| Hotline: 0983.970.780

Sống nửa phận người

Thứ Hai 25/08/2014 , 09:58 (GMT+7)

Trong căn nhà rách nát, mái ngói thủng lỗ chỗ, bóng ba mẹ con in hình lên vách tường cũ kỹ. Ghi lại một ngày “sống” của một gia đình tâm thần, sống nửa phận người, mới thấy xót xa vô cùng!

Cực khổ

Bên con đường bê tông từ đầu thôn Sư Lỗ (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, TT- Huế), căn nhà bà Nguyễn Thị Thanh Minh (44 tuổi), nằm thu mình giữa lau lách bụi cây. Từ cửa chính cho đến cửa sổ, chằng chịt những tre, nứa đan xen, biệt lập hẳn với xóm làng bên ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng thôn Sư Lỗ, bảo: “Gia đình có 3 người, bà Minh và cháu đầu thì không được bình thường, chỉ riêng cháu út là nói năng khá tỉnh táo mà thôi. Gia đình này rất hoàn cảnh, sống lập biệt với bên ngoài nên nhiều khi địa phương muốn quan tâm cũng đành chịu”.

Từ đầu ngõ, ông Thành đã nói to: “Có đứa mô ở nhà không?”. Bà Minh nhát gừng: “Đi hết rồi”. “Tui vào được không?”. “Mặc quần áo đã”, bà Minh trả lời.

Chưa dứt câu, cậu con trai lớn chừng 15 tuổi không biết từ đâu chạy vụt vào nhà, khép cửa lại nhanh như cắt. Đứa bé chỉ mặc đúng cái áo rách như xơ mướp, không mặc quần. Trong nhà, mái ngói thủng để lọt chút ánh sáng vàng vọt vào. Một mùi ẩm thấp xộc lên mũi. Thấy khách, đứa trẻ leo lên những thanh tre, ngó nghiêng tỏ vẻ sợ sệt, đề phòng, rồi đu mình trốn biệt trên gác xép.

11-35-31_5
Hai đứa trẻ thường đào hang hốc trong nhà để trốn

Theo ông Thành, chuyện gia đình bà Minh là cả một câu chuyện dài và buồn. Căn nhà bà Minh ở vốn là nhà của bố mẹ để lại sau khi thoát ly trong chiến tranh. Vốn tâm tính không bình thường, mười mấy năm trước, bà Minh “bỗng dưng” sinh hai cháu trai và một cháu gái (nay đã mất).

Khi hai đứa trẻ lớn, chỉ cần ngày nào không thấy con là người mẹ bổ đi tìm, la hét khắp xóm làng. Có lần chúng mải chơi trên những khu rừng đèo Phước Tượng, bà Minh lúi húi tìm con không ra, nằm vật vạ kêu la. Vì thế, địa phương muốn giúp hai cháu bé học hành, có nơi ăn ở tử tế cũng không được vì người mẹ không muốn rời khỏi căn nhà mà cũng không muốn rời xa con.

Vốn gia đình có gien di truyền về bệnh tâm thần, bà Minh mỗi lần lên cơn, dùng sào chọc thủng mái ngói, lấy tre rào kín hết các cửa sổ và đào hang hốc trong nhà để trốn.

Sống hoang dã

Trong căn nhà ẩm thấp, ngổn ngang quần áo cũ, tre chất thành đống như khu rừng. Chỉ có một nền đất bỏ chi chít những can nước mương đục ngầu. Nơi cả ba mẹ con sống không điện, không nước sạch và cũng không hề có hộ khẩu.  

Thấy khách quen, bà Minh ngồi mân mê xấp áo quần cũ, lấy ra rồi lại ngồi xếp lại. Ai hỏi gì cũng trả lời nhát gừng vài câu rồi toan đuổi về, đóng cửa lại.

11-35-31_7
Bà Minh với ánh nhìn hoang dại

Ông Thành hỏi: “Sao không cho cháu mặc áo quần vào?”, bà Minh chỉ cười cười: “Nó thích thế, mặc rứa đi lại dễ hơn”. Đứa lớn đã 15 tuổi nhưng thân hình nhỏ thó. Mái tóc dài như “người rừng”, mặt mày lem luốc, chỉ có ánh mắt là tinh ranh và hai tay leo trèo rất nhanh.

Hai đứa con bà Minh không tên, không giấy khai sinh, không biết chữ và cũng không được học hành. Bà con lối xóm thường thấy cháu đầu lang thang khắp đầu làng cuối xóm, vớ được cái gì thì ăn tươi nuốt sống cái đó.

Có lần, trong làng tát hồ nuôi cá, đứa bé chạy xuống ao, sục sạo cá được con nào liền bỏ vào miệng nuốt chửng. Chiếc áo nó mặc đã rách không thể rách hơn được nữa. Nó đã mặc mười năm nay, không buồn thay, mặc dù áo quần áo trong nhà rất nhiều do bà con lối xóm mang cho.

Đối với bà con ở thôn Sư Lỗ, đứa trẻ lớn là một “người rừng” thứ thiệt! Ban ngày cháu lang thang khắp lối xóm, bẻ măng, trèo cây nhanh như khỉ. Ban đêm thường phát ra những tiếng hú đến rợn người.

Từ sáng sớm, chỉ duy nhất một lần ra chợ là em “thích” mặc chiếc quần sọc, còn về nhà, đi trong thôn xóm đều "ăn lông ở lỗ". Cháu lớn có mái tóc dài như người rừng, hai bàn chân lớn do chạy nhảy, sống hoang dã từ nhỏ, chỉ có thân hình là gầy gò như đứa trẻ 10 tuổi.

Anh Nguyễn Nam, một hộ dân gần nhà bà Minh, cho biết: “Thấy bà Minh lần lượt sinh hai cháu rồi lớn dần lên chứ cũng không biết ai là bố chúng nên nhiều khi thấy rất tội nghiệp. Đứa trẻ đầu có lối sống rất hoang dã, do mẹ chúng thả lăn lê trên đất từ nhỏ. Hễ cứ gặp người lạ là bỏ chạy. Nó trèo cây rất nhanh. Hằng ngày ba mẹ con chỉ dựa vào duy nhất rổ măng, rổ khoai lang dại hái được mang ra chợ đổi gạo hay ra chợ ai cho cái gì thì lấy mang về nhà ăn".

11-35-31_9
Những đứa trẻ không tên, không giấy khai sinh, cả gia đình không hộ khẩu

Ông Nguyễn Ngọc Thành bảo, khổ nhất là vào mùa mưa bão, cả gia đình bà Minh “cố thủ” trong nhà không chịu di dời. Mùa bão năm 2013 vừa qua, cán bộ huyện, thôn, xã đứng bên ngoài vận động mãi vẫn không chịu đi, chốt chặn hết cửa. Đứng trong nhà chửi ra xa xả. Hết cách, ông Thành phải cử phó thôn túc trực ngày đêm, lỡ mưa bão sập nhà còn có phương án mà ứng cứu. Rồi mỗi lần địa phương phát gạo cứu trợ hay có chính sách gì, bà Minh bảo phải mang về tận nhà phát chứ không chịu lên ủy ban ký nhận.

Ông Lê Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, cho biết vừa qua, các đoàn thể đã trích quỹ 35 triệu đồng, gọi ông anh trai bà Minh ra để tiếp nhận số tiền xây nhà cho ba mẹ con nhưng người nhà lại không chịu. Địa phương rất muốn hỗ trợ nhưng gia đình không tiếp nhận nên cũng không giúp gì được nhiều.

Ông Việt kiến nghị: “Hai cháu nhỏ ngày một lớn, hiện không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh, gia cảnh lại như thế nên cũng chẳng được học hành gì. Chỉ mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ, giúp các cháu được đến trường hoặc được tạo điều kiện sinh hoạt, sinh sống, học hành như những đứa trẻ bình thường".

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.