Thực trạng này đang khiến sông Hồng, con sông lớn thứ 2 ở Việt Nam bị bóp nghẹt, hạ thấp lòng dẫn, thay đổi chế độ thủy văn…
Nhiều tỉnh phải đầu tư hệ thống trạm bơm dã chiến rất tốn kém nhưng ngày một khó khăn lấy nước do mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp. |
Hệ quả là hàng loạt hệ thống sông ngòi, thủy lợi bị tê liệt do không còn được chia sẻ nước từ sông Hồng, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại các con sông, hệ thống thủy nông tại Hà Nội...
“Xói ở đáy sông”!
Không chỉ ĐBSCL đang ngày càng đối mặt với nguy cơ của những mùa lũ không có nước do hàng loạt công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, ĐBSH cũng đang lâm vào nguy cơ tương tự.
Theo đề tài độc lập cấp Nhà nước do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nghiên cứu được công bố mới đây: Trung Quốc hiện có khoảng 52 hồ chứa các loại (thủy điện, thủy lợi...) đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn sông Đà, sông Thao và sông Lô (thượng nguồn của hệ thống sông Hồng).
Bên cạnh đó ở lãnh thổ Việt Nam từ năm 1990 đến nay, ngoài các hồ chứa đã được hoàn thành là hồ Thác Bà (1972), hồ Hòa Bình (1990), phía thượng nguồn sông Hồng còn có nhiều hồ chứa đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Trên sông Đà có hồ Sơn La (2012), hồ Bản Chát (2013), hồ Huội Quảng (2016), Lai Châu (2016); trên sông Lô – Gâm có hồ Tuyên Quang (2007), hồ Bắc Hà, hồ Chiêm Hóa, hồ Nho Quế...
Việc gia tăng ồ ạt các hồ chứa thượng nguồn đã dẫn đến một lượng bùn cát lắng đọng rất lớn ở các hồ chứa, dẫn tới sự biến động lòng dẫn và thiếu hụt nghiêm trọng bùn cát ở vùng hạ du.
Đây là nguyên nhân của hiện tượng “xói nước trong” (xói hạ thấp lòng dẫn của sông do thu hẹp dòng chảy và không có chuyển động bùn cát đáy bổ sung về hạ du từ thượng lưu) đối với lòng sông Hồng ở hạ du. Khảo sát cho thấy, độ đục trung bình năm tại các trạm thủy văn trên lưu vực hạ du sông Hồng ở Hà Nội những năm qua đang ngày càng giảm mạnh.
Trong khi đó những năm gần đây, dưới sức ép của sự phát triển và nhu cầu xây dựng, tình hình khai thác cát trên hệ thống sông Hồng – sông Đuống, đặc biệt là đoạn hạ du qua địa bàn Hà Nội ngày càng tăng chóng mặt.
Theo số liệu điều tra đánh giá giai đoạn 2007 – 2014, lượng cát khai thác ở hạ du sông Hồng lên tới khoảng 33 triệu m3/năm, trong khi lượng cát bổ sung về từ thượng nguồn (gồm sông Đà, sông Thao và sông Lô – sông Gâm) chỉ khoảng 24 triệu m3/năm (thiếu hụt khoảng gần 10 triệu m3/năm). Đặc biệt, do khai thác cát trên sông Đuống tăng rất mạnh trong những năm gần đây, đã khiến tỷ lệ phân lưu nước từ sông Hồng vào sông Đuống có sự gia tăng đột biến.
Cùng với hiện tượng “xói nước trong”, việc khai thác cát sỏi quá mức trên hạ du sông Hồng đã gây ra tình trạng hạ thấp lòng sông, khiến mực nước trên dọc sông Hồng và sông Đuống hạ thấp.
Sông Hồng là sông quốc tế bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, bao gồm lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Tổng diện tích toàn lưu vực vào khoảng 169 nghìn km2, trong đó lưu vực nằm ở Việt Nam chiếm hơn 51%, Lào chỉ chiếm 0,7%, còn lại thuộc Trung Quốc. Lượng dòng chảy sinh ra tại Việt Nam vào khoảng hơn 61%% và lượng dòng chảy sinh ra từ Trung Quốc vào khoảng 39%. Chiều dài sông Hồng trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 328km. |
Theo tài liệu khảo sát địa hình và tổng hợp số liệu đo đạc mặt cắt sông qua các năm cho thấy, sông Hồng và sông Đuống đều bị xói sâu. Trên sông Đuống cao độ đáy sông giai đoạn 2000 - 2014 hạ thấp (từ 4-6) m, còn trên sông Hồng tại vị trí Sơn Tây đáy sông hạ thấp tới 5m. Trên dòng chính sông Hồng, diễn biến tổng thể toàn đoạn từ năm 2000 đến năm 2014, cao độ lạch sâu hạ thấp từ 1,25 m đến 2,0m.
Nhiều hệ thống thủy lợi tê liệt
Lòng sông ở hạ du sông Hồng (đặc biệt là khu vực qua Hà Nội) ngày càng hạ thấp đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, trước hết là về cấp nước cho hoạt động SX nông nghiệp do các công trình thủy lợi không còn lấy được nước.
Trên thực tế nhiều năm qua, mực nước ngoài sông Hồng nhiều thời kỳ còn thấp hơn cả cao trình đáy cống, hoặc cao trình chõ bơm, khiến hàng loạt các trạm bơm ở Hà Nội như Phù Sa, Đan Hoài, Bạch Hạc, Cẩm Đình, Liên Mạc..., cùng các hệ thống trạm bơm lấy nước từ sông Hồng thuộc các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc... vô cùng khó khăn, thậm chí tê liệt.
Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, nơi lấy nước từ sông Hồng để phục vụ cho một vùng SX nông nghiệp rộng lớn ở ĐBSH có khi chỉ đạt thấp hơn 50% theo thiết kế ban đầu...
Tại vị trí cống khi các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả bình thường, cống Phù Sa thiếu 1,7 m; cống Liên Mạc thiếu 2,0m; cống Xuân Quan thiếu 0,9 m; cống Long Tửu thiếu 1,1m so với thiết kế... Để đảm bảo lấy nước cho SX nông nghiệp vào các vụ đổ ải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tăng cường các đợt xả nước hồ thủy điện xuống hạ du sông Hồng.
Mực nước sông Hồng hạ thấp gây rất nhiều khó khăn cho thực tế SX. |
Tuy nhiên, trong trường hợp xả nước tăng cường, cũng chỉ xấp xỉ mực nước yêu cầu thiết kế của các cống và trạm bơm. Chưa kể, trung bình mỗi năm hiện nay, các đợt xả nước hồ thủy điện phục vụ đổ ải và tưới dưỡng cho nông nghiệp hạ du lưu vực sông Hồng theo tính toán cần khoảng 5 tỷ m3, gây lãng phí cho ngành điện (điều đáng nói là chỉ khoảng 20% lượng nước trên được sử dụng đúng mục đích).
Việc thường xuyên không đảm bảo cao trình lấy nước vào các hệ thống thủy lợi theo thiết kế, cũng như các chi lưu của sông Hồng đã làm cho sự lưu thông nguồn nước không đảm bảo, tác động rất lớn đến môi trường nguồn nước.
Hệ thống thủy nông tại Hà Nội thuộc sông Nhuệ, sông Đáy nhiều năm qua đã gần như tê liệt, không chỉ gây khó khăn cho lấy nước phục vụ SX nông nghiệp mà còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các hệ thống thủy nông, kênh mương thủy lợi và các sông liên quan trong nội thành và ven đô thị tại Hà Nội do không chủ động được nguồn nước để xử lí...
Bên cạnh đó, tỷ lệ phân lưu nước từ sông Hồng vào sông Đuống có sự gia tăng đột biến cũng ngày càng gây ra hệ quả là về mùa lũ, có sự gia tăng tỷ lệ phân lưu vào sông Đuống làm tăng nguy cơ cho hệ thống đê điều và công trình kè khi xảy ra lũ lớn.
Ngược lại về mùa kiệt, mực nước lại có xu thế ngày càng hạ thấp đã gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động bình thường của các công trình lấy nước lớn trên sông Đuống và sông Hồng. Mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp cũng khiến giao thông thủy cũng bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng (năm 2007 có lúc giao thông thủy qua Hà Nội đã bị tê liệt hoàn toàn)...
Sông Hồng ngày càng... tụt thấp Về nguyên tắc, khai thác cát bền vững thì khối lượng khai thác phải nhỏ hơn lượng bùn cát bồi lắng. Tuy nhiên theo dự báo, nhu cầu khai thác cát cho giai đoạn sắp tới sẽ lên đến gần 38 triệu m3/năm. Trong khi đó, lượng cát bổ sung về hệ thống hạ du sông Hồng chỉ khoảng 11 triệu m3/năm. Cùng với việc hàng loạt hồ chứa ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng sẽ đi vào vận hành khai thác trong những năm tới, tình trạng hạ thấp lòng sông, hạ thấp mực nước và biến động lòng dẫn ở hạ du sông Hồng sẽ tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng dự báo sẽ tác động ngày càng nghiêm trọng đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi. Theo kết quả tính toán cân bằng nước, tổng lượng nước về đủ cho nhu cầu của cả vùng hạ du, nhu cầu nước hiện tại cho vùng ĐBSH vào khoảng 18 tỷ m3/năm; đến năm 2050, dự báo nhu cầu này sẽ vào khoảng 22 tỷ m3/năm (chiếm 22% lượng nước đến). Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp nguồn nước về được bổ sung vẫn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho thực tế SX bởi mực nước sông có xu hướng hạ thấp mạnh mẽ hơn. |