| Hotline: 0983.970.780

Sống nhờ người chết: Xóm mù cạnh nghĩa trang

Thứ Sáu 10/10/2014 , 09:29 (GMT+7)

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP. HCM) không chỉ được biết đến bởi có muôn kiểu mưu sinh, mà nó còn được biết đến bởi nơi đây có một xóm cư dân đặc biệt./ Đời phu mộ

Họ là những con người chịu nhiều bất hạnh khi không bao giờ biết đến ánh sáng. Cuộc sống của họ trôi đi trong lặng lẽ và bóng đêm.

Xóm mù này hình thành từ năm 1966 bên dòng kênh Nước Đen với gần 60 gia đình từ khắp nơi tụ họp về. Đa số gia đình kiếm sống bằng nghề làm chổi, làm bàn chải, bán vé số.

Năm 2003, kênh Nước Đen giải tỏa bị giải tỏa, một số hộ chuyển đi các nơi như Củ Chi, Hóc Môn… tái định cư, phần lớn các hộ còn lại vẫn ở lại, thuê nhà trọ quanh xóm cũ.

LAY LẮT MƯU SINH

Tôi đến xóm mù sau cơn mưa lớn. Ánh nắng trưa gay gắt cũng không thể làm khô đi những vũng sình lầy trên con đường đất vào xóm mù. Căn nhà xập xệ đầu tiên tôi đến là của bà Nguyễn Thị Lài, 64 tuổi. Bà Lài đang nằm trên chiếc phản gỗ, nghe tiếng bước chân, bà ngồi dậy ngóng mặt ra phía cửa. Bà bảo: “Chiều nào tôi cũng đi bán vé số đến 9-10 giờ đêm mới về đến nhà. Giờ lớn tuổi rồi nên đi bán cũng vất vả hơn”.

Bà Lài cho biết, năm lên 5 tuổi, bà bị u trong mắt, để sưng to mới đi mổ nên không cứu được. Lúc đầu chỉ hư một bên mắt, lâu dần mắt còn lại cũng hư luôn. Năm 18 tuổi, bà lấy chồng và sinh 3 đứa con gái. May mắn là các con bà đều lành lặn.

“Tôi tàn tật, chẳng chăm sóc, lo cho chúng nó đầy đủ, chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên đều lấy chồng xa, đều nghèo nên chẳng giúp gì được. Nhưng tôi còn sức, còn đi bán được, chỉ mong tụi nó hạnh phúc là mừng lắm rồi”, bà Lài nói. “Mỗi ngày bà kiếm được bao nhiêu?”, tôi hỏi. “Tùy hôm, nhưng thường là 6-7 chục ngàn. Thỉnh thoảng có người thương họ mua nhiều, bán hết sớm. Cũng có khi người ta cho thêm vài chục”.

18-17-15_nh-2

Cách nhà bà Lài không xa là nhà anh Vân, chị Thủy, cặp vợ chồng được nhiều người biết đến bởi tính lam làm, chịu khó và có cuộc sống hạnh phúc, dù họ không được thấy ánh sáng.

Anh Vân bị tai nạn do nổ mìn năm 1978 trong lần làm phế liệu. Chị giống như nhiều người khác trong xóm này, bị phát ban năm lên 4 rồi mù hẳn đến bây giờ. Hai người cùng sinh hoạt trong Hội Người mù huyện Núi Thành, Quảng Nam. Qua những lần sinh hoạt chung, mấy năm tìm hiểu nhau, cả hai quyết định lập gia đình vì được hai bên cha mẹ đồng ý. Năm 1990, vợ chồng anh chuyển vào đây mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Lúc tôi đến, anh chị đang cùng nhau nấu bữa trưa, vừa làm họ vừa trò chuyện vui vẻ, ân cần.

"Bán vé số không nhất định giờ nào, mệt thì trả vé về. Vợ chồng tôi luôn cố gắng bán đến tờ cuối cùng để lo cho con". Nói về khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, anh Vân bảo: “Ngoài những khó khăn anh đã thấy, đối với người khiếm thị như chúng tôi thì còn những khó khăn khác như bị kẻ xấu lừa gạt, đánh tráo vé số hoặc cướp giật xấp vé số của chúng tôi, thậm chí còn bị cướp tiền. Những lúc như vậy, chúng tôi chẳng làm được gì vì mắt có thấy gì đâu mà đuổi”.

“Xóm người mù trên địa bàn phường là một trong những những đối tượng đặc biệt, chính quyền địa phương rất quan tâm.
Thông qua chính sách hỗ trợ người nghèo của Nhà nước, chúng tôi cũng đã giải quyết cho những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn làm ăn với số tiền khoảng 14 triệu đồng.
Tuy nhiên, do khiếm khuyết về mắt nên họ chỉ có thể vay vốn để đi bán vé số, bán chổi chà, vì thế số tiền đó cũng chỉ giúp họ kiếm được đủ tiền sinh hoạt hằng ngày, chưa hộ gia đình nào khá lên được.
Bắt đầu từ năm 2009, các hộ ở xóm mù được Nhà nước trợ cấp 290 ngàn đồng/tháng/hộ. Số tiền này không nhiều, nhưng cũng giúp họ trang trải phần nào khi ốm đau hoặc đóng tiền học cho con cái”, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa.

Chị Thủy cho biết, sau thời gian bán vé số, vợ chồng anh lại đi làm thêm xoa bóp ở tận Thuận Kiều Plaza bên Q.6, do tổ chức từ thiện Eden tổ chức cho người khuyết tật. Công việc không mang lại nhiều tiền nhưng cũng giúp vợ chồng anh có đồng ra đồng vào cho cuộc sống.

Một trong những hoàn cảnh rất đáng thương là gia đình ông Nguyễn Văn Bình, 54 tuổi. Ông bị mù cả hai mắt và mất một cánh tay nhưng hiện là trụ cột của gia đình 5 miệng ăn. Con gái ông Bình đang khỏe mạnh bỗng dưng mắc bệnh động kinh, chân tay co giật không thể tự kiểm soát được hành vi, không đi lại được.

Gánh nặng chồng chất thêm khi con rể bỏ đi, để lại người vợ bệnh cùng đứa con gái vừa vào lớp một cho ông Bình. Đứa con trai của ông cũng ốm yếu, ngày khỏe đi phụ sơn nhà cho người ta, ngày ốm phải nằm nhà vật vã với cơn đau. Vợ ông phải ở nhà lo toan cho con cháu, một mình với tập vé số, ông Bình rong ruổi khắp phố để lo cho cả gia đình. Nhiều người mù vất vả đi bán vé số, bữa đói bữa no. Vậy mà có khi họ còn bị kẻ xấu giật vé số hoặc giật tiền, có người gặp nạn như vậy ngồi khóc cả ngày.

HY VỌNG VÀO THẾ HỆ SAU

Điều may mắn là những thế hệ sau ở xóm mù đều lành lặn khi sinh ra và đều cố gắng phấn đấu học để mong thoát nghèo, giúp đỡ cha mẹ. Điển hình là 2 người con của cặp vợ chồng mù Hoàng Thị Mỹ. Cả 2 đều tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM, đã tìm được việc làm.

Vợ chồng anh Vân sinh được 2 con. Con gái đầu anh chị đặt tên là Đinh Huyền Ánh Trúc, bởi Ánh Trúc, theo anh là ánh sáng, ánh đuốc. Cháu còn lại tên Đinh Huyền Thiên Phúc với mong ước của gia đình là được lộc trời cứu giúp khỏi cảnh nghèo nàn, tối tăm như ba mẹ chúng. Hiện cả hai con anh đang học tại trường Vành Khuyên.

Thương các con, dù vất vả, anh chị cũng hẹn bác xe ôm chở hai cháu đến trường và đón về mỗi ngày, với giá 40.000đ/ngày. Anh chị cũng thường cắt cử nhau để luôn có một người ở nhà đón con đi học về, tắm rửa, ăn cơm như mọi tổ ấm khác. Chị Thủy nói thêm trong niềm vui: "Rồi chúng sẽ vào cấp 2, cấp 3, đại học… Tôi mơ đến ngày ấy lắm. Mong các cháu khỏe mạnh, đi học tấn tới, thành công dân hữu ích cho gia đình và xã hội".

18-17-15_nh-5

Riêng bà Lài, bà ngoại của cậu bé Phong còn mang nhiều nỗi niềm riêng. Phong mất ba, mẹ lấy chồng khác nên đem gửi con cho bà ngoại mù lòa, Phong được gửi vào mái ấm Ánh Sáng ở Q.10. Học hết lớp 1 thì cậu bé trốn về. Giờ đây, việc học của Phong ở một ngôi trường khác đang gặp khó khăn vì bà chưa có hộ khẩu ở đây.

Bà Lài nghẹn ngào: "Tôi sắp chết rồi, chỉ lo cho cháu thôi. Không biết khi nào nó mới được đến trường? Nó mới học lớp 1 mà đọc giỏi lắm. Nó phải đi học thì tôi mới yên lòng nhắm mắt được”, bà Lài lo lắng nói.

Chia tay xóm mù, trong lòng tôi đan xen bao cảm xúc: Xót xa cho những phận đời kém may mắn đang phải vất vả mưu sinh. Và le lói niềm vui, hy vọng vào thế hệ thứ 2, thứ 3 của xóm nghèo này.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất