| Hotline: 0983.970.780

Sống mòn giữa Thủ đô: Chờ chết để được về quê

Thứ Hai 14/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Ở xóm ngụ cư Phúc Xá, khổ nhất có lẽ là những người già. Một đời họ sống tạm bợ chốn phồn hoa này rồi, vất vả rồi, vậy mà ở tuổi xế chiều cũng chẳng có giây phút nào yên. Đến như cái chỗ nằm nằm xuống khi qua đời cũng chưa biết ở đâu. Vô vọng, mòn mỏi.

Từ rất nhiều năm trước, dân lao động thập phương đổ về Hà Nội kiếm việc tạo thành những xóm ngụ cư. Đó là một thế giới khác giữa Thủ đô tráng lệ. Nhếch nhác. Xập xệ. Và đầy rẫy những số phận, những bi kịch của một kiếp người tha hương.

Dọc bờ sông Hồng từ chân cầu Chương Dương chạy qua chân cầu Long Biên có rất nhiều xóm ngụ cư của người ngoại tỉnh. Nếu không một lần trực tiếp đến những xóm ngụ cư này thì nhiều người sẽ không tin những câu chuyện về một cuộc sống ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

Đầy rẫy bi kịch

Đi men theo ngõ Phúc Xá cả tiếng đồng hồ, len lỏi qua từng mái nhà tôn lụp xụp, ẩm thấp, rách rưới, bẩn thỉu, tôi mới tìm được xóm chài của những lao động ngụ cư nằm tách biệt ở mé sông Hồng.

Không ai nhớ rõ xóm chài Phúc Xá (tổ dân phố An Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình) có tự bao giờ. Nghe nói, từ mấy chục năm trước, dân lao động các tỉnh thay vì thuê nhà trọ để mưu sinh đã chọn bãi nổi ven đê sông Hồng làm nơi cư ngụ. Dần dà thành xóm, có lúc đông nghịt, lên đến hàng trăm hộ. Nhưng qua nhiều đận bị xua đuổi, ly tán, bây giờ xóm ngụ cư này chỉ còn có 12 hộ mà thôi. Đó là con số cố định, nếu có phát sinh thêm bất cứ hộ nào, chính quyền sẵn sàng tổ chức đốt thuyền bè, xua đuổi ngay.

Không điện, không nước sinh hoạt, rác thải, nước thải từ trên phố đổ xuống bốc mùi nồng nặc... Một điểm tương đồng nữa của xóm ngụ cư là vất vả, nghèo nàn và nhiều bi kịch. Người trên bờ dùng nhiều cách gọi: Xóm ngụ cư, xóm bụi, xóm chài, khu ổ chuột...

15-45-10_nh1
Xóm ngụ cư Phúc Xá

Cư dân xóm chài 100% là lao động tỉnh lẻ. Từ vùng đồng bằng như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cho đến các tỉnh miền núi như Yên Bái, Phú Thọ... Họ là những lao động rời quê lên Hà Nội kiếm miếng cơm manh áo, không đủ tiền thuê nhà trọ, kéo nhau ra khu vực này trú ngụ. Chỗ ở là những chiếc lều dựng trên những chiếc bè nổi kết từ thùng nhựa, hộp xốp, vài thanh tre... Từ ngoài vào trong đều đúng nghĩa với tên gọi khu ổ chuột.

Ông Vũ Hồng Chế (72 tuổi) là người chống chiếc bè nổi kết từ các mảnh xốp đưa tôi đi một vòng quanh khu ổ chuột này. Gia đình ông Chế quê ở Yên Bái, dắt díu nhau xuống Hà Nội kiếm sống từ mấy chục năm nay. Ông bảo, ban đầu vì ở quê khổ quá nên đi, dự định một thời gian kiếm ít vốn rồi quay về, ai dè không về được nữa.

Gia đình ông Chế có 8 người, sống trên một chiếc bè nổi rộng tầm 15m2. Ông, vợ chồng anh con trai và 5 đứa cháu. Anh con trai tên Vũ Minh Tú (1978) làm cửu vạn, con dâu Nguyễn Thị Hạnh (1979) buôn hoa quả ở chợ đêm Long Biên.

Bản thân ông Chế ngày ngày chài lưới, kiếm thêm con tôm con cá. Mấy đứa cháu cũng không được rảnh rang. Đứa đi nhặt ve chai, đứa đi bán mấy thứ lặt vặt trên phố. Một cuộc sống hầu như chỉ diễn ra vào ban đêm. Và tất nhiên là tăm tối lắm.

Trong cuộc mưu sinh đầy cạm bẫy ấy, chị Hạnh mất một bàn tay trong cái lần bị máy xay nhựa cuốn vào. Lao động chính của gia đình là anh Tú, thỉnh thoảng ho ho khạc khạc, đoán là lao lực nhưng không dám chắc vì chưa đi khám bao giờ. Ông Chế bảo, đã là dân ngụ cư thì không mấy người không tật, không bệnh, không bị tại nạn, rủi ro...

15-45-10_nh3
Ông Vũ Hồng Chế

Cái sự tối tăm ấy không của riêng ai mà bao phủ tất cả 12 hộ dân ở xóm ngụ cư này. Họ không lười. Đây là nơi tập trung những người lao động có thể làm bất cứ nghề gì miễn là không phạm pháp. Thông cống, hút bồn cầu, nhặt ve chai, thợ nề, bốc vác... Tôi đồ rằng, phàm những nghề gì người ta thuê thì xóm ngụ cư này đều có thể đáp ứng.

Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ chỉ có duy nhất nghề làm thuê. Hằng đêm, hôm trời mưa gió cũng như yên ả, dân lao động ở xóm ngụ cư tỏa đi các khu chợ đầu mối bán sức mình kiếm cơm. Chính lịch làm việc kỳ lạ ấy đã không được vừa lòng cư dân ở các tổ dân phố trên bờ. Đến nỗi vì lo ngại an ninh trật tự nên người ta bít hầu hết lối đi lại của 12 hộ dân xóm chài. Mỗi lần muốn lên bờ đi làm thuê, người dân xóm ngụ cư phải chui rúc đến khổ.

Bây giờ ở xóm ngụ cư này nhiều gia đình đã có giấy tạm trú tạm vắng, nhưng trước đây toàn sống chui sống lủi. Nhiều đứa trẻ đẻ ra không làm được giấy khai sinh, tất nhiên cũng không được đến trường. 5 đứa cháu nhà ông Chế, ngoại trừ hai đứa còn quá bé, mấy đứa còn lại phải phụ giúp bố mẹ kiếm thêm tiền bằng nhiều nghề: bán vé số, nhặt ve chai, lượm rác...

Không có ngày mai

Mùa mưa bão, xóm ngụ cư Phúc Xá phải sơ tán lên nhà văn hóa của phường. Không ít lần đi sơ tán về đồ đạc trong nhà trôi gần hết. Cột tre, thùng xốp bị gió bão quật cho tơi tả. Một vài tổ chức từ thiện có phát cho mỗi gia đình một tủ thuốc, bất cứ bệnh gì cũng lấy thuốc trong tủ ra uống. May thì đỡ, thì lành, còn không may cũng phải chịu. Dân ngụ cư ít người dám đi viện. Có nhiều trường hợp chấp nhận chết để đưa về quê chôn cất. Không có thống kê chính thức về số lượng dân lao động nông thôn ngụ cư ở phường Phúc Xá, nhưng ít nhất là hàng ngàn người. Ngoài xóm chài, số lao động còn lại thuê trọ ở các khu phố lao động tồi tàn, chật chội dọc bờ sông Hồng.

Ở xóm ngụ cư Phúc Xá, khổ nhất có lẽ là những người già. Một đời họ sống tạm bợ chốn phồn hoa này rồi, vất vả rồi, vậy mà ở tuổi xế chiều cũng chẳng có giây phút nào yên. Đến như cái chỗ nằm nằm xuống khi qua đời cũng chưa biết ở đâu. Vô vọng, mòn mỏi.

Người già nhất ở xóm ngụ cư này là bà Phạm Thị Thắm, quê ở Thái Bình. Quả thật tôi không dám tin chuyện một bà cụ ngoài 80 tuổi mà ngày ngày vẫn đi bộ hàng chục cây số gom nhặt ve chai để nuôi hai đứa cháu. Nhưng đó là sự thật.

Người bà Thắm nhỏ thó, đi lại nom đã khó nhọc lắm rồi vậy mà mỗi ngày bà đều thức dậy từ lúc một giờ sáng, lê la ở các chợ đầu mối để gom nhặt từng tấm bìa các - tông hay cái chai nhựa người ta vứt bỏ. Bà Thắm cũng từng có con cái. Hai đứa con trai tưởng là chỗ dựa cuối đời nhưng rồi lần lượt chết vì tai nạn, bệnh tật khiến đôi vai còng càng thêm nặng gánh.

Tính toán, mỗi ngày nếu khấm khá bà Thắm có thể kiếm được dăm bảy chục ngàn. Tất tật chi tiêu của ba bà cháu đều gói gọn trong đó. Tôi hỏi sao bà cháu không đưa nhau về quê nương tựa họ hàng? Bà Thắm đáp lời gọn lỏn: Ở quê có lòng nhưng không có khả năng, nhà nào biết bổn phận nhà đấy, muốn giúp đỡ cũng không giúp được gì. Thôi thì bà cháu cố bám trụ kiếm được bữa mai lo bữa chiều nhưng còn có cái mà đổ vào mồm.

Hai đứa cháu bà Thắm không nhớ tuổi, cũng chẳng học hành gì, suốt ngày đi bán hàng rong.

Cũng có số phận xót xa tựa như bà Thắm nhưng bà Trần Thị Tuyết (65 tuổi) có phần may mắn hơn vì chỉ sống có một mình. Quê gốc của bà Tuyết ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Xa quê đi làm công nhân từ năm 17 tuổi. Sống mòn mỏi gần trọn đời người ở đất Thủ đô, bây giờ bà muốn về quê nhưng không về được nữa.

15-45-10_nh2
Bà Tuyết bên túp lều rách nát

“Ruộng vườn không còn, anh em họ hàng đều làm ruộng, đều vất vả, không ai cho ai được cái gì. Thành thử có quê đấy mà muốn về cũng không được. Chắc phải đợi đến lúc nằm xuống, con cháu nó đưa về chôn cất”, bà Tuyết bảo thế.

Tài sản lớn nhất của bà Tuyết, ngoài chỗ trú ngụ nửa nhà nửa lều, nghe nói còn có thêm một đàn gà của tổ chức từ thiện nào đấy hứa tặng. Bà háo hức, phấn khởi lắm, làm sẵn chuồng rồi nhưng chưa thấy người ta đem gà đến thả.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).