| Hotline: 0983.970.780

“Sống” ở đáy sông

Thứ Sáu 10/09/2010 , 09:40 (GMT+7)

Thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có không ít người suốt ngày sống ở đáy sông chứ không ở nhà. Tìm hiểu mới biết đây là cái nghề khá lạ được một nhóm nông dân “sáng kiến”.

Cây gỗ gõ được nhóm của Minh may mắn tìm thấy bán còn lại phần gốc

Chuyện ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có không ít người suốt ngày sống ở đáy sông chứ không ở nhà, thực tình ban đầu tôi không tin. Tìm hiểu mới biết đây là cái nghề khá lạ được một nhóm nông dân “sáng kiến” để tìm kế mưu sinh.

Nguy hiểm chực chờ

Bảy giờ sáng, anh Phạm Hữu Minh, 36 tuổi, tạm biệt vợ con rồi cùng ba người bạn ở cùng làng mang theo đồ nghề xuống 2 chiếc thuyền, rẽ nước ngược dòng Bến Hải. Dòng nước trên sông trong veo, như nhìn thấu đáy. Dụng cụ hành nghề của các anh gồm hai chiếc thuyền được vay tiền đầu tư 40 triệu đồng, chiếc máy ôxy để thở có giá chừng 20 triệu đồng. Ngoài ra còn có cuốc, xẻng, xà beng, dây thừng...

Cuộc sống hàng ngày quá khổ, làm nông mà ruộng chia không đủ nên những nông dân này chỉ còn cách... chui xuống sông kiếm sống. Các anh kể rằng, nếu nhớ không sai thì cách nay hơn mười năm, một nhóm thanh niên làng Nam Sơn trong khi tắm tình cờ phát hiện dưới đáy sông Bến Hải có cả “mỏ” phế liệu chiến tranh cùng nhiều thứ khác có giá trị. Ban đầu họ chỉ lặn xuống lấy ít phế liệu bán chơi. Dần dần thấy kiếm ra tiền nên mới nảy sinh ra nghề xuống đáy sông kiếm tiền.

Thông thường khi đến giữa sông, hai chiếc thuyền được neo lại. Họ phân nhau công việc cụ thể. Một người ở lại trên thuyền canh gác để điều khiển các thuyền qua lại tránh xa phạm vi mình đang hoạt động. Ba người còn lại buộc thêm đá vào mình để tăng trọng lượng cơ thể nặng trên trăm kilogam rồi ôm bình ôxy cùng dụng cụ khai thác lặn xuống sông.

Đáy sông Bến Hải trung bình sâu từ 5 đến 10 m. Các anh cứ thế lặn tận đáy rồi “đi bộ” quan sát tỷ mỉ. Khi nào phát hiện một mảnh sắt nhỏ nhô lên khỏi bùn, hay dấu hiệu của thanh gỗ rừng thì dừng lại đào. Nước sông chảy xiết nên dùng xà beng, xẻng đào đáy sông rất khó. Làm mạnh tay bùn sục lên, nước đục, không thấy đường. Làm nhẹ tay thì chẳng biết khi nào kết thúc một vị trí. Họ sống ở dưới sông suốt buổi, chỉ lên mặt nước khi ăn cơm trưa mà thôi.

Minh kể nhiều khi phát hiện được quả bom phải đào sâu xuống đáy sông thêm 3 mét nữa lúc ấy mới dùng thuyền kéo bom lên được. Khi lặn xuống càng sâu nước càng xoáy tít như muốn cuốn cả người các anh vào hang ngầm dưới đáy sông. Vất vả, nguy hiểm là vậy, song ngày nào may mắn tìm gặp nhiều phế liệu về bán chia được 200.000 đồng mỗi người. Nhiều chuyến không gặp cái gì hết thì tốn 150.000 đồng/ngày tiền xăng dầu phục vụ cho hai chiếc thuyền hoạt động.

Ở đáy sông Bến Hải không chỉ có mỗi phế liệu chiến tranh mà còn có rất nhiều lộc của rừng như gỗ gõ, lim... bị vùi sâu xuống bùn. Nhiều hôm nhóm của Minh liên tục phát hiện được gỗ rừng. Thường thì đó là những cây gỗ bị lũ nhiều năm trước cuốn trôi rồi vùi lấp xuống sông. Cách đây một tháng nhóm của anh tình cờ phát hiện được một cây gỗ gõ có đường kính hơn 1m, dài hơn 10m đang bị cát, bùn vùi lấp sâu 2 mét.

Sau hai ngày đào và vận chuyển mới đưa cây gỗ về đến bến sông Vĩnh Sơn. Nghe tin nhóm thợ lặn tìm được gỗ quý, mấy đầu nậu gỗ liền tìm đến mua với giá 10 triệu đồng. Bán phần thân cây gỗ còn phần gốc thấy đẹp, cả nhóm định để lại tạo hình làm gốc cảnh chơi. Hôm vừa rồi có người lại đến trả mua luôn nhưng nhóm của Minh quyết không bán nữa. Tìm gỗ dưới đáy sông được cây to như vậy rất hiếm. Còn gỗ ngắn từng khúc được cưa xẻ hẳn hoi thì không phải là ít...

 Gặp cả hài cốt

Anh Minh kể ngoài phế liệu, còn một thứ khi lặn sông các anh không được bỏ qua là những bộ xương hay những chiếc sọ người mà vô tình gặp phải. Sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17, đoạn thượng nguồn từ xã Vĩnh Sơn trở lên Bến Tắt trong chiến tranh được ví như cái túi hứng bom đạn của Mỹ thả xuống. Vì thế người dân hai bên bờ và bộ đội bị chết và hy sinh cũng nhiều, mà xác bom đạn nằm dưới đáy sông cũng không ít. Qua mấy chục năm tất cả đều bị vùi sâu dưới mấy mét bùn và cát của lòng sông. 

Cách đây mấy năm, trong lúc đang đào đáy sông đoạn ngang qua thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn các anh phát hiện một đôi dép cao su, bi đông, mũ cối còn hài cốt đã bị ngâm nước mục rã. Có thể trước kia liệt sĩ này được đồng đội mai táng sát bên bờ sông Bến Hải, lâu ngày lũ xói cuốn trôi ra giữa sông. Hôm ấy sau khi phát hiện hài cốt liệt sĩ, các anh đã làm lễ đưa liệt sĩ về an táng ở nghĩa trang ấm áp.

Đang kể chuyện bỗng hay tay của Minh nổi đầy gai ốc. Minh nói mới đây, khi lặn xuống một cái hố sâu do máy hút cát của các tàu khai thác cát tạo ra ở đoạn sông qua thôn Xuân Hoà, xã Trung Hải, nhóm của anh lại phát hiện một chiếc sọ người. Nhận dạng ban đầu có thể là đầu của một người đàn ông qua đời cách nay mấy chục năm. Dù không ai bảo ai, nhưng các thợ lặn liền đưa chiếc sọ người về chôn cất đàng hoàng. Anh Minh chùng giọng: “Có thể gia đình họ không biết nơi an nghỉ của con em mình nhưng anh em chúng tôi làm tất cả lễ nghi để linh hồn những người oan khuất mau được siêu thoát để họ phù hộ cho mình được bình an trên sông nước”.

Hôm tôi đến xã Vĩnh Sơn gặp lúc trời mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu. Nhìn dòng nước, Minh cùng nhóm của mình mặt buồn rượi. Họ nâng cốc rượu đế tự nấu chúc nhau ngày mai sẽ là ngày tốt lành. Thấy tôi có vẽ chưa hiểu, Minh giải thích. Tốt lành có nghĩa là mong dòng sông nước sẽ sớm trong xanh trở lại. Khi ấy anh em chúng tôi mới trở về sống ở đáy sông được. Ở dưới đó lâu rồi cũng hoá quen. Ngày nào nước đục, thuyền không nhổ neo, xuất bến được lòng dạ thấy buồn. Bởi vì không mưu sinh được ở đáy sông đồng nghĩa với cuộc sống không kiếm ra đồng tiền, dù đồng tiền của anh em bọn tôi kiếm được đầy mồ hôi, nước mắt, thậm chí còn cả máu.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất