| Hotline: 0983.970.780

Sốt ruột sửa đổi Luật Đầu tư!

Thứ Ba 12/08/2014 , 09:41 (GMT+7)

Ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. 

Dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt chưa làm rõ các ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà đây lại là nội dung quan trọng, là “linh hồn” của Luật…

Thiếu hợp tác

"Danh mục cấm đầu tư là vấn đề lớn, trọng tâm của Luật nhưng đến tận phiên họp này vì sao vẫn chưa có?", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện sốt ruột chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Đây cũng là băn khoăn của đa số các đại biểu khác khi cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh tinh thần công dân được tự do kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm, vậy nên ông đề nghị ngành nào cấm đầu tư phải ghi ngay vào Luật. “Giờ dự thảo lẽ ra phải có danh mục cấm này rồi mà chưa làm kịp, nhất thiết trong tháng 9 phải có”, Phó Chủ tịch QH yêu cầu.

Giải đáp vấn đề này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện hiện vẫn đang chờ các cơ quan liên quan tiến hành rà soát. Bên cạnh đó, danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng giao Chính phủ rà soát, tập hợp và công bố sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Về điều kiện đầu tư kinh doanh đúng là cần phải có danh mục cụ thể để trình từ hôm nay nhưng vì lĩnh vực này quá phức tạp. Chúng tôi đã phải tự rà soát 51 ngành nghề cấm, và 338 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cố gắng để trình trong kì họp Quốc hội tới".

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc giải thích vẫn đang chờ tập hợp ngành nghề cấm đầu tư là không thỏa đáng bởi nếu cứ trình dự thảo mà không có danh mục kèm theo thì các ĐBQH cũng sẽ không đồng tình. “Theo tôi ngành nghề cấm thì luật hóa ngay không phải chờ. Còn ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đưa vào danh mục nhưng cũng cần phải có danh mục ngay khi trình trước các đại biểu QH”.

Thừa nhận sự chậm trễ trong tập hợp danh mục cấm đầu tư, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định là đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành rà soát các ngành nghề cấm đầu tư và cũng đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, tuy nhiên cho đến thời điểm này mới nhận được văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ.

Còn các Bộ khác thì: “Chờ mãi không có Bộ nào trả lời mà Bộ KH-ĐT thì không thể tự đưa ra danh mục cấm”.

Luật sơ hở, doanh nghiệp lách

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: "Những loại ngành nghề kinh doanh cần điều kiện phải quy định rõ ngành nghề nào là có điều kiện và những điều kiện đó gồm những gì. Có như vậy nhà đầu tư họ mới biết họ có đủ điều kiện hay không để xác định đầu tư".

Quan tâm đến quy định ưu đãi đầu tư cho vùng nông thôn và vùng đặc biệt khó khăn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Kso Phước cho rằng dự thảo Luật cần lấy mục tiêu phát triển KT-XH làm trọng tâm.

Vừa qua Hội đồng Dân tộc có đi giám sát ưu đãi đầu tư tại các địa bàn khó khăn và thấy điều 15 của dự thảo Luật chưa đáp ứng được thực tiễn. Các vùng khó khăn người ta đầu tư chủ yếu khai thác khoáng sản, lâm sản, thủy điện, trồng cây công nghiệp… nhưng đi làm cả 18 tỉnh thì thấy chưa đạt.

Mục tiêu lợi ích của doanh nghiệp thì đạt được nhưng mục tiêu giải quyết lao động tại chỗ là chưa đạt, lợi ích thu ngân sách về cho nhà nước cực kì thấp, như vậy là trong 3 lợi ích chỉ lợi ích cá nhân là đạt. Lấy ví dụ về đầu tư nông nghiệp ở Tây Bắc, ông cho biết nhiều doanh nghiệp lên trồng cà phê, cao su lấy rất nhiều đất nhưng chưa thu hút được lao động địa phương.

“Không thể giao đất mà không tạo việc làm cho lao động. Ưu đãi không phải là ưu đãi cho tất cả các ngành nghề đầu tư. Đây là sơ hở của Luật. Trong lĩnh vực khoáng sản chẳng hạn, ở các nước khi đầu tư khoáng sản thì lợi nhuận 100% phải chia 50% cho vùng khai thác được để người dân địa phương hưởng lợi”, ông Phước gợi ý.

Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng không tán thành tiêu chí ưu đãi đầu tư vào nông thôn mà dự thảo đặt ra. “Ở đây ghi sử dụng 1.000 lao động trở lên thì chỉ có dệt may. Nhiều địa phương đang hạn chế đầu tư công nghệ thấp, khuyến khích phát triển đầu tư công nghệ cao. Theo tôi, cần ưu đãi theo ngành nghề trọng tâm”, ông Phúc bày tỏ.

Còn theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, dự thảo Luật còn thiếu hẳn việc hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh hứa sẽ chỉnh sửa những điểm tồn tại trong dự thảo Luật, bên cạnh đó ông cũng khẳng định chính sách ưu đãi trong dự thảo Luật được đưa ra trên những nguyên tắc nhất quán như “việc khai thác tài nguyên khoáng sản hay tất cả những gì bị đánh thuế đặc biệt là nguyên tắc không ưu đãi”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất