| Hotline: 0983.970.780

Sống trên cát: Những vườn màu bạc tỷ

Thứ Tư 15/07/2015 , 06:20 (GMT+7)

Bãi cát vàng dọc biển Quỳnh dù đã được dải phi lao chắn sóng ôm ấp nhưng vẫn bỏng rát chân người. Vậy mà ở đó vẫn có những vườn rau màu tươi tốt./ Ngửa mặt trông trời

Nhìn những căn nhà mái ngói khang trang với những tiện nghi đắt tiền của họ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cách đây 10 năm, người dân xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) chỉ biết trông chờ vào những chiếc thuyền thúng quẩn quanh trong lộng, kiếm bát cơm đắp đổi qua ngày.

Ông Nguyễn Văn Dũng, xóm trưởng xóm 6, xã Quỳnh Liên tự hào: “Đây là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành quả của sự cần cù và khối óc sáng tạo của bà con Quỳnh Liên đấy!”.

1 hạt lúa, 9 giọt mồ hôi

Ông Nguyễn Văn Thuyết, cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Liên còn nhớ như in những tháng ngày cơ cực khi chưa tìm ra loại cây trồng nào phù hợp với vùng đất cát vàng quanh năm bị hạn hán đe dọa.

Thuở ấy, người dân nơi đây cũng sắm thuyền bè, ngư cụ ra biển đánh cá. Ngặt nỗi, đây là vùng bãi ngang, biển cạn, không có lạch nước và bến bãi để neo đậu nên ngư dân chủ yếu dùng thuyền thúng và các loại thuyền công suất nhỏ, quanh quẩn đánh bắt gần bờ, sản phẩm sau mỗi chuyến đi biển về cũng chỉ đủ ra chợ xã đổi vài kg gạo.

Biển đã thế, trên bờ cũng chẳng có gì, 100% là cát vàng, trên đó chỉ có cây phi lao chắn cát là sống khỏe. Cả xã có vài trăm ha đất khả dĩ trồng lúa được nhưng lại không có hệ thống thủy lợi, do nằm ở cuối nguồn nước tự chảy của hồ Vực Mấu, mỗi năm chỉ làm được độc vụ xuân.

Nghề đánh cá èo uột, SX nông nghiệp do đất cát bạc màu và thiếu nước nên năng suất lúa ở Quỳnh Liên khi ấy chỉ trên 100 kg/sào; đói khát, nghèo khổ giống như một định mệnh cứ đeo đẳng mãi...

Một lão nông ở xóm 8 đăm chiêu nhớ lại: “Đất nhiều nhưng toàn cát bạc màu. Ở dải đất “10 năm có 9 năm hạn” này, nước tưới bao nhiêu cũng không đủ để gieo trồng.

Nhà tôi có 5 sào ruộng khoán nhưng khổ quá khiến con cái hễ lớn lên là đều bỏ đi làm ăn xa, ruộng vườn đều bỏ hoang.

Để cấy được mỗi m2 lúa, hai vợ chồng phải lót nilon vào thúng thay nhau gánh nước giếng khơi ra tưới mới cày bừa được. Cấy xong, hàng ngày phải gánh nước ra tưới cho lúa. Cứ thế, đến lúc thu hoạch, hơn 3 tháng ròng nhà nhà đều phải làm như vậy, khổ lắm.

1 hạt lúa có khi phải đổi 9 giọt mồ hôi và nước mắt của nhà nông. Thanh niên sống không nổi trên đất cát bạc màu nên rủ nhau đi tứ xứ đánh cá thuê, vào Nam, ra Bắc kiếm kế sinh nhai...”.

Nhiều hộ tự phát chuyển sang trồng ngô, lạc, đậu, vừng nhưng năng suất cũng chẳng ăn thua. Gần biển, đất cát nên chỉ một trận gió nhẹ là cây ngô bật gốc, thất bát thường xuyên. Đói khát không chờ đến kỳ giáp hạt, nhà nhà thiếu đói quanh năm.

Mãi đến đầu năm 2005, một số hộ mạnh dạn bỏ hẳn lúa, ngô, chuyển sang trồng màu. Họ trở thành những mô hình tự phát tạo ra một cuộc “cách mạng” trong tư duy SX của người nông dân.

Đến khi cầm trong tay hàng chục triệu đồng thu nhập mỗi tháng, họ vẫn ngỡ mình nằm mơ…

“Dị nhân” chặt phi lao trồng màu

Mãi tới hôm nay ông Hồ Văn Đước, xóm 6, xã Quỳnh Liên vẫn được mọi người trong xã gọi tên ông bằng một biệt danh lạ tai là “Đước khùng”. Cho dù cái sự “khùng” lúc đó đã khiến ông trở thành người đầu tiên trong xã sở hữu vườn màu bạc tỷ.

Năm 2000, khi không ít nông dân Quỳnh Liên đã bỏ nghề đánh cá, vào Nam, ra Bắc kiếm kế sinh nhai khiến đồng ruộng bỏ hoang nhiều vô kể. Có người xoay sang trồng màu nhưng cũng chỉ đủ kiếm sống qua ngày.

Lúc đó ông Đước đang làm nghề sửa chữa xe máy. Ngày ấy, sửa chữa xe máy là một nghề “hot”, mỗi tháng ông kiếm được 4-5 triệu đồng. Đủ sống, dư dật thế mà đùng một cái ông quyết định chuyển sang làm nông.

Nghe tin này nhiều người cho rằng cái đầu ông “có vấn đề” nên mới khùng như vậy. Sao lại thả mồi bắt bóng như thế?

Chuyện ông Đước xin thầu gần 1 ha đất bãi trồng phi lao để chuyển sang trồng màu bị mọi người phản đối kịch liệt. Nhiều cuộc họp lên, họp xuống, đơn thư "bay" đi khắp nơi tố ông “điên khùng” chặt phi lao để “lôi” cát biển tràn vào vùi lấp làng mạc.

“Chỉ vì chuyện này, nhiều cuộc họp diễn ra từ sáng đến chiều mà những cánh tay giơ lên xin phát biểu vẫn không ngớt. Khốn khổ mãi dân mới miễn cưỡng để ông Đước được phá bỏ phi lao chuyển sang trồng màu”, ông Nguyễn Văn Dũng, xóm trưởng xóm 6 chia sẻ.

Thầu được đất đã khó, nếu làm không ra môn ra khoai, không những mất cả chì lẫn chài mà ông còn bị cả làng chế nhạo. Ông Đước hiểu điều đó nhưng quyết không thay đổi ý định. Ông dồn hết vốn liếng gom góp được và vay thêm ngân hàng quyết chí làm giàu.

Đầu tiên, ông phá bỏ phi lao, chỉ để một dải sát biển chắn cát, còn lại tập trung vào việc cải tạo đồng cát, khoan giếng, lắp ống nước tưới, đổ cọc bê tông, căng dây lưới… trồng su su, mướp đắng, dưa hấu.

Dưới những giàn su su, gia đình ông Đước trồng củ cải, rau cải ngọt và các loại rau màu khác khi su su chưa khép tán.

Trời không phụ lòng người, mầm xanh của các loại rau màu phát triển nhanh đến ngỡ ngàng phủ kín hết cả bãi cát rộng mênh mông. Cả nhà ông hồi hộp chờ đợi thành quả như mong ngóng đứa con đầu lòng chào đời.

"Năm 2014, chứng kiến một năm thắng lợi lớn của nông dân Quỳnh Liên, có hộ trồng su su, mỗi ngày thu về 3 tấn quả với giá trị trên 20 triệu đồng.
Hầu hết sản phẩm đều được tư thương đến tận vườn thu mua, thuê đóng gói, bao bì để đưa ra các tỉnh phía Bắc và xuất sang Trung Quốc.
Bây giờ bình quân, trên 300 ha đất cát ở Quỳnh Liên đã đem về nguồn thu trên 300 tỷ đồng mỗi năm...”, ông Nguyễn Văn Thuyết.

Thật mừng, khi thấy những giàn su su trĩu quả lứa này sang lứa khác. Những vụ mùa cứ thế trôi qua trong thắng lợi. Bình quân, mỗi năm, gia đình ông thu trên 100 tấn su su, gần 20 tấn mướp đắng, 15 tấn củ cải, 10 tấn dưa hấu.

Sản phẩm làm ra đến đâu, tư thương đến vườn thu mua đến đó. Dù giá cả lên xuống thất thường nhưng chưa năm nào gia đình ông lỗ vốn, bình quân mỗi năm thu lãi ròng trên 300 triệu đồng.

Không chỉ thay đổi cuộc sống gia đình mình, ông Đước còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động tại địa phương.

Thành công từ mô hình SX màu của gia đình ông Đước đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách SX hàng hóa của nông dân Quỳnh Liên. Nhiều lao động xa quê đã lần lượt trở về, quyết noi gương ông “Đước khùng”, làm giàu trên chính quê mình.

Những vườn màu được đầu tư lớn, khoan giếng tận vườn, lắp hệ thống nước tưới tự động. Có những mô hình chỉ chuyên trồng hành các loại và cải ngọt cũng thu tiền tỷ mỗi năm.

Bà Hồ Thị Giang, một hộ chuyên trồng hành hoa tại xóm 6 cho biết, trong các loại cây màu thì hành hoa và cải ngọt là loại cây siêu lợi nhuận. Nếu trồng ngô trên đất cát, sau hơn 3 tháng thu hoạch chỉ cho 2 - 2,5 tạ/sào, đạt trên dưới 1,5 triệu đồng/vụ (3 triệu đồng/năm).

22-51-13_3
Mô hình trồng hành của bà Hồ Thị Giang

Nếu trồng hành hoa, sau 45 ngày sẽ thu về 1 tấn/sào, thu trên dưới 9 triệu đồng. Mỗi năm có thể trồng 7 lứa, trừ các chi phí, lãi ròng có thể lên tới 40 triệu đồng/sào (800 triệu đồng/năm).

Chưa kể, có những lúc hành được giá, mỗi sào có thể thu về trên dưới 20 triệu đồng/lứa (45 ngày).

Cái đáng mừng nhất là việc SX rau màu tạo ra công ăn việc làm ổn định cho các gia đình, sản phẩm làm ra được tư thương đến tận vườn đặt cọc trước. Vùng đất nghèo khó Quỳnh Liên xưa kia, nay đã xuất hiện nhiều ông chủ trẻ, dám nghĩ, dám làm, có xế hộp đậu trong nhà.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Liên cho biết thêm, từ năm 2000 đến nay, nông dân trong xã đã chuyển đổi thành công trên 200 ha đất lúa sang trồng màu, nâng tổng diện tích trồng màu lên trên 300 ha. Nhờ đó, đời sống của nhân dân đã ổn định.

Là một xã bãi ngang, có điểm xuất phát thấp nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 4%, thu nhập bình quân đầu người chỉ trong 8 năm đã tăng từ 2 triệu đồng lên 23 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm