| Hotline: 0983.970.780

Sống nhờ người chết: Đời phu mộ

Thứ Năm 09/10/2014 , 08:41 (GMT+7)

Không chỉ gắn bó, sống chung với những ngôi mộ, ăn những món dành để cúng người đã khuất, hằng ngày, họ còn đào lên để đặt người mới chết xuống hoặc lấy xương cốt của người chết đã lâu lên để cải táng. Công việc của họ, không phải ai cũng đủ gan để làm./ Mưu sinh giữa 7 vạn ngôi mộ

NỖI NIỀM

Nghĩa trang Gò Dưa nằm trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. HCM. Phường này có 6 khu phố, và người dân gọi nghĩa trang là “khu phố 7”, khu phố của người cõi âm.

Giống như nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nghĩa trang này được chia thành 10 khu mộ, mỗi khu cũng có những người chăm sóc, phu mộ riêng, người thân vào thăm người quá cố khu vực nào thì phu đào ở khu đó sẽ chăm sóc và nhận lộc. Những người mưu sinh ở đây đều biết và tuân theo như một thứ luật ngầm, luật bất thành văn.

Theo chân ông Lữ Phụng Sơn (Ba Son), người nổi danh nhất trong nghề phu mộ ở khu vực trường bắn Long Bình, quận 9, nay đã giải nghệ, tôi đến nghĩa trang Gò Dưa. Ở đây, ngoài hàng trăm phụ nữ, trẻ em, người già, mưu sinh bằng nghề chăm sóc mộ, bán hàng rong, còn có những người đàn ông làm nghề phu mộ.

Một trong những người có thâm niên lâu nhất tại nghĩa trang này là ông Nguyễn Văn Trung, 56 tuổi. Lúc tôi đến, ông Trung đang cùng nhóm phu mộ ngồi ăn trưa dưới tán cây sứ rợp bóng trong nghĩa trang.

Vừa mân mê ly rượu bé tí tẹo trong bàn tay thô ráp, chai sần, ông Trung vừa tâm sự: “Tính đến nay, tôi làm nghề này cũng ngót 30 năm rồi. Lúc mới làm, thằng con trai tôi còn nhỏ xíu, nay đã ngoài 30 rồi. Tôi làm công việc này cũng là cái duyên, cái nghiệp. Làm riết rồi quen, gắn bó luôn. Nghề này rất đặc biệt, không đơn thuần là mưu sinh, không phải ai cũng dám làm.

Đó là ánh mắt thiếu thiện cảm của mọi người, là đủ thứ nguy hiểm, bệnh tật khi tiếp xúc với xác chết. Để kiếm được vài trăm ngàn một lần đào, bốc mộ, nhiều khi phải thức trắng đêm. Chuyện mò dưới nước để vớt xương lên, hay xác chưa phân hủy hết, mình phải làm sạch là chuyện thường”.

15-46-33_nh-1
Những phu mộ ở nghĩa trang Gò Dưa chuẩn bị một ngày mưu sinh

Ngồi cạnh ông Trung là ông Hải, năm nay cũng ngót 50 tuổi, có hơn chục năm theo đội phu mộ, tiếp lời: “Tôi có đứa con gái năm nay đang học đại học, nó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Bữa giờ nó giận tôi hoài vì kêu tôi kiếm việc khác làm mà tôi chưa biết làm gì. Nó thương ba làm cái nghề chẳng giống ai, lo ba bệnh một phần, phần nữa là không dám khoe với bạn bè cái nghề ba nó đang làm. Tôi đau đầu cái vụ này”.

Trò chuyện với những phu mộ, tôi thấy họ đều là những người chất phác, nhân hậu. Cái tâm của họ thể hiện ở việc, trong nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ vô chủ, dù chẳng được ai cho đồng nào, nhưng họ vẫn chăm sóc mỗi khi rảnh rỗi chứ không phải chỉ chăm sóc những ngôi mộ có người thân đến thăm viếng thường xuyên và cho họ tiền.

Ban đêm, họ chia ra ngủ để ngăn cản con nghiện vào hút chích hoặc kẻ xấu vào làm bậy. Nhưng, công việc họ đang làm khiến họ thường phải đối mặt với những cái nhìn chẳng mấy thiện cảm của mọi người.

“Cái nghề này chẳng có gì xấu, trái lại còn là việc thiện nguyện nên chúng tôi chỉ mong người đời có cái nhìn rộng lượng hơn. Nếu không có tụi tôi thì ai chăm sóc cho người quá cố. Đây cũng là một cái nghề mà”, ông Trung nói, giọng chua chát.

Điểm chung của những người làm nghề này là thu nhập không ổn định nên đều có cuộc sống rất khó khăn.

NHỮNG CHUYỆN LẠNH SỐNG LƯNG

“Giờ ông còn sợ khi tiếp xúc với người chết không?”, tôi hỏi ông Trung. “Ngày xưa thì sợ, giờ chỉ sợ người sống thôi chứ không sợ người chết. Thậm chí, lâu không có ca nào, thấy nhớ”, ông Trung cười đáp.

Có điều, ông rất ít bạn bè, người thân. Ông nói hằng ngày hai cha con chỉ có nhau là bạn, quanh quẩn ở nghĩa trang nói chuyện với nhau. Riết rồi nghĩa trang như nhà, xã hội bên ngoài nhiều khi cha con ông không biết đến. 

“Ai cũng lo sợ xa lánh thì lấy ai lo cho người nằm xuống? Nhiều lúc cũng muốn kiếm nghề khác làm nhưng lại thấy bứt rứt. Thôi thì mình cứ làm thôi, coi như lấy việc phúc làm của cho con cháu”, ông nói.

15-46-33_nh-2
Một góc nghĩa trang Gò Dưa, nơi có hàng trăm người đang mưu sinh nhờ những người chết

"Hiện nay, mọi hoạt động chăm sóc mộ như quét dọn, lau rửa hay công việc phu mộ đều do ban quản trang quản lý nhằm tránh tình trạng tranh chấp, tiêu cực. Đa số những người mưu sinh ở nghĩa trang đều rất nghèo, nên chúng tôi căn cứ tình hình thực tế các khu để chia công việc cho các nhóm phu mộ và người chăm sóc mộ, tạo điều kiện cho họ có chút thu nhập”, ông Phạm Văn Bảy, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang Gò Dưa. 

Theo lời ông, nghề bốc cốt hãi hùng như vậy nên không nhiều người dám làm. Hồi thập niên 80, 90 thế kỷ trước, giá mỗi lần bốc cốt rẻ cũng năm trăm ngàn đồng, đắt thì một triệu, số tiền không nhỏ.

Hiện nay, việc chăm sóc, đào huyệt và bốc cốt có hàng chục người làm, do ban quản trang quản lý. Thân nhân người chết muốn bốc cốt thì đến ban quản trang liên hệ. Sau đó, nếu cốt ở khu vực nào sẽ do những người phu mộ ở khu vực đó làm, hoặc do ban quản trang liên hệ. Vì thế mà thu nhập giảm đáng kể.

“Làm cái nghề này chỉ mong đủ sống, chứ có ai mong giàu. Mình làm cả đời có khi không bằng người ta bỏ tiền chôn một đám”, ông Trung nói.

Hơn chục năm trước, ông chứng kiến một lễ chôn cất một cô gái bị bệnh chết trẻ ở Bình Thạnh. Cả nhà cô đều định cư bên Pháp, của cải ê hề. Gia đình chôn theo người chết rất nhiều vàng. Quan tài người chết được đúc bê tông thành khối dày cả mét bao quanh rồi chôn xuống đất. Sau này bốc mộ, người ta thuê cả xe cẩu trọng tải lớn mang khối bê tông ấy xuống Bình Dương chôn cất. 

“Đó chú thấy, người chết giàu gấp trăm người sống. Đời nó vậy, buồn làm chi”, chỉ vào người con trai đang cặm cụi bên mấy ngôi mộ, ông tiếp: “Con trai tôi cũng nối nghiệp cha, thấy tương lai mờ mịt đấy mà chẳng biết làm sao”.

Ông Trung kể, từng đi bốc mộ lính chế độ cũ, được chôn trong thùng kẽm, đào đất xong phải khoan cắt rất vất vả. Hay những ngôi mộ bằng bê tông chắc, phải đào lỗ chuột, thò tay vào lần mò bên trong lấy ra từng khúc xương. Nhưng chưa ăn nhằm gì so với việc róc thịt ra khỏi xương.

Hoặc có nhiều hài cốt chôn cất thế nào không biết, thịt đã rã hết thành đất, duy chỉ còn cái hộp sọ là vẫn còn não, hốc mắt vẫn chất nhầy nhầy bên trong. Mỗi lần như thế, phải cho nước vào bên trong lắc mạnh cho đến khi thứ dịch nhầy nhụa ấy chảy ra hết mới thôi.

Rồi một lần khác, nhóm của ông bốc mộ giữa cánh đồng nước. Vừa đào mộ lên gặp ngay cái xác nữ trong bao ni lông nổi lềnh bềnh. Nhóm ông phải khuân cái xác lên, tát hết nước trong mộ rồi chôn lại.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất