| Hotline: 0983.970.780

Sông Lại sẽ thôi làm khổ ruộng đồng

Thứ Năm 09/05/2019 , 09:19 (GMT+7)

Khi đập ngăn mặn trên sông Lại hoàn thành, con đập sẽ mở ra cho người dân Hoài Nhơn những viễn cảnh tươi sáng.

Sông Lại Giang chảy qua địa bàn huyện Hoài Nhơn (Bình Định) được hợp thành bởi 2 dòng sông Kim Sơn từ huyện Hoài Ân và An Lão từ huyện An Lão đổ về đây để rồi chảy ra cửa biển An Dũ. Đối với người dân Hoài Nhơn, sông Lại như 1 nét vẽ thơ mộng chạy giữa những rừng dừa, bờ tre, bãi mía, nương dâu xanh mướt.

Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, vào mùa khô hạn, nét thơ mộng của sông Lại bỗng trở thành nỗi ám ảnh của ruộng đồng…
 

I.

Giữa cái nắng nóng gay gắt với nhiệt độ luôn tiệm cận 40 độ C như hiện nay mà được ngồi dưới bóng mát rừng dừa bên bờ sông Lại thì thú thật, như lạc vào tiên cảnh. Những ngày đầu tháng 5 này, nhân chuyến công tác về Hoài Nhơn, chúng tôi đi tìm “tiên cảnh” thì thấy rừng dừa vẫn còn đấy, nhưng dòng sông Lại vốn rộng đến vài trăm mét giờ chỉ còn 1 dòng nước nhỏ bên bờ Bắc. Hiện hữu giữa lòng sông đoạn thuộc xã Hoài Mỹ là 1 đại công trường ngổn ngang sắt thép và xe cơ giới hạng nặng đang thi công đập ngăn mặn.

13-34-48_1
Đại công trường xây dựng đập ngăn mặn giữa dòng sông Lại Giang.

“Ngành chức năng chặn dòng để thi công xây dựng đập ngăn mặn trên sông Lại Giang. Con đập này sẽ là cứu cánh về nước tưới cho cả ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho gần 50 ngàn người dân sống 2 bên bờ sông Lại về phía hạ lưu”, anh bạn đồng hành Diệp Bảo Dương hiện đang công tác tại Đài Truyền thanh thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), nói như để xoa dịu nỗi thất vọng của tôi khi không tìm được “tiên cảnh”.

Lang thang qua những vùng quê nằm về phía hạ lưu sông Lại thuộc các xã Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Hải và Hoài Đức, góp nhặt những ký ức buồn của người dân ở đây về dòng sông Lại vào những mùa khô, tôi mới thấu hết ý nghĩa của con đập dâng ngăn mặn đang được xây dựng. Do có độ dốc lớn, khoảng cách từ đầu nguồn đến hạ lưu ngắn, nên vào những mùa nắng nóng, nước dòng sông Lại thường bị cạn kiệt. Đây cũng là thời điểm thủy triều dâng cao, mang theo nước mặn của biển trào lên, xâm nhập vào những cánh đồng nằm 2 bên bờ sông Lại.

Mùa này nước sông Lại không còn ngọt ngào do đã bị nhiễm mặn. Bơm nước sông tưới lúa, lúa chết; tưới ngô, ngô héo; mạch nước ngầm 2 bên bờ ăn mạch nước sông Lại cũng bị nhiễm mặn, sống gần sông mà người dân cứ phải chịu cảnh “khát” nước. Mùa mưa lũ thì nước trên thượng nguồn ùa về, rất xiết, con sông Lại bỗng trở nên hung hãn, nước hùng hục chảy dồn về phía hạ lưu, gây sạt lở 2 bên bờ và nhấn chìm nhiều làng xóm. Sông Lại thơ mộng bỗng trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Ông Nguyễn Văn Lai, nông dân ở thôn An Nghiệp, xã Hoài Mỹ, chia sẻ: “Vùng này nước nhiễm mặn thường xuyên, bà con phải đi mua nước đóng bình về để sử dụng trong việc ăn uống. Đồng ruộng ở đây hầu hết cũng bị nhiễm mặn. Hàng năm chỉ canh tác được vụ đông xuân, vụ hè thì phải ra sức đắp bờ ngăn mặn mới có thể sản xuất, nhưng cũng rất bấp bênh. Bởi, bờ ngăn mặn làm theo kiểu thủ công thì không bảo đảm, nhiều khi bờ lở, nước nhiễm mặn tràn vào đồng ruộng lập tức cây lúa đứng ngơ, kể như công sức của bà con trở thành “công cốc”. Chẳng biết khí hậu biến đổi ra sao mà những năm gần đây, mùa hè năm sau nước mặn xâm nhập vào sông luôn “đậm” hơn năm trước”.


II.

Những thảm cảnh kể trên sẽ chỉ còn là ký ức, khi đập ngăn mặn trên sông Lại hoàn thành, con đập sẽ mở ra cho người dân Hoài Nhơn những viễn cảnh tươi sáng.

Trong không gian đầy ắp tiếng nổ của các loại xe cơ giới hạng nặng đang thi công đập ngăn mặn trên sông Lại, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, phải “gân cổ” để chia sẻ niềm vui khi con đập này được triển khai xây dựng.

13-34-48_2
Đập chính đang được thi công.

“Bước sang đầu năm 2019, vào ngày 25/1, Ban quản lý Dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức lễ khởi công Dự án Đập ngăn mặn trên sông Lại. Ngày ấy, người dân các xã vùng hạ lưu sông đổ dồn về thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ đông nghìn nghịt để tham dự buổi lễ với những gương mặt rạng rỡ niềm hy vọng. Họ không thể không vui mừng, bởi con đập này sẽ giải tỏa nỗi ám ảnh nước sông Lại bị nhiễm mặn gây khó cho sản xuất, nhất là nguồn nước sinh hoạt không còn bị nhiễm mặn như trước đây”, ông Công kể mà không giấu được vẻ phấn khởi. Tôi hiểu, bởi ông cũng là công dân huyện Hoài Nhơn, lại là người lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp về mảng nông nghiệp.

Theo ông Công, Dự án đập ngăn mặn trên sông Lại Giang là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu cùng vốn đối ứng ngân sách của tỉnh Bình Định và của huyện Hoài Nhơn. Con đập sẽ được xây chắn ngang sông Lại thuộc địa bàn xã Hoài Mỹ với hệ thống kè bảo vệ bờ sông, kết hợp đường giao thông và các trạm bơm.

Con đập này sẽ góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước tưới ổn định cho 900ha đất nông nghiệp và 155ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; đồng thời bổ sung nguồn nước ngầm, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 47.000 người dân ở khu vực thị trấn Bồng Sơn và các xã Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Ðức; cải tạo môi trường sinh thái, tạo cảnh quan cho khu vực trung tâm huyện lỵ Hoài Nhơn; kết hợp làm cầu giao thông trên mặt đập, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và lưu thông hàng hóa.

“Từ năm 2010, UBND tỉnh và huyện Hoài Nhơn đã tập trung nghiên cứu dự án này, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để thực hiện. Dự án đập ngăn mặn trên sông Lại Giang là công trình thủy lợi lớn, có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Nhơn. Đây là điều kiện tốt để Hoài Nhơn đánh thức tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ; là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Hoài Nhơn trở thành thị xã trong năm 2020 và thành phố Hoài Nhơn trước năm 2035”, ông Công kỳ vọng.

13-34-48_3
Phương tiện, nhân lực, vật liệu được huy động tổng lực với quyết tâm hoàn thành đập ngăn mặn sông Lại trước kế hoạch.

Có thể nói, toàn bộ người dân sống ở lưu vực sông Lại đều đang đổ dồn hy vọng vào con đập ngăn mặn trên sông lại, đặc biệt là người dân ở những khu vực phía Đông Lại Giang, tính từ cầu Bồng Sơn cũ. Bà Trần Thị Bạn, ở thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ, chia sẻ: “Gia đình tôi làm được 14 sào lúa. Mùa nắng, nước sông hạ thấp, phải dùng bơm hút nước để tưới rất tốn kém. Còn mùa mưa, nước dâng cao uy hiếp các hộ dân sinh sống ven đê, đồng ruộng ngập nước, phải gieo sạ lại nhiều lần. Vì vậy, người dân rất kỳ vọng vào đập ngăn mặn trên sông sẽ giải quyết được khó khăn lâu nay”.

Theo kế hoạch, đập ngăn mặn trên sông Lại sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019 này. Thế nhưng với sự quyết tâm của chủ đầu tư và các nhà thầu, hy vọng công trình này sẽ về đích sớm hơn dự kiến. Sự quyết tâm được thể hiện trước mắt chúng tôi, dưới cái nắng nóng kinh hoàng mà đơn vị thực hiện 2 hạng mục chính của công trình là đập chính và 2 trạm bơm đang huy động tổng lực phương tiện, nhân lực, vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định, chủ đầu tư dự án, khẳng định: “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ trước 3 tháng so kế hoạch, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật cho công trình”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng, trong đó tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm