| Hotline: 0983.970.780

Sóng gió gia đình

Thứ Năm 23/12/2010 , 14:47 (GMT+7)

Mẹ con đi làm được bao nhiêu thì bị bố lừa hết bây nhiêu. Khi mẹ con về nước, bố con nhất quyết đòi li dị...

Cô Dạ Hương kính mến!

Gia cảnh con chắc không ai nhiều phức tạp đến vậy. Bà nội con sinh được bố con thì bỏ chồng năm 21 tuổi. Sau đó bà đẻ thêm 2 người con với hai đàn ông người khác và sau đó, bà lấy một người 2 lần chết vợ và có 3 cô con riêng. Gộp lại ông bà 6 người con, đẻ thêm với nhau 4 người nữa.

Gia cảnh con anh con tôi con chúng ta nhưng nhờ ông cầm trịch tốt nên khá thương yêu, hòa thuận. Lớn lên bố con đi bộ đội rồi lấy mẹ con. Hai người cùng xuất ngũ về quê nội con và sinh được 2 anh em con. Bố học lái xe, lái mướn, mẹ làm ở xã, bươn chải lắm. Năm 2000 bố mẹ mua được đất làm nhà, mẹ đi vay mua cho bố được chiếc xe tải để không phải đi lái mướn nữa. Rồi anh con đi đại học, con vào cấp II. Bố thuyết phục mẹ đi lao động nước ngoài - đi chui thăm thân rồi ở lại làm ôsin để có tiền trả nợ và mua cho bố chiếc ô tô mới hơn. Ban đầu mẹ không đồng ý, nói con gái nhỏ, đi thương lắm. Nhưng rồi bố cũng thuyết phục được mẹ.

Lúc đó con nhớ mẹ nên khóc suốt. Mẹ đi chưa đầy tháng thì bố đưa một cô giáo nhạc họa nổi tiếng trắc nết về rồi cùng cô ta đi bán hàng đa cấp và môi giới bảo hiểm. Cô ấy không chồng nhưng có 3 đứa con hoang, một đứa bán cho người nước ngoài, hai đứa kia đưa vào trại mồ côi. Nghe nói đứa thứ ba là con quan chức ngành giáo dục nên cô ta vẫn được bao che. Khi cô ta ngủ hẳn ở nhà con, con phản đối thì bố quát nạt, con chạy đi mách bà nội, bà bênh vực bảo trai vắng vợ, trẻ con biết gì! Con gọi điện cho mẹ, bố phát hiện đánh con một trận gần chết và phá luôn điện thoại. Từ đó bố tuyên bố, nếu làm lộ chuyện thì sẽ bị tống ra khỏi nhà làm cave. Bố đi ở hẳn với cô ấy, con mới học lớp 7 phải tự nấu ăn một mình. Cô chú thương cho gì con ăn nấy.

Mẹ gửi về lần đầu 30 triêu, bố điện sang bịa bệnh đái ra máu để mẹ phải xin nhà chủ ứng 50 triệu nữa. Ông nội đã mất, chú của con điện sang dặn mẹ phải giữ tiền để nuôi con. Bố không cấp tiền cho anh con nữa, anh phải làm thêm, cuối cùng bỏ học đi làm thuê anh em nuôi nhau. Bố gửi đơn lên tòa nói mẹ mất tích (vì mẹ đi chui) và xin ly dị. Cực chẳng đã mẹ phải về nước, ngay đêm đầu đã bị bố đánh dằn mặt ép mẹ ly dị. Bố đã nhất quyết. Tòa chia đôi đất, bố giành phần lớn nhà, bà nội vào hùa với bố hắt hủi mẹ, chú của con bảo mẹ lên nhà chú ở nhưng mẹ và con đi ở nhờ hàng xóm.

Họ cưới nhau. Cô của con đem anh con đi nuôi ăn học thành nghề, giờ lương cũng khá và đã có người yêu. Nhờ cô chú đóng góp, mẹ con đã làm xong nhà trên phần đất tòa chia. Bố con thì bắt gặp cô vợ ngoại tình, nổi điên đánh người thì cô ta đánh lại bố. Bà nội hy vọng con dâu kia, giờ xấu hổ lắm. Bố đánh tiếng đám cưới anh con bà nội làm chủ hôn nhưng cô chú không ai đồng ý cả. Cô ạ, với mẹ con thì bố đã chết, bà chỉ sợ bố hết đường nên tính chuyện quay lại. Mẹ và con phải làm sao đây cô?

Xin cô giấu tên và địa chỉ giúp

Cháu thương mến!

Lá thư dài và quá đầy đủ khiến cô thấy bừng bừng ở trong lòng. Cũng từng là bộ đội đấy, cũng từ hai bàn tay chân chỉ cả đấy mà sao đổ đốn và thú tính như vậy? “Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài/Ai ngờ giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây”. Bi kịch nhà cháu cho thấy một nông thôn hỗn loạn, một nông thôn mất cái văn hóa gốc của mình, một nông thôn đau thương. May mà, như cháu nói, chỉ có bố là thừa hưởng gen trụy lạc của bà. May mà cô và chú dù không trực hệ nhưng đã thương yêu, đùm bọc cháu và mẹ cháu. May mà anh cháu đã có nghề và thành công, may mà cháu từ hồi lớp 6 đến khi mẹ về đã an toàn, khỏe mạnh và qua lá thư, thấy cháu giỏi giang, biết nghĩa và bản lĩnh.

Thứ nhất, bố đâu có là con người nữa. Không ai thất đức đến mức ấy. Quả báo nhãn tiền đó thôi. Mẹ hận khắc cốt ghi tâm, theo cô, các cháu cũng chưa nên đoái hoài chi vội. Ông ta có đi ăn xin cũng mặc. Không nên cho về gần, không nên dây vào, cái tính côn đồ ấy nguy hiểm. Với người bà bất nhân cũng thế thôi, cô ít khi đổ dầu vào lửa nhưng riêng trường hợp này cô không kềm được. Các cháu có người ông dù không phải ông nội ruột nhưng rất xứng đáng trên bàn thờ, có nhiều cô và chú bảo bọc, lo chi. Rồi sẽ thấy về già ông bố của cháu thê thảm thế nào, lúc đó hẳng hay. Nhưng phải tách xa ông ấy khỏi mẹ, đừng làm mẹ tổn thương thêm. Con người chứ phải gỗ đá đâu mà muốn đẽo sao thì đẽo.

Thứ nhì, không có chuyện bà nội ấy làm chủ hôn cho anh cháu. Phải rạch ròi đạo lý kẻo phía bên nhà kia họ coi thường. Bố như đã chết, cũng không nên để ông ấy có mặt, sẽ không kiểm soát được tình hình. Vì vậy mà làm một cái đám cưới gọn nhẹ, giản đơn, thích hợp. Các cháu là chỗ dựa của mẹ, các cháu là niềm vui, đừng để mẹ thêm buồn. Đời người khi cần, phải biết chỉ có một lần cho trường hợp này, ấy là lúc bà nội và bố cần các cháu hành động khi “nghĩa tử là nghĩa tận”, thế thôi. Mong cháu trưởng thành nhanh hơn nữa.

Hôn cháu.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất