| Hotline: 0983.970.780

Sông nước không phụ công người

Thứ Ba 03/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

Từ đời cha ông đã gắn mình với sông nước nên lớn lên, anh Định vẫn không hề từ bỏ với niềm đam mê với con cá, con tôm. Và rồi, chính dòng sông nơi tuổi thơ tháng ngày anh lênh đênh, là nơi giúp anh thực hiện giấc mơ làm giàu.

Những năm qua, mô hình nuôi tôm, nuôi cá lồng bè trên sông đã đem lại cho anh thu nhập hàng tỷ đồng.
 

Quyết tâm làm giàu

Về đến xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và nhắc đến cái tên Mai Văn Định (trú thôn Long Thành) nhiều người không khỏi trầm trồ thán phục. Mọi người ngưỡng mộ anh không chỉ là một tấm gương làm kinh tế giỏi trong vùng mà còn bởi bản tính chân chất, thật thà, dám nghĩ, dám làm mà đã làm cái gì thì rất ít khi thất bại.

08-00-48_1
Mỗi năm anh Định xuất bán ra thị thường hơn 100 tấn cá thương phẩm, thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng.

Tiếp chuyện chúng tôi, người đàn ông có làn da ngăm đen cởi mở kể về câu chuyện của cuộc đời mình. Anh Định sinh ra trong gia đình có truyền thống về sông nước. Ngay từ thủơ bé, anh đã cùng cha và ông nội ngày tháng lênh đênh từ thượng nguồn cho đến cuối con sông Tam Kỳ đánh bắt tôm cá mưu sinh qua ngày.

Lớn lên tham gia nhập ngũ rồi hết nghĩa vụ trở về quê hương, anh Định xách ba lô theo chúng bạn lên thành phố tìm kiếm việc làm với mong muốn đổi đời. Thế nhưng một thời gian bươn trải với bao nỗi vất vả cũng không thể khá hơn. Anh đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ sẽ trở về quê và làm giàu trên chính quê hương của mình, bằng cái nghiệp tôm cá đã nuôi anh khôn lớn.

“Tôi trở về quê vào năm 1991 rồi lấy vợ, sinh con. Trong tay lúc đó cũng chỉ là 2 bàn tay trắng với vài mảnh lưới và con thuyền mà cha để lại. Trở lại nghiệp cũ, cũng công việc ấy nhưng cá tôm lúc đó không còn nhiều như trước nữa. Dù cố gắng làm lụng nhưng cũng chỉ đủ để cho cả gia đình cơm canh qua ngày, không khấm khá nổi”, anh Định nhớ lại.

Từ trong gian khó, anh luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để có thể thoát nghèo, cho vợ con có một cuộc sống sung túc hơn. Đi tìm hiểu nhiều nơi, anh nhận thấy nhiều người giàu lên từ nghề nuôi tôm trong khi đất vườn nhà mình rộng rãi thì cứ để lãng phí. Anh quyết định học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi rồi vay mượn anh em, bạn bè, cải tạo 1ha đất vườn thành hồ nuôi tôm sú theo kiểu lót bạt. Vừa nuôi vừa tự rút ra cho mình kinh nghiệm, cẩn thận làm từng bước. Anh làm bằng tất cả tâm huyết của mình và rồi công sức cũng được đền đáp.

Sau 3 tháng nuôi, ao tôm của anh phát triển rất nhanh rồi cho xuất bán, vụ tôm năm đó gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng. Thành công đó đã tạo động lực cho anh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm ao nuôi.

Những vụ sau đó cũng liên tục thắng lợi mang lại cho anh thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, sung túc hơn. Có được vốn liếng trong tay, anh liên hệ thuê đất ở các địa phương khác để đầu tư, mở rộng sản xuất.

“Tính ra đến thời điểm này thì tôi đã có hơn 25 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, hầu như năm nào cũng có lãi. Mặc dù vậy, chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có thời điểm tôi cũng lâm vào cảnh lao đao. Đó là vào khoảng thời gian từ năm 2014 - 2015, tôi và những người nuôi tôm đều bị thiệt hại vì giá cả thị trường xuống thấp, tôm lại mắc các căn bệnh khó trị. Nhiều gia đình thua lỗ hàng tỷ đồng. Riêng bản thân tôi thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng”, anh Định tâm sự.
 

Thành quả xứng đáng

Sau thời điểm đó, biết rằng nếu tiếp tục đầu tư nuôi tiếp thì sẽ thua lỗ nặng hơn nên 2 vụ tôm sau anh Định quyết định ngừng sản xuất để chờ lúc thuận lợi hơn. Đến cuối năm 2016, nhận thấy thị trường đã ổn định, anh bắt đầu kế hoạch sản xuất lại.

08-00-48_2
Cá nuôi của anh Định phát triển nhanh, cho sản lượng cao nhờ môi trường nuôi thông thoáng.
Suốt 3 năm liên tục, mô hình nuôi cá của anh Định luôn mang lại thành công ngoài mong đợi. Hiện mỗi năm anh xuất ra thị trường khoảng trên 100 tấn cá diêu hồng. Với mức giá trung bình từ 41.000 - 47.000 đồng/kg, cộng với nguồn thu từ tôm và bán cá giống các loại, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình anh lãi ròng trên dưới 1 tỷ đồng.

Lần này, ngoài nuôi tôm, anh Định còn mạnh dạn bỏ ra gần 500 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ. Thấy quyết định táo bạo này, nhiều người dân trong vùng không khỏi hoài nghi. Khúc sông mà anh thả nuôi con nước lên xuống thất thường, mùa mưa bão nước chảy xiết có thể cuốn trôi mọi thứ. Từ trước tới nay, đoạn sông đó chưa ai dám làm như anh.

“Trước khi đi đến quyết định đó, tôi đã suy nghĩ rất kỹ. Lợi thế của tôi là dân sông nước, quá quen thuộc với con sông này, biết lúc nào nước lên, lúc nào nước xuống, lúc mưa bão thì trú tránh chỗ nào để an toàn nên tôi mới mạnh dạn làm. Nếu tận dụng được thì sẽ rất hiệu quả bởi khúc sông này rất thoáng, nuôi ở đây nguồn nước trong lồng sẽ luôn luôn được luân chuyển, đảm bảo được môi trường sống sạch, đầy đủ oxy cho cá, hạn chế được dịch bệnh”, anh Định chia sẻ.

Nói là làm, anh Định đóng 24 lồng bè với diện tích mỗi lồng 36m2 và thả nuôi các loại cá đang có giá trị kinh tế, được thị trường ưa chuộng như cá diêu hồng, cá đối, cá bớp, cá dìa…

Để đảm bảo hiệu quả, anh Định thường xuyên tham khảo các kỹ thuật hướng dẫn nuôi cá trên sách báo, internet, liên kết với các công ty sản xuất thức ăn, thuốc thủy sản có uy tín để hợp tác. Đồng thời, anh còn đánh giá nhu cầu thị trường từng thời điểm để xác định thời gian thả nuôi, xuất bán làm sao đạt giá trị cao nhất.

“Đúng như tôi đã tính từ trước, môi trường sống thông thoáng giúp cá phát triển rất nhanh. Cá diêu hồng trong các lồng bè của tôi nuôi rất đạt. Tỷ lệ hao hụt chỉ 20%, ít khi dịch bệnh, cũng vì thế mà năng suất rất cao. Tôi tìm hiều những địa điểm khác thì họ nuôi cùng với diện tích lồng như vậy nhưng 5 tháng nuôi thì lồng của tôi đạt trung bình 3,5 tấn, cao hơn những người khác hơn 1 tấn nên lợi nhuận kinh tế hơn”, anh Định nói.

Dù thu được số tiền lãi mà ở vùng quê anh sinh sống nhiều người mơ ước nhưng anh Định vẫn chưa muốn dừng lại. Anh cho biết, hiện anh đang học hỏi kỹ thuật kinh nghiệm nuôi cá lóc lót bạt. Với những thành công đã đạt được, địa phương đang rất ủng hộ và tạo điều kiện cho anh thực hiện. Vừa qua, anh đang tiến hành xây dựng 1 bể nuôi gần nhà để thử nghiệm. Nếu tiếp tục thành công, anh sẽ thuê đất và mở rộng quy mô lớn hơn, tăng thêm lợi nhuận.

Với nỗ lực và quyết tâm vượt khó làm giàu trên mảnh đấy quê hương, năm 2019, anh được trao danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Nói về hiệu quả mô hình kinh tế này, ông Trương Quang Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Tiến cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao về sự tiên phong và bước đầu đã thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông của ông Định. Thời gian tới Hội sẽ tuyên truyền, vận động các hội viên khác cùng tham gia, học tập kinh nghiệm chăn nuôi này, tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển mô hình với mức độ phù hợp, nâng cao thu nhập”.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm