| Hotline: 0983.970.780

Sông Hương mải mê thơm

Thứ Bảy 24/12/2016 , 08:30 (GMT+7)

Khi anh còn đương chức, tôi chả bao giờ dám đứng cạnh. Cũng chả bao giờ dám viết về anh, dù chỉ một vài dòng ghi lại những cảm xúc rất chân tình.

Vậy mà những năm 90 của thế kỷ trước, lần nào lên Cao Bằng công tác, dù bận đến mấy, anh Điềm cũng tìm cách một mình tản bộ đến tận nơi tôi làm việc. Đó là hình ảnh một nhà thơ đến thăm một nhà thơ. Đây là chuyện tình cảm bình thường giữa con người với con người.

10-16-18_trng-32
 

Hơn nữa, ở đây còn thể hiện tính tương liên giữa những người lao động sáng tạo văn học nghệ thuật. Nhưng sau khi tôi tiễn anh ra khỏi cửa, lập tức có mấy người bạn quen thân miệng cười cười, chân rón rén bước đến phòng tôi làm việc. Và dù họ không tỏ vẻ thắc mắc, song tôi cũng sớm đoán ra… Anh là gì mà cũng được ông Bộ trưởng (hồi ấy anh Điềm giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin) đến thăm kia chứ? Quá lắm cũng chỉ là một ông Chủ tịch Hội Văn nghệ cấp tỉnh mà thôi. Thế đó.

Người dân xứ mình có vẻ chưa thật sự quan tâm đến tình người. Tình người mới là vô biên. Tình người vượt lên tất cả. Tình người chẳng kể chức tước to nhỏ hay giàu nghèo tiền của. Phàm những người viết văn làm thơ nói riêng, những người sáng tạo nghệ thuật nói chung, đều lấy tình người ra làm thành cái trục. Không có cái trục ấy, thơ văn chỉ làm dáng làm đỏm.

Tự khoe mình là chính. Chả ai thèm đọc cái thứ thơ tự sướng. Không có cái trục tình cảm ấy, cỗ xe nghệ thuật biết có nâng nổi mình lên khỏi mặt đất? Chắc chắn không.   Tính đến bây giờ, đã hơn 10 năm anh Điềm đã trả hết “mũ áo”, xe cộ, phòng ốc để trở về làm dân. Các trọng trách mà anh từng giữ, nay trao lại người khác. Những người do có số phận dun dủi sắp đặt mà thành. Duy chỉ có nhà thơ là không. Nhà thơ do anh tự sinh ra. Nhà thơ là do chính tâm hồn anh hôn phối cùng vũ trụ mà có.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm giờ đây làm một công dân bình thường như mọi người dân bình thường khác. Tôi không ngạc nhiên khi từng gặp anh với cương vị lãnh đạo. Nay tôi chứng kiến anh đứng lẫn trong những người dân. Anh vận bộ quần áo hơi mông mốc. Mái tóc anh cũng mông mốc như men rượu đồng rừng.

Chân anh đi đôi dép lười biếng và có phẩn cẩu thả. Nhưng nụ cười anh lại tươi trong hết cỡ. Nụ cười sáng bừng như sao buổi sớm. Anh vẫn nhỏ nhẹ như bản tính người Huế. Nhỏ nhẹ trong từng cử chỉ. Nhỏ nhẹ trong từng lời ăn tiếng nói. Nhưng hôm nay tiếng cười sao mà sung sướng, tâm hồn sao mà thả lỏng đến vậy hả anh? Anh Điềm ra tận cổng mời tôi vào nhà.

Trước mắt tôi là một ngôi nhà vườn rêu phong cổ kính. Ngôi nhà nâu đen trầm mặc lặng thinh như người. Đó là nét đặc trưng của dân xứ Huế. Một thành phố sinh ra hình như chỉ để nghĩ ngợi và buồn sâu. Một thành phố làm đẹp rạng ngời cho cả dân tộc. Rồi tự tay anh pha trà mời khách. Những ngón tay run run vì quá xúc động.

Anh không thể ngờ một người bạn từ núi rừng Cao Bằng, tận nơi biên giới xa xôi, nay bỗng lù lù tới thăm mình. Tay anh làm run bắn những giọt nước nhỏ li ti rơi rơi quanh bàn. Rồi tự tay anh lau sạch và cất tiếng cười sảng khoái. Tiếng cười anh trong veo trong vắt. Tiếng cười vô tư giòn tan như ngọc xô trong lọ. Tôi có cảm giác từ gan bàn chân lên đến đỉnh ngọn tóc, khắp người anh chỗ nào cũng sung sướng. Và cũng xin nói thật, tôi chưa từng được nghe anh Điềm cười giòn như sáng vừa rồi. Ngày trước, tôi thấy lúc nào anh cũng đăm chiêu.

Anh như ngọn đèn lặng lẽ ráng hết sức mình tỉnh táo mà tỏa sáng. Bởi công việc anh đang làm, có liên quan thiết thực đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Con người anh, có ảnh hưởng đến từng số phận người cụ thể. Vì thế, đi bên anh, kè kè có vài người mặc thường phục.

Chân tay họ gân guốc như chùy, cứng hơn gỗ đá, sẵn sàng bảo vệ anh, bất cứ lúc nào, kể cả giấc ngủ. Hóa ra khi trở về làm dân, mình mới được là mình. Cốt nhục thân này là do cha mẹ cấu thành. Lớn lên, già đi, là của chính nó hết thảy. Và buồn vui cứ tuần tự như thế mà sinh ra rồi tắt đi. Niềm ao ước không ít người có quyền có chức, dù to dù nhỏ. Khi về nghỉ, mình mới được làm dân. Làm dân thì muôn đời bền chắc. Bền chắc như cỏ cây, như núi sông, như đất đá, như không khí để thở.

Chức quyền dù to đến mấy rồi cũng sẽ như mây, như mưa móc. Khi nắng lên, là là bay bay theo hơi nước về trời. Chả còn có cái gì là của mình vĩnh viễn. Chỉ có tình yêu và niềm tin nơi con người mới là của mình. Tình yêu và niềm tin nơi con người mới là sở hữu vĩnh viễn. Tôi đứng trên khuôn viên nhà anh mà thả sức tưởng tượng. Đây nè “…lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ còn những bí và bầu thì lớn xuống…”.

Và rồi những lớp lớp vàng son của một thời chưa xa lắm đâu hiện về. Gia tộc anh thuộc dòng Nguyễn Khoa. Nói như phim ảnh, đây là một gia đình thuộc hàng danh gia vọng tộc. Nếu không có cuộc hội thảo từ hồi đầu năm ngoái tại Ban Tuyên giáo Trung ương về người cha thân yêu của anh. Đó là nhà báo, nhà lý luận Macxit, nhà phê bình văn học Hải Triều...

Hẳn tôi sẽ mãi mãi không hề biết, anh là hậu duệ của dòng dõi quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Mẹ của anh là một trong những nữ nhà báo đầu tiên ở nước ta. Bà còn là người cháu nội của vua Minh Mạng. Một ông vua năng động và quyết đoán. Ông có nhiều cải cách từ nội trị cho đến ngoại giao. À! Thì ra là như vậy. Văn hóa đúng là cả một quá trình bảo tồn và tiếp biến. Đời nối đời truyền nhau giữ gìn ngọn lửa. Văn hóa là “trả lời sự thách đố của tự nhiên”. 

Đang vui vui những câu chuyện ngẫu hứng không đầu không cuối. Anh Điềm kể, ở thành phố này người dân đi ngủ sớm lắm. Nó không sôi động như Sài Gòn hay Hà Nội. Vì sao thế anh? Mình cũng không biết nữa. Mới hơn chín, mười giờ đêm, đường phố vắng tanh vắng ngắt.

Hàng cây ven đường nhẹ nhàng bứt rút từng chiếc lá một. Lá Huế rơi không phát ra tiếng kêu đau thương Y Phương à. Nó rơi khẽ đến mức hơn cả tiếng thì thầm của các cặp tình nhân trên ghế đá bên bờ sông Hương. Tiếng lá rơi làm mềm mại cả đá lát vỉa hè, làm nóng ran cả hàng hàng cọc đèn bằng sắt thép.

Ôi! Đến cả lá cây cũng biết giữ gìn sự tĩnh lặng cho người người ngon giấc. Anh kể tiếp. Có một hôm, vợ chồng mình sang bên kia sông nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Khi tan cuộc, quay về, thì trời ơi, trên các ngả đường thành phố không còn một mống taxi chở khách. Hai vợ chồng đành phải lếch thếch đi bộ qua cầu Tràng Tiền về nhà.

Một ông chồng đang héo, đi bên một bà vợ đang nhừ. Chúng mình đều lên ông bà từ lâu rồi. Nhưng tự dưng hôm ấy thấy trẻ ra mấy chục, như là có cuộc hẹn lần đầu. Bà xã cứ bắt mình dừng lại để chụp ảnh. (Giời ạ! Làm gì có máy ảnh xịn. Chụp bằng điện thoại thôi).

Anh đứng chỗ này này để em lấy cả đoạn sông đang mê mải ôm hôn nhau. Anh đứng chỗ kia để lấy khung cầu cong cong mang hình chiếc lược… cứ thế. Vui. Vui quên hết cả mệt mỏi và đôi chân đang đau nhức. Trước lúc tạm biệt, anh hẹn. Sang năm Y Phương hè, đến ở hẳn nhà mình, đừng ra khách sạn. Vừa tốn tiền vừa không có người nói chuyện.

Bây chừ mình đang xây thêm một ngôi nhà thờ tổ. Còn cái nhà ni thì dành cho các bạn từ phương xa đến với Huế. Tấm lòng này dành cho các bạn văn chương đến với Nguyễn Khoa Điềm. Và bất chợt anh lại cất tiếng cười trong veo trong vắt.

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

Nhận định Wolves vs Arsenal: Pháo thủ trút giận?

Trận đấu giữa Wolves vs Arsenal trong khuôn khổ vòng 34 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 20h30 ngày 20/4/2024 trên sân vận động Molineaux. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam hướng đến kết quả tốt nhất trước Malaysia'

U23 Việt Nam đã hoàn tất sự chuẩn bị trước lượt trận thứ hai gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm