| Hotline: 0983.970.780

Sốt giống lúa chịu mặn

Thứ Ba 28/08/2012 , 13:29 (GMT+7)

Do nền đất bị nhiễm mặn nên các giống có khả năng chịu mặn cao được nhiều nông dân lựa chọn để SX dẫn đến sốt giống...

Sau vụ nuôi tôm, nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang tất bật gieo cấy lại vụ lúa trên đất nuôi tôm. Do nền đất bị nhiễm mặn nên các giống có khả năng chịu mặn cao được nhiều nông dân lựa chọn để SX dẫn đến sốt giống...

Cung không đủ cầu

Tìm về những vùng SX theo mô hình tôm - lúa ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… vào thời điểm này, nhiều vuông tôm đã được xả hết nước mặn để chờ mưa xuống lấy nước rửa mặn. Những hộ còn nuôi thì đang đặt lú bắt những con tôm cuối cùng để sẵn sàng chuyển sang vụ lúa. Cỏ năn, cây đưng… là nơi trú ngụ của con tôm đã được nông dân dọn sạch chuẩn bị chỗ cho cây lúa.

Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết, đến thời điểm này nông dân đã gieo được hơn 800 ha mạ, để chuẩn bị đưa xuống cấy cho 25.000 ha đất nuôi tôm toàn huyện. Ngoài các giống lúa mùa đã được phục tráng như: Tép Hành, Một Bụi Đỏ… năm nay nông dân còn chọn các giống ngắn ngày có khả chịu mặn từ 4-6%o để đưa vào SX.

Lão nông Nguyễn Huy Thông ở xã Biển Bạch Đông, Thới Bình tâm sự: “Vùng đất này đã được chuyển dịch theo mô hình tôm - lúa cả chục năm nay, nên nền đất đã bị nhiễm mặn. Do đó, nông dân phải tìm các giống có khả năng chịu mặn để đưa vào SX, tránh bị thiệt hại. Tuy nhiên, do các giống có khả năng chịu mặn cao hiện còn rất hạn chế nên thường bị sốt giống, có khi phải đặt cọc trước đại lý mới cung cấp".


Nông dân chuẩn bị mạ để cấy trên nền đất nuôi tôm

Vụ lúa trên nền đất nuôi tôm có ý đặc biệt, vừa làm tăng thêm thu nhập cho nông dân vừa có tính cải tạo môi trường cho vụ tôm năm sau nên khó khăn mấy cũng phải kiếm cho được giống lúa chịu mặn để làm.

Tại các huyện vùng U Minh Thượng, nơi có diện tích SX theo mô hình tôm - lúa lớn nhất tỉnh Kiên Giang, nhiều hộ nông dân đã gieo mạ sẵn trên bờ, chờ khi mưa nhiều, ruộng được rửa mặn xong là đưa xuống cấy. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ chọn phương pháp gieo sạ trực tiếp với các giống lúa cao sản ngắn ngày.

Ông Lê Văn Hiển, ở xã Đông Hòa, An Minh cho biết: “Trước đây tui thường cấy lúa mùa trên 3 ha đất nuôi tôm của gia đình nhưng 2 năm nay đã chuyển sang làm giống ST5 (giống lúa do ngành nông nghiệp Sóc Trăng lai tạo). Làm lúa ngắn ngày có lợi thế là đỡ tốn công, chỉ cần rửa mặn, dọn sạch đất sau đó ngâm lúa rồi sạ là xong, không phải tốn 2-3 công đoạn như cấy lúa mùa. Ngoài khả năng chịu mặn tương đối, giống lúa này cho năng suất cao, gạo thơm ngon nên rất dễ bán. Tuy nhiên, không hiểu sao vụ này khó tìm mua lúa giống khó quá”.

Tuân thủ lịch thời vụ

Ngoài các giống lúa thuần, một số nông dân còn chọn giống lúa lai để gieo sạ như B-TE1, PAC 807, HR 182… Đây là những giống có khả năng chịu mặn khá, sinh trưởng mạnh, thích nghi tốt trên nền đất nuôi tôm. Anh Trọng, chủ đại lý chuyên cung cấp lúa giống ở huyện U Minh Thượng, Kiên Giang cho biết, ngày càng có nhiều nông dân chọn các giống lúa thuần ngắn ngày hoặc giống lúa lai có khả năng chịu mặn để SX trên nền đất nuôi tôm thay cho các giống lúa mùa địa phương.

Do đó, đã có hiện tượng sốt giống do nguồn cung không đủ. Chẳng hạn, giống ST5 đại lý của anh Trọng cả tháng nay không có hàng để bán, do nguồn giống dự trữ đã hết. Liên hệ bên Sóc Trăng thì họ cho biết phải chờ vì lúc này mới vào thời điểm thu hoạch.

Các giống đang được khuyến cáo nông dân sử dụng như: Rẻ Hành, Một Bụi Đỏ, Tài Nguyên, Lùn Minh Hải… hoặc các giống ngắn ngày, chất lượng cao, kháng rầy, chịu mặn như: GKG 1, OM 2517, OM 2717, AS 996, OMCS 2000, OM 1940, ST5, các giống lúa lai…

Dự kiến vụ mùa năm nay toàn tỉnh Kiên Giang sẽ gieo cấy 65.850 ha lúa, trong đó nhiều nhất là huyện An Minh với 31.000 ha, Vĩnh Thuận 14.500 ha…

Ông Nguyễn Trung Tiền, GĐ Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, từ nhiều năm qua trung tâm đã tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống có khả năng chịu mặn cao để phục vụ nhu cầu SX trên nền đất nuôi tôm của bà con nông dân. Hiện giống GKG 1 do trung tâm chọn tạo có khả năng chịu mặn trên 4 phần nghìn đang được nhiều nông dân lựa chọn đưa vào SX, mang lại hiệu quả cao. Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những giống lúa có khả năng chịu mặn cao hơn, chất lượng gạo thơm ngon nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân trong những năm tới.

Để SX thắng lợi vùa mùa 2012-2013 trên nền đất nuôi tôm, Sở NN-PTNT Kiên Giang khuyến cáo nông dân nên tuân thủ lịch thời vụ, sau khi thu hoạch tôm cần thực hiện triệt để các biện pháp ngâm rửa mặn tối thiểu khoảng 1 tháng. Tận dụng nước mưa, nước ngọt trên kênh rạch để bơm tháo nước 2-3 lần trước khi xuống giống. Nên chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa mùa địa phương có thời gian sinh trưởng dài ngày, năng suất, chất lượng thấp, nhiễm sâu bệnh nặng sang các giống trung mùa đặc sản hoặc các giống cao sản ngắn ngày, có tính thích nghi rộng, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt…

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất