| Hotline: 0983.970.780

Sông có khúc

Thứ Bảy 18/05/2019 , 13:15 (GMT+7)

Cặp đôi văn xuôi của một tổ chức văn nghệ địa phương có cái kiểu yếm thế mà anh chị em tự trào là “yếm thế bẩm sinh”.

Không có sự bẩm sinh đó theo nghĩa của tính cách học hay văn hóa vùng miền. Dễ hiểu thôi. Chuyện đơn giản thôi: nhà văn phải nghèo, nhà văn tỉnh lẻ thì phải sống mòn. Nghèo là tất yếu. Với người hiền hậu vốn ngại bon chen, nhìn họ như là yếm thế. Nhưng không phải vậy. Nghèo nên không bị tích mỡ hay bụng bia, nghèo rau cháo quen rồi và sâu xa, nghèo cho sạch, thế thôi.

doc-sch2091942958
Ảnh có tính chất minh họa.

Nhớ ba mươi năm trước, mình cũng còn là dân tỉnh lẻ giật gấu vá vai trong khi Hà Nội hay Sài Gòn luôn thung dung cơ hội. Thực tế, cánh Thủ đô hay cánh Sài Gòn xuống địa phương, người sở tại vắt giò lên cổ lo sao cho tươm tất. Có câu ca dao vỉa hè “Quan trên xuống tỉnh bờm đầu/Tỉnh ra quan hỏi đi đâu thế mày?”.

Năm ấy, năm 1989 ấy tôi vào được một bài báo Tết ở Sài Gòn. Một bài báo coi như đủ cho ba ngày Tết ở thị xã nhỏ lẻ quê mùa. Bài thường, một trang đầy, giá nhuận bút bây giờ chắc chắn khoảng bốn hay năm triệu gì đó. Hồi ấy tiền có giá nhưng vỏn vẹn có mỗi một bài, giỏi gói ghém tùng tiệm ba mẹ con mới qua được một cơn hiểm nghèo có cái tên chung là Tết. Tết là sum họp, Tết mua sắm, Tết tủi thân, vì vậy với người nghèo tỉnh lẻ, đúng là một cơn hiểm nghèo cần phải vượt qua!

Thời nhuận bút chưa được chuyển khoản, vì chưa ai có tài khoản cá nhân. Nếu để văn phòng tòa báo đủng đỉnh chuyển bằng đường bưu điện, chắc chắn mấy mẹ con méo mặt. Đánh đường lên Sài Gòn phải qua hai con phà, trong đó Mỹ Thuận là địa danh khiếp đảm và khi về, cũng chừng ấy gian nan. Chủ báo chủ bút chủ trị sự đất Sài Gòn xong chuyện phát hành, thở phào tung tăng họp hội, đi dự chỗ này xuất hiện chỗ kia.

Nhà văn trẻ tỉnh lẻ chờ dài cổ, ông Công ông Táo đến sát rồi mà nhuận bút chấm xong nhưng chưa được đánh máy thành danh sách! Chao ơi, vị thế mong manh, nỗi lòng không biết tỏ cùng ai, về cũng dở ở cũng không xong. Cuối cùng áp Tết, không tệ. Mới biết người quanh năm thiếu đói, người vùng sâu vùng xa họ sợ Tết đến mức nào. Buồn mãi, cho tới tận bây giờ, một kỷ niệm, một nỗi niềm tỉnh lẻ. Nghĩ năm tới thì sao, vẫn viết chứ, xếp hàng trầy vi tróc vẩy nhưng có một suất còn hơn không.

Đôi vợ chồng văn xuôi tôi đang nhắc đến chọn cách thu xếp khác. Vợ về vườn, rời biên chế, về vườn. Mẹ già, vườn tạp, về thôi. Chồng ở lại, bám guồng, thời chưa có xe máy, mỗi tuần đi về sáu chục cây số với vườn nhà má vợ. Phải AQ thôi, chầm chậm theo vòng quay xe đạp ơi ta yêu mày biết mấy, nghĩ được khối điều hay. Vợ ở nhà cũng AQ, viết trong tự do, bờ dừa cũng ngồi được, cần gì bàn ghế. Mỗi người kiên cường mỗi kiểu nhưng cứ phương châm nghèo trong danh dự.

Vợ chồng không nhìn vào trang viết, chỉ có thời gian nhìn vào đuôi mắt và thái dương của nhau. Chân chim chạm muối tiêu. Ấy là nói về nếp nhăn và về tóc chứ không phải thức ăn! Nói thì đơn giản nhưng sống kiểu ấy năm chầy năm, lòng người phải sóng gió. Những cơn buồn cơn tủi, cả những cơn phẫn uất của nhà văn dù ngồi ở xó nào, cũng khiến mắt xa vắng, miệng ít nụ cười và không khỏi những lúc trào lệ.

Viết để làm chi? Đây là cuộc vật lộn chứ không phải cuộc sống! Đọc nhau, không có tiền để đi đến với nhau, cách bức quá, sau này được trải lòng qua điện thoại qua Internet và cả Facebook. Sao sự bề bộn tâm tư giống nhau thế, cái ngữ nhà văn “đói chết cũng không chừa cái nết lo bao đồng!” Đành vậy, đêm về người ta ca hát nhậu nhẹt giải sầu, mình ngồi vào bàn hoặc vắt tay qua trán và nghĩ. Ấy là chỗ hơn người của kẻ viết lách dù ở cùng trời hay cuối đất.

Hai thập kỷ vèo qua. Vườn thôi tạp, những gốc dừa loi thoi xưa giờ tỏa bóng, hòa vào thương hiệu xứ dừa, ngọt kỳ diệu. Đường bê tông qua xã, cha một chiếc xe máy, con trai một chiếc, tuần nào cũng đoàn viên. Thêm gác lửng, thêm hành lang hông nhà, trời cho thêm trăng, hoa cho thêm mùi, dừa cho thêm trái, bỗng chốc bao nhiêu bè bạn tìm về ao ước.

Nhất rồi. Thì nhất! Như con chim con cá, muốn bao la có bao la, muốn vẫy vùng được vẫy vùng. Ai dám đánh đổi, người đó sẽ có hậu vận. Đã có thể cười mỉm với những phe nhóm đạp lên tất cả để có dinh thự, bể bơi, kẻ ăn người ở. Trời không cho ai tất cả.

Con trai lấy vợ. Ngẫm ra con cái những nhà lấy chữ nghĩa làm trọng, con của họ chắc chắn ngoan lành, tử tế. Một đứa cháu trai. Bà đưa cháu về vườn có cây cỏ hoa lá. Khách xa về, con trai con dâu đảm đang như mọi nếp nhà ngày xưa ông bà thơm thảo như vậy, chu toàn như vậy. Mừng cho bạn hay đang hớp lấy hàng vốc vi lượng tinh thần cho chính ta?

(Kiến thức gia đình số 20)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.