| Hotline: 0983.970.780

"Sống chui" giữa quê hương

Thứ Ba 23/07/2013 , 12:53 (GMT+7)

Họ là những Việt kiều sống bằng nghề đánh bắt cá trên Biển Hồ (Campuchia). Thế rồi, cuộc mưu sinh bên nước bạn ngày càng khó khăn hơn nên họ rủ nhau hồi hương, hình thành một làng chài bên bờ hồ Dầu Tiếng.

Họ là những Việt kiều sống bằng nghề đánh bắt cá trên Biển Hồ (Campuchia). Thế rồi, cuộc mưu sinh bên nước bạn ngày càng khó khăn hơn nên họ rủ nhau hồi hương, hình thành một làng chài bên bờ hồ Dầu Tiếng. Ở đất mẹ, cuộc sống có bình yên, nhưng đã 20 năm qua, cuộc sống của họ vẫn khó khăn chất chồng, đa số vẫn chưa được thừa nhận, dẫn đến bao hệ lụy…

LÊN BỜ VẪN BẤP BÊNH

Đó là làng chài 42 hộ, với khoảng 250 nhân khẩu ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Xuất phát từ TPHCM đến gần 10 giờ sáng, chúng tôi đến xã Minh Hòa.

Đang ngơ ngác tìm người hỏi đường đến UBND xã thì thấy một cậu bé chừng 10 tuổi đang hí hoáy với chiếc xe đạp cọc cạch, tôi sáp lại hỏi: “Cho chú hỏi trụ sở ủy ban xã ở đâu con?”, câu trả lời của cậu bé làm chúng tôi chưng hửng: “Dạ con không biết”. “Thế con biết làng chài không?”. Cậu bé nhanh nhảu: “Dạ biết. Nhà con ở đó mà”.

Tôi đang lưỡng lự xem nên đến trụ sở UBND xã trước hay đến làng chài trước thì cậu bé hỏi: “Chú có đến xóm chài không để con đưa về?”. Tôi gật đầu. Làng chài là những túp lều xiêu vẹo, được dựng tạm bằng đủ thứ vật liệu chắp vá. Trong căn nhà tuềnh toàng ấy, quần áo vứt bừa bãi, chỉ có những chiếc tivi cũ kỹ là đáng giá nhất.


Những căn chòi ở làng chài bên bờ hồ Dầu Tiếng

Cư dân xóm chài này từng có những năm tháng dài lênh đênh trên Hồ Tonle Sap (Biển Hồ, Campuchia). Đến những năm cuối thập niên 80, đầu 90 (thế kỷ XX), họ lần lượt trở về đây, quần tụ thành một làng chài với nghề cũ là đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng.

Cậu bé dẫn đường đưa thẳng chúng tôi về nhà mình, đó là một căn chòi trong số những căn chòi ở đây: trống trước hở sau và bên trong chẳng có vật dụng gì đáng giá. Cha cậu, ông Nguyễn Đình Nam, năm nay đã 48 tuổi, và cũng từng ấy năm gắn bó với chiếc ghe, kể: “Tụi tui từ Biển Hồ về đây năm 1988, ban đầu chỉ có hơn chục hộ, sống trên ghe, lênh đênh trên mặt hồ Dầu Tiếng. Đến giờ tăng lên mấy chục hộ, cả mấy trăm người rồi chứ không ít.

Khoảng năm 2005 gì đó, chính quyền xã thương nên cho lên bờ hồ, khu vực bán ngập cất chòi ở tạm. So với hồi đầu mới về, thế này là khá hơn nhiều rồi đấy. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, nhưng chúng tôi vẫn biết ơn xã đã cho chúng tôi định cư ở đây”.


Những ngư dân làng chài trên hồ Dầu Tiếng

Sau khi được lên bờ dựng chòi ở tạm, cứ tưởng sẽ được “công nhận” là cư dân địa phương, nhưng không phải. “Bây giờ, muốn có hộ khẩu, phải chứng minh nguồn gốc nhân thân, rồi phải có tiền mua đất cất nhà. Nhưng, việc chứng minh nguồn gốc là không thể, vì từ thời cha mẹ sinh đến giờ vẫn sống trên ghe thuyền đánh cá, có ai quản lý đâu mà chứng minh?ư

Còn mua đất cất nhà ư? Ăn còn chưa no lấy gì mua đất? Mà không có hộ khẩu thì cũng chẳng khác gì sống ngoài vòng pháp luật”, ông Nam nói tiếp.

Nói về những hệ lụy từ việc không có giấy tờ tùy thân, ông Nam bảo: “Hồi năm ngoái, thằng Dũng trong xóm này mượn xe máy không có giấy tờ của người ta đi ra phố, bị công an thổi rồi mất luôn, phải đền 2 triệu đồng”.



Những gia đình Việt kiều ở làng chài

Theo hướng dẫn của ông Nam, tôi tìm đến căn chòi của anh Phạm Tuấn Dũng. Nhìn anh, ít ai nghĩ anh mới 27 tuổi và đã có đến 4 đứa con. Nghe tôi hỏi nguồn cơn vụ mất xe, anh Dũng kể: “Năm ngoái má vợ tôi bệnh nằm viện ngoài Thủ Dầu Một, vì nhà vợ neo người nên 2 vợ chồng tôi phải thay phiên nhau ra chăm sóc. Bình thường tôi vẫn chạy xe đạp ra xã rồi đi xe buýt. Nhưng hôm ấy vợ tôi cũng bệnh, trong khi nhà đến 4 đứa nhỏ, tôi tranh thủ ra sớm để về nên đi mượn xe của người trong xóm.

Vì chạy không quen nên ra phố đông người tôi lóng ngóng rồi quẹt với người ta ngay chỗ ngã tư có công an đứng. Xe máy không giấy tờ, bản thân tôi cũng chẳng có mảnh giấy tờ gì nên công an đến lập biên bản, tạm giữ xe luôn. Bao nhiêu lần lên xin mà không được. Cuối cùng tôi phải đền.

Có 2 triệu thôi mà đến giờ vẫn chưa trả xong. Ở đây chỉ có vài chiếc xe máy, đều là xe rẻ tiền, không có giấy tờ nên đa số chỉ chạy loanh quanh trong xã thôi chứ không dám đi xa”.

"NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT"

Dạo quanh làng chài, chúng tôi thấy trẻ em ở đây có những điểm chung là nhỏ thó, đen nhẻm và không thể học lên cấp 2. Cô bé Huỳnh Mai Thi, năm nay lẽ ra phải lên lớp 6, nhưng do chẳng có giấy tờ, hộ khẩu nên em không thể đi học tiếp được.

Mẹ em, chị Nguyễn Thị Châm, rơm rớm nước mắt kể: “Nó ham học và học rất giỏi, từ lớp 2 đến lớp 5, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Hết lớp 5, cháu về hăm hở lắm, cứ tưởng sẽ được đi học tiếp. Đến khi biết sự thật nó khóc quá trời”.


Những đứa trẻ ở làng chài không hề biết, phía trước chúng là một một 
tương lai màu xám


Cháu mới 8 tuổi, không được đến lớp mà ở nhà phụ mẹ kiếm tiền

Tôi nghe và chưa biết chia sẻ với chị thế nào thì bé Thi níu tay tôi: “Chú ơi, chú nói cô giáo cho con đi học nha chú. Con thích mặc đồng phục đi học như các bạn”. Tôi cười hỏi lại: “Con muốn đi học vì thích mặc đồng phục thôi hả?”, Thi đáp rất “người lớn”: “Con không thích ra hồ thả lưới như ba mẹ, con muốn đi làm Cty. Có nhiều tiền mới phụ ba mẹ được chứ. Chú giúp con nha chú”.

Mẹ Mai Thi cho biết, từ khi nghỉ học, hằng ngày em phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để theo cha ra hồ thả lưới, đến gần trưa mới về.

Cách nhà bé Mai Thi không xa là gia đình cháu Phạm Thị Ngân, 12 tuổi, con ông Phạm Văn Núi, dù rất muốn đi học nhưng vì không có hộ khẩu nên Ngân đã phải nghỉ học từ 2 năm nay. “Cháu muốn đi học để sau này làm cô giáo. Nhưng giờ phải nghỉ học rồi, cháu buồn lắm. Nếu bây giờ được đi học lại thì cháu thích lắm”, nét mặt buồn so, Ngân nói.

“Hơn 10 năm nay chúng tôi như sống chui giữa quê hương vì hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân không có. Người lớn thiệt thòi đã đành, tội nhất là mấy đứa trẻ, phải chịu cảnh thất học. Xóm chài này hiện có cả trăm đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường mà không được đi học chứ chẳng ít.

Chúng tôi mong chính quyền cấp sổ đỏ trên diện tích đất mà Nhà nước đã cho. Có sổ đỏ, có đất chúng tôi mới nhập được hộ khẩu, có giấy chứng minh, con em mới được đi học đến hết khả năng.

Còn chúng tôi, nếu có giấy tờ, việc làm ăn cũng thuận tiện hơn, ví như đi vay vốn chẳng hạn. Còn nếu tình trạng này kéo dài thế này, chúng tôi sẽ tiếp tục là những người sống ngoài vòng pháp luật, còn khổ dài dài”, anh Dũng nói.

Nhìn những đứa trẻ bé nhỏ chèo ghe, lặn ngụp giữa mênh mông hồ nước, tôi không khỏi xót xa. Rồi đây, có thể chúng sẽ phải nối gót cha mẹ chúng, sống cuộc đời lênh đênh nếu chúng không được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ khác.

“Chính quyền địa phương đã cố gắng hết sức để hỗ trợ họ trong khả năng. Nhưng riêng vấn đề giấy tờ, tôi thấy quanh hồ Dầu Tiếng, khu vực Tây Ninh, cũng có mấy xóm Việt kiều giống như vậy, nhưng đang được chính quyền làm thủ tục cấp hộ khẩu. Còn ở đây thì không.

Tôi đã hơn 30 năm công tác tại địa phương này và hàng chục lần ý kiến lên cấp trên xin cấp giấy tờ cho các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa được”, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng ấp Hòa Lộc xã Minh Hòa.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.