| Hotline: 0983.970.780

Sống dưới lòng đất: Tham vọng công trình trong hang động của Hong Kong

Thứ Sáu 10/05/2019 , 13:10 (GMT+7)

Với giá nhà được xếp vào hàng cao nhất thế giới và hầu hết đất đều không thể xây dựng, Hong Kong đã tìm ra một cách mới để mở rộng: Chuyển các công trình vào hang động trên núi.

Có một cây cầu đặc biệt ở Hong Kong mang đến khung cảnh vô cùng ngoạn mục: Một bên là sông, bên kia là các tòa nhà chọc trời gần giống nhau mọc san sát cạnh núi, theo Guardian.

nh1153253141
Một đường ống dẫn chất thải đang được xây dựng ở Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.

Dù nhìn vào đâu, bạn cũng không thể thoát khỏi mùi hôi thối của nước thải. Nó xuất phát từ nhà máy xử lý tại Sha Tin, ban đầu được xây dựng ở rìa thành phố nhưng nay trở thành một phần quan trọng của Hong Kong, bởi xu thế phát triển không ngừng đang dần mở rộng ra phía ngoại vi. Tuy nhiên, không lâu nữa, mùi hôi thối sẽ biến mất khi Hong Hong triển khai kế hoạch đầy tham vọng: Di chuyển những công trình công cộng gây ảnh hưởng tới đời sống người dân xuống lòng đất.

Chính quyền thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng những công trình, cơ sở mới dưới lòng đất, bên trong các hang động trên núi. Nhà chức trách khuyến nghị rằng các công trình hậu cần, trung tâm dữ liệu, hồ chứa, phòng thí nghiệm hay thậm chí bể bơi cũng đều phù hợp để phát triển trong lòng đất.

Chính quyền Hong Kong đã công bố bản đồ những khu vực tiềm năng cho kế hoạch xây dựng ngầm. "Ở Hong Kong, động lực chính cho kế hoạch phát triển xây dựng trong hang động nằm ở vấn đề đất đai", nhà hoạch định đô thị Edward Lo cho hay. "Chỉ khoảng 24% diện tích đất Hong Kong có khả năng phát triển, phần còn lại là những vùng đồi núi, nếu đầu tư xây dựng sẽ vô cùng tốn kém. Vì thế, chúng tôi muốn biến sự hạn chế này thành cơ hội".

Hong Kong có thị trường nhà ở đắt nhất thế giới, với giá bất động sản trung bình cao hơn thu nhập bình quân của người dân hơn 18 lần. Kế hoạch xây dựng trong hang động có thể giải phóng khoảng 1.000 hecta đất. Xây nhà dưới lòng đất không phải ý tưởng mới mẻ. Na Uy đã xây dựng toàn bộ kho lưu trữ quốc gia trong một hang động ở Oslo và Helsinki lâu nay vẫn tự hào vì sở hữu một bể bơi ngầm có sức chới tới 1.000 người. Hong Kong muốn đi xa hơn thế.

Nhà chức trách đã liệt kê 48 địa điểm ngầm và sườn đồi tiềm năng cho những hang động mới, giúp các công ty không phải vất vả khảo sát, tìm kiếm nơi xây dựng. Chính quyền Hong Kong cũng có một số dự án được xây dựng bên trong các ngọn đồi, bao gồm một trạm trung chuyển chất thải, một kho chứa chất nổ, một hồ chứa và các ga tàu điện ngầm. Đại học Hong Kong năm 2007 di chuyển bể chứa nước tới một ngọn đồi lân cận để lấy đất xây ký túc xá.

nh2153253230
Hong Kong là một trong những thành phố có mật độ dân cư đông đúc và giá nhà ở thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Nhà chức trách hy vọng những đường hầm dưới lòng đất có thể trở thành nơi lưu trữ hồ sơ, phòng thì nghiệm khoa học, hầm rượu và bãi đỗ xe. "Hang động là nơi lý tưởng để xây những công trình gây ảnh hưởng tới dân cư xung quanh", Tony Ho, kỹ sư địa chất trưởng tại Cơ quan Xây dựng và Phát triển Dân sinh Hong Kong, nhận xét. "Nếu chúng ta có thể đưa những công trình phù hợp vào trong hang động, một diện tích đất lớn sẽ được giải phóng cho những mục đích sử dụng khác, chẳng hạn như xây nhà ở".

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng xây nhà trong hang động không phải chìa khóa giúp giải bài toán đất đai của thành phố. Hong Kong cần gần 9.000 hecta đất để phát triển nhà ở nhưng các hang động chỉ giúp giải phóng khoảng 1.000 hecta với điều kiện những công trình đã tồn tại được di dời.

Kế hoạch di dời nhà máy xử lý nước thải Sha Tin vào hang động được khởi động từ năm 2012 và quá trình xây dựng sẽ bắt đầu sớm nhất vào năm sau. Mất thêm 9 năm để công trình hoàn thành và hai năm vận hành thử nghiệm. Tổng cộng, dự án mất ít nhất 18 năm để đi vào hoạt động. Chi phí cũng có thể là một gánh nặng. Việc di dời nhà máy ước tính tiêu tốn khoảng 78 triệu USD, gấp đôi số tiền phải bỏ ra nếu xây công trình trên mặt đất.

Dù chi phí cao, các công trình xây trong hầm lại có ưu điểm là chi phí bảo trì thấp và không cần phải phá dỡ như những công trình truyền thống. Mặt khác, chúng cũng có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng. Nhiệt độ thấp và ổn định hơn dưới lòng đất đồng nghĩa với việc con người sẽ dùng ít điều hòa hơn, đặc biệt trong mùa hè khi nhiệt độ hiếm khi xuống dưới 30 độ C ở Hong Kong.

nh3153253282
Lối đi trong một hồ chứa nhân tạo dưới lòng đất ở Hong Kong. Ảnh: Hong Kong Civil Engineering and Development Department.

Trong một nỗ lực nhằm quảng bá dự án, nhà chức trách Hong Kong đã công bố một linh vật hoạt hình đại diện với kỹ năng đào hang xuất sắc, đồng thời tổ chức hàng loạt sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Dù tình trạng thiếu nhà ở luôn trầm trọng, các chuyên gia nhấn mạnh Hong Kong không có kế hoạch đưa người dân xuống sống trong hang động. "Chúng tôi không khuyến khích việc xây nhà trong hang nhưng chúng tôi sẽ tìm cách đưa những công trình khác xuống lòng đất, nhờ thế, chúng ta sẽ có thêm nhiều diện tích đất trên bề mặt dành cho xây dựng nhà ở", Lo lưu ý. "Chúng tôi vẫn nghĩ rằng không gian trên bề mặt thích hợp hơn để sinh sống".

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.