| Hotline: 0983.970.780

Sống khỏe ở Cự Đà

Thứ Sáu 28/01/2011 , 09:16 (GMT+7)

Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) là một trong những làng nghề vẫn giữ được nhiều nét truyền thống.

Cổng làng Cự Đà
Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) là một trong những làng nghề vẫn giữ được nét truyền thống với nhiều ngôi nhà cổ kính và những con ngõ sâu hút đặc trưng làng quê Bắc bộ Việt Nam. Nhiều vùng quê chạy đôn chạy đáo dịp Tết nhưng ở đây thì không.   

Từ tinh hoa làng cổ 

Cự Đà là tên gọi của 1 trong 3 thôn của xã Cự Khê, bao gồm: Khúc Thủy, Khe Tang, Cự Đà. Trong 3 thôn thì Cự Đà là có tuổi đời lâu nhất. Làng có nhiều ngôi nhà cổ được xây theo lối kiến trúc Pháp, gắn với hệ thống đình chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Kết cấu giao thông kiểu xương cá, tất cả những con đường đều hướng ra sông. Một địa thế thuận lợi cho phát triển giao thương buôn bán thời cổ: “nhất cận thị, nhị cận giang”. Và với địa thế đó, đã có thời kỳ Cự Đà là ngả thông thương sầm uất bậc nhất Bắc kỳ, nổi tiếng giàu có, phong lưu. Dấu ấn của một thời vàng son còn thể hiện qua 50 ngôi biệt thự cổ có niên đại từ 100 - 130 năm và chính nơi đây được xem là ngôi làng đầu tiên ở Việt Nam mà tất cả các nhà đều được đánh số chẳng khác gì thành phố.

Phổ biến nhất là biệt thự hai tầng kiểu Pháp, chạm trổ cầu kỳ với những phù điêu, họa tiết theo kiểu phương Tây đắp nổi, có khảm đá hoặc sành sứ. Nền nhà lát gạch hoa, có những viên gạch còn được sản xuất ngay tại nước Pháp. Kế đến là những ngôi nhà theo lối kiến trúc đậm chất Việt, tạo ấn tượng cho du khách bởi sự tinh xảo kỳ lạ trên những phần chạm, khắc của cửa ra vào, cửa sổ, bàn thờ... 

Căn cứ vào các gia phả cổ và tư liệu sử học, khảo cổ thì Cự Đà là một làng cổ đã được thành lập cách nay khoảng 450 năm. Hiện nay, theo thống kê, làng còn khoảng 50 ngôi nhà có niên đại trên 100 năm tuổi. Ngôi nhà cao tuổi nhất còn lại đến giờ có tuổi thọ trên 200 năm. Nhà cổ mà gia đình ông Trịnh Thế Sủng đang ở cũng đã có niên đại hơn 100 năm. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng mà vẫn giữ được những ngôi nhà cổ “tốn diện tích” như thế thì quý quá.  

Lý giải nguyên nhân Cự Đà “mãi mãi với thời gian”, ông Sủng phân tích rằng: "Những ngôi nhà cổ đồ sộ, hoành tráng ở Cự Đà ngày xưa đều do các gia đình thương nhân đi buôn bán ở Hà Nội và khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước sở hữu. Phải đi làm ăn xa, họ thường nhờ người quen ở làng đến ở và trông coi giúp nhà cửa. Đến thời kỳ cải cách ruộng đất, một số ngôi nhà được thu hồi rồi phân cho nông dân, một số ngôi nhà thì được chủ cũ sang nhượng lại cho người ở làng để chuyển đi nơi khác. Nhờ đó, làng mới giữ được nhiều nếp nhà cổ quý giá như hiện nay".

Nhờ những nét văn hóa đậm đà như thế Cự Đà trở thành điểm đến cho những ai muốn tìm không gian cổ kính, yên tĩnh ngay tại Hà Thành. Sự kết hợp giữa cổ và kim khiến dân Cự Đà có thể “đẻ” ra rất nhiều nghề kiếm sống. Các dịch vụ mọc lên như nấm nên thanh niên Cự Đà lớn lên cũng chẳng lo thất nghiệp.

Đến làng miến làng tương 

Từ cổ đến kim, Cự Đà còn nổi tiếng bởi miến và tương, những mặt hàng hết sức rộn ràng trong dịp Tết. Cuối năm tôi về Cự Đà, từ đầu làng đến cuối xóm là sự tất bật đã “đến hẹn lại lên” từ bao năm qua. Màu vàng của miến, màu đỏ của tương dường như bao phủ làng cổ rêu phong này.

Nhà cụ Nguyễn Thị Sâm, một trong nhiều gia đình có nghề làm miến gia truyền qua bao năm tháng vẫn rất mặn mà với nghề truyền thống. Cụ bảo rằng muốn nói đến làng Cự Đà là phải nói đến nghề làm miến nổi tiếng bên cạnh nghề làm tương truyền thống. Bởi lẽ, dù làm ít, làm nhiều thì gần 400 hộ dân trong thôn cũng đều đang '"sống được, sống ổn" với nghề làm miến và làm tương. Làm miến quanh năm nhưng cứ vào độ mùa thu, khi mùa cưới hỏi bắt đầu và các đại lý, các chợ, siêu thị cũng rục rịch chẩn bị hàng cho dịp năm hết, Tết đến, nhu cầu làm các các món cỗ cổ truyền tăng lên là thời điểm cả làng miến Cự Đà bắt đầu "tăng tốc". 

Theo cụ Sâm, nghề làm miến từ dong riềng (hay còn gọi là củ đót) ở Cự Đà đã có từ "dăm bảy chục năm" trở lại đây. Sợi miến Cự Đà có màu vàng óng ả hoặc trắng mịn; khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai rất vừa miệng.

Túc tắc làm miến quanh năm, bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp và làm tương nhưng cứ vào những tháng cuối năm, cả làng Cự Đà lại sôi động hẳn lên bởi nhà nhà làm miến, người người đến mua miến. Mỗi ngày, Cự Đà có khoảng 15 đến 18 tấn miến thành phẩm được xuất xưởng, toả đi khắp các chợ lớn, chợ nhỏ của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đất nước. Còn vào những tháng cuối năm, mùa cưới, lễ hội, Tết cổ truyền thì mỗi ngày phải có 19-25 tấn miến Cự Đà được "ra lò".

Người làm miến sống khỏe, nhà làm tương cũng chẳng kém gì. Dân làm tương Cự Đà hẳn phải mát mặt lắm khi tương của họ đã vào siêu thị có mặt ở khắp nơi. Từ dăm bẩy năm trước người Cự Đà đã “đón đầu” bằng việc đăng ký thương hiệu “Tương nếp Cự Đà”, thành thử bây giờ sản xuất bao nhiêu cũng hết, chẳng sợ “mượn tiếng”. Trước đây tương được làm theo mùa, còn bây giờ làm quanh năm. Mỗi hộ sản xuất tương có thể giải quyết việc làm trực tiếp cho 6 lao động, chưa kể khâu dịch vụ. Tính sơ, với 20 hộ sản xuất tương như hiện nay đã giải quyết được khoảng 200 lao động trong làng, trong xóm với mức thu nhập không chỉ ổn định mà còn đạt mức trung bình khá so với mặt bằng hiện nay. Hơn nữa, mặc dù là nghề chế biến nông sản, nhưng sản xuất tương được làm khá đơn giản, không gây hại đến môi trường.

Làm tương, làm miến trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng hẹp, người dân Cự Đà còn chuyển sang làm cả du lịch. Những ngôi nhà cổ ở Cự Đà ngày càng thu hút khách thập phương. Nhìn vào chẳng thể biết dân sống bằng nghề chính là gì nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng. Chỉ biết với điều kiện hiện tại, hơn 600 hộ dân trong làng vẫn sống khỏe lắm.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm