoạn sông này đã bị thay đổi hoàn toàn.

Cùng chúng tôi có mặt tại hiện trường, ông Lục Văn Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh) phải thốt lên, làm như thế này là hỏng bét rồi. Không rõ quy trình khai thác của họ thế nào nhưng làm đường cắt ra giữa sông là hỏng. Ông Hùng cho hay vừa qua xã phải chi ra 300 triệu đồng để đầu tư nâng cấp trạm bơm cho xóm Thống Nhất 1, nơi đang có công trường “hoành tráng” nhất của doanh nghiệp Nhân Thịnh. Lý do bởi khi khai thác, nhiều sỏi đá được đổ ngay ra lòng sông làm thay đổi dòng chảy, mực nước gần trạm bơm bị xuống thấp không thể hút nước lên phục vụ người dân được.

Bà Nguyễn Thị Mai (Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) giải thích về những bất cập trong công tác quản lý khai thác cát sỏi trên địa bàn là vì “thường xảy ra ở khu vực giáp ranh”. Cụ thể ở đây là đoạn sông diễn ra có nhiều tàu khai thác nhất nằm giáp với địa phận huyện Đồng Hỷ. Khi lực lượng huyện Phú Lương ra quân thì các tàu cát kể trên lại chạy sang địa phận huyện Đồng Hỷ.

Đùn đẩy trách nhiệm

Đứng từ phía bờ sông thuộc địa phận xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ) nhìn sang càng thấy rõ sự tàn phá của công trường khai thác cát sỏi của doanh nghiệp Nhân Thịnh. Có đoạn, dòng chảy được nắn từ khoảng rộng hàng trăm mét chỉ còn chừng 4 - 5 m và hướng sang phía bờ sông thuộc xã Minh Lập. Không ai có thể dám chắc bờ sông sẽ bị xói mòn như thế nào khi dòng nước tập trung đổ vào một điểm như vậy.


Địa bàn xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình vẫn còn nhiều tàu khai thác cát sỏi
 trái phép hoạt động

Ông Dương Đình Hùng (Chủ tịch UBND xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) cho biết, các tàu cuốc đang làm cho doanh nghiệp Nhân Thịnh chủ yếu là các tàu khai thác trái phép trước đây. Lợi dụng sự lơ là, các tàu này đã tranh thủ “nhảy” ra khỏi địa phận được cấp phép để khai thác trái phép. Ngay cả với doanh nghiệp cũng chưa bao giờ cho xã biết về thiết kế mỏ, trong khi đó, quy chế phối hợp quản lý với địa bàn xã giáp ranh chưa được xây dựng. Trước tình trạng doanh nghiệp đổ đất làm đường, bắc cầu qua sông cho xe tải, máy xúc hoạt động giữa dòng, đã có lần, UBND xã Minh Lập phải cắt điện buộc doanh nghiệp dừng hoạt động.

Ngược dòng vài km tính từ điểm khai thác đã được cấp phép của doanh nghiệp Nhân Thịnh là khu vực các tàu cát khai thác trái phép thuộc địa phận xã Minh Lập. Một đoạn sông bị lấp gần như hết bởi một con đường ô tô tải có thể đi được cùng những núi sỏi, cồn đá còn lại sau quá trình khai thác. Được biết, khu vực này các đối tượng khai thác trái phép đã hoạt động mạnh ngay trước Tết Nguyên đán. Lực lượng chức năng huyện Đồng Hỷ đã phải ra quân truy quét và bắt quả tang một tàu cuốc, hai thuyền chở cát đang hoạt động không phép.

Ông Nguyễn Văn Thủy (Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ) cho biết: “Huyện đã nhiều lần chỉ đạo xử lý các tàu cuốc hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên sông Cầu nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt được. Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh với huyện khác để lén lút hoạt động. Khi bắt được quả tang trên địa bàn do chúng tôi quản lý sẽ xử lý rất nghiêm khắc”.

Ông Thủy dẫn chứng trường hợp vừa vi phạm gần đây nhất huyện đang làm tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đối tượng bị xử phạt là bà Đinh Thị The (xã Minh Lập) phải chịu mức phạt 70 triệu đồng cùng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tàu hút cát.

Sở dĩ huyện phải đề xuất tỉnh ban hành quyết định xử phạt vì tàu cát của bà The bị phát hiện ngoài khai thác cát sỏi còn khai thác cả vàng sa khoáng. Tuy nhiên, có ý kiến ở địa phương cho rằng mức phạt này đối với người vi phạm là quá cao, họ sẵn sàng không nộp phạt vì cả tàu cũng đã bị thu giữ. Cũng vì lẽ đó, cả tháng nay, hàng ngày Công an xã Minh Lập phải cử người trông giữ để tránh trường hợp kẻ xấu làm liều hủy hoại con tàu.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (Phó Giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên) khẳng định, với hành vi khai thác cát sỏi trái phép trên sông, quan điểm của Sở TN-MT là phải xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật. Nhưng trên thực tế, thật không dễ dàng khi quả bóng trách nhiệm đều được đá đến vị trí “giáp ranh địa bàn”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.