| Hotline: 0983.970.780

Sống nhờ người chết: Mưu sinh giữa 7 vạn ngôi mộ

Thứ Tư 08/10/2014 , 09:25 (GMT+7)

Xen giữa những tòa nhà chọc trời, những khu dân cư sầm uất ở TP. Hồ Chí Minh là những nghĩa địa, nơi từ nhiều năm nay, hàng ngàn mảnh đời vẫn lay lắt mưu sinh. Đó là một thế giới khác.

Bình Hưng Hòa là nghĩa trang lớn nhất TP. HCM với hơn 70 ngàn ngôi mộ, nằm trên địa bàn hai phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Nơi đây, từ mấy chục năm nay, có hàng trăm hộ gia đình vẫn ngày đêm sống nhờ… người nằm dưới mộ.

Người chết về trong từng giấc ngủ

Tôi đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau một cơn mưa lớn khiến những con đường nhỏ len lỏi trong nghĩa địa lầy lội, hàng ngàn ngôi mộ nằm san sát nhau chưa kịp ráo nước. Mưa cũng khiến những cây nhang cắm trên mộ tắt ngấm, không gian như lạnh hơn, u ám hơn.


Những xóm dân cư trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa


Và những ngôi nhà bị mộ bao vây tứ phía

Tôi bước vào một căn nhà, cả vách và mái đều bằng tôn, lụp xụp, cả 4 hướng đều bị những ngôi mộ bao vây. Chủ nhân ngôi nhà là anh Lê Văn Dũng, 52 tuổi, cho biết, anh ở đây tính ra cũng ngót 30 năm.

“Tôi là dân địa phương, ở ngay trong quận này. Nhưng ngày xưa nghèo quá, mẹ tôi sinh đến 17 lần, nhưng sống được 12 người. Nhà nhỏ, chật trội quá nên một người anh của tôi vào đây dựng lều ở tạm. Sau đó tôi cũng theo ổng vào, dựng túp lều sát bên và sống đến giờ”, anh Dũng kể.

Những ngày đầu mới đến ở nghĩa trang, anh Dũng không thể nào ngủ được. Dù trời nắng hay mưa, anh vẫn có cảm giác lành lạnh.

“Hồi mới đến, tôi mất ngủ triền miên, thỉnh thoảng lại thấy người mất về trong giấc ngủ mơ màng, người gầy xọp trông thấy. Anh tôi bảo hay là về nhà ở lại nhưng nghĩ đến cảnh hơn chục người chen chúc trong căn nhà nhỏ xíu, tôi lại ngán. Rồi tôi đi mua nhang đèn, trái cây về khấn vái, xin họ cho ở nhờ… cuối cùng cũng quen dần”.

Nhưng đến khi anh Dũng lấy vợ thì lại thêm một thời gian mất ngủ nữa, vì vợ anh còn sợ hơn, nhất định không chịu ở. Anh phải thuyết phục đến khô cổ chị mới dám đến ở cùng.

“Ở nghĩa trang thường có nhiều mèo hoang, đêm khuya mà nghe chúng gào thì có gan trời cũng lạnh lưng chứ đừng nói phụ nữ. Mỗi lúc như thế, cô ấy lại bấu chặt tôi đến rướm máu. Lúc ấy, tôi chỉ ước có chút tiền nho nhỏ, ra ngoài thuê căn phòng thôi”, anh Dũng kể tiếp.


Anh Lê Văn Dũng, một trong những cư dân đầu tiên đến “nhập tịch” với người chết

Thời gian trôi qua, vợ chồng anh Dũng quen dần với những nấm mộ. Hằng ngày, anh kiếm sống bằng nghề xây mộ, còn chị Xuyến, vợ anh cũng “nhận thầu”, chăm sóc một khu gần 200 ngôi mộ.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa được chia làm 10 khu, mỗi khu có một cái tên riêng như: Sòng Sơn, Chấn Hưng, Tam Kỳ, Phật Học… Mỗi khu như vậy lại có cả chục người chia nhau chăm sóc. Cứ như vậy, những nấm mồ này đã giúp vợ chồng anh Dũng mỗi ngày kiếm đủ tiền rau cháo và nuôi 2 con. Điều đáng mừng là cả 2 con anh đều ngoan. Con trai học hết cấp 3, đã đi làm công nhân, còn cô con gái đang học lớp 11.

“Tôi là một trong số ít những người đầu tiên đến nghĩa trang này. Hồi đầu cũng dễ sống. Sau này, người ta đến ngày càng nhiều nên thu nhập giảm đi đáng kể. Từ 5-6 năm nay, thành phố đã có kế hoạch giải tỏa, di dời nên nghĩa trang đóng cửa, không cho chôn cất nữa, chúng tôi gần như không có thu nhập từ nghĩa trang”, anh Dũng nói.

Hiện anh làm đủ thứ nghề, từ xây dựng, xe ôm đến bốc vác. Ở nhà, vợ anh chăm đàn bò hơn chục con và kiếm thêm từ việc chăm sóc những ngôi mộ.

Chị Trương Thị Mỹ Lịch, vợ anh Dũng, cho biết: “Ở nghĩa trang này, số người làm nghề chăm mộ như tôi có khi đến 2 trăm người chứ không ít. Những lúc “thịnh”, làm không hết việc. Chăm mộ cũng là một việc thiện, cần có cái tâm, vì thân nhân người dưới mộ ở xa không có điều kiện trông nom nên mới nhờ cậy. Giờ thì chỉ còn khoảng 1/3, đa số là người già, phụ nữ ốm yếu bám trụ nghĩa trang kiếm miếng ăn qua ngày. Từ ngày đóng cửa nghĩa trang, ít việc hẳn, thu nhập từ công việc này gần như không còn.


Đại gia đình ông Năm Gò Công trong nghĩa trang

Sợ nghĩa trang chuyển đi

“Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có diện tích khoảng 45ha, hiện có khoảng 74.000 ngôi mộ (đã kê khai). Năm 2008, đã được TP quy hoạch làm các hạng mục: trung tâm thương mại - đô thị, tháp lưu tro cốt và công viên.
Theo kế hoạch, đến năm 2015 phải hoàn tất việc di dời. Dự kiến tổng chi phí đền bù khoảng 2.000 tỉ đồng. Để thực hiện giai đoạn một, cần khoảng 784 tỉ đồng nhưng đến nay mới được bố trí 30 tỉ đồng nên ảnh hưởng đến tiến độ”, ông Lại Phú Cường, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Bình Tân.

Đi một vòng nghĩa trang Bình Hưng Hòa, gặp hàng chục người mưu sinh nhờ những ngôi mộ, với những nghề phổ biến như chăm mộ, bán nhang đèn, vàng mã, trái cây, nước giải khát, nhặt ve chai… tôi được biết, chỉ một số ít người sống gần đường Bình Long, Tân Kỳ Tân Quý mới có nước máy.

Đa số còn lại ở sâu trong nghĩa trang đều dùng nước giếng khoan. Nhưng khi được hỏi về chất lượng nước và bệnh tật, tất cả họ đều cho biết, nước rất trong và chẳng có mùi gì.

Đi sâu vào bên trong nghĩa trang, tôi ghé vào một căn nhà khác, cũng lụp xụp không kém nhà anh Dũng, đó là nhà ông Nguyễn Văn Cường, 82 tuổi, thường được mọi người gọi là ông Năm Gò Công. Vợ chồng ông Năm cùng 4 người con trai, 1 con dâu và 2 cháu nội, sống trong nghĩa trang này từ hơn chục năm nay.

Ông Năm có nghề nuôi ngựa đua từng một thời vang danh thiên hạ ở khu vực miền Tây. Nhưng từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, gia đình ông rơi vào cảnh khốn khó. Ông dắt díu vợ con lên Sài Gòn mưu sinh và lạc bước vào thế giới của những người “khuất mặt” này.

Ông Năm cho biết: Ở nghĩa trang này ước có khoảng 60 hộ, hơn 300 nhân khẩu. Đa số là dân nhập cư từ mọi miền đất nước, lên đây mưu sinh bằng những nghề như thợ hồ, “thầu” trông coi mồ mả, rẫy cỏ, cắm nhang vào các ngày rằm, sơn phết vào dịp cuối năm, ngày tảo mộ, rồi “cửu vạn” cho các vựa xây cất, thợ hồ, xe ôm…

Phụ nữ thì “thầu” vòng cườm, vòng hoa. Khoảng chục năm trở lại đây, khi nghĩa trang chỉ nhận hỏa táng bằng lò gas và các nhà đòn ngày càng nhiều thì các nghề này dần mai một.


Người phụ nữ này (giấu tên) cho biết, chị không có nhà và đã sống trên mộ người khác như thề này từ nhiều năm nay

Điều những cư dân ở “thế giới người chết” lo lắng nhất là số phận của họ sau khi nghĩa trang di dời, giải tỏa. Ông Năm bảo: “Nhà tôi cũng như đa số những nhà khác ở trong nghĩa địa này, đều chưa có giấy tờ hợp pháp. Di dời đi chỗ khác chắc sẽ rất khó khăn. Vì phải gây dựng, tìm cách mưu sinh khác, chưa kể liệu tiền hỗ trợ có đủ tìm một chỗ ở mới hay không?”.

Anh Lê Văn Dũng cũng có mối băn khoăn tương tự: “Tôi ở đây 30 năm rồi, nhưng nhà cũng chẳng có mảnh giấy nào. Không biết lúc đó sẽ ra sao”.

Bà Nguyễn Thị Hoa, năm nay đã ngoài 70 tuổi, có nhà ở gần đường Tân Kỳ Tân Quý, và là một trong số ít những hộ có sổ đỏ, sổ hồng lo lắng nói: “Tôi ở đây mấy chục năm rồi, giờ giải tỏa nghĩa trang, tôi cũng lo lắm. Nhà tôi có hơn chục người, chỉ có mỗi căn nhà này. Nếu đi chỗ khác không biết sẽ ra sao?”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.