| Hotline: 0983.970.780

SRI giúp dân xoá đói giảm nghèo

Thứ Ba 24/09/2013 , 09:52 (GMT+7)

Mô hình SX theo hệ thống cải tiến SRI kết hợp bón phân viên nén dúi sâu trên giống lúa ZZD001 là giải pháp tối ưu nhất giúp người trồng lúa vùng cao xoá đói giảm nghèo.

Miền xuôi thâm canh lúa bằng cơ giới hoá đồng bộ, nhưng với huyện Bá Thước (Thanh Hoá) đặc thù ruộng bậc thang nên mô hình SX theo hệ thống cải tiến SRI kết hợp bón phân viên nén dúi sâu trên giống lúa ZZD001 là giải pháp tối ưu nhất giúp bà con xoá đói giảm nghèo.

Bá Thước là huyện miền núi vùng sâu, vùng xa phía Tây xứ Thanh, có tổng diện tích đất SXNN hơn 15 nghìn ha; trong đó đất lúa 2 vụ 2.200 ha.

Với đặc thù SX trên ruộng bậc thang nên vụ HT, mùa 2013, địa phương xây dựng mô hình cải tiến SRI (hệ thống thâm canh lúa sinh thái) kết hợp bón phân viên nén dúi sâu trên giống lúa siêu năng suất ZZD001 do Cty CP Giống cây trồng Thanh Hoá cung ứng (mô hình SRI).

Sau hơn 3 tháng chăm sóc, tất cả các ruộng lúa áp dụng SRI đều vượt trội hơn hẳn diện tích SX truyền thống cả về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Chị Lê Thị Nguyệt, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Bá Thước, người trực tiếp cầm tay chỉ việc cho nông dân cho biết: Sau khi UBND huyện phối hợp với Cty CP Giống cây trồng Thanh Hoá thống nhất chủ trương xây dựng mô hình, chúng tôi triển khai tập huấn cho 30 hộ dân thôn Tôm, xã Ban Công thực hiện trên diện tích 4 ha (trong đó 2 ha đối chứng).

“Ban đầu vì nhiều người dân vốn quen với phương thức SX truyền thống, chưa tin tưởng vào giống lúa mới ZZD001 nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn bản nên người dân đồng thuận thực hiện theo quy trình. Nay kết quả được khẳng định bằng một vụ mùa bội thu”, chị Nguyệt nói.

Là một trong những hộ dân tham gia mô hình tích cực nhất, chị Lương Thị Lưu, thôn Tôm, xã Ban Công phấn khởi: “Trước đây dân bản cấy lúa theo cách cũ năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 3 tạ/sào. Nay nhà ta làm theo mô hình SRI kết hợp giống lúa lai siêu năng suất ZZD001, chắc chắn thu hoạch phải cao gần gấp đôi (khoảng 5,7 tạ/sào)”.

Theo chị Lương, đầu mùa vụ các cán bộ hướng dẫn bà con cấy mạ non, cấy hàng rộng, hàng hẹp lại thưa cây, ít dảnh nên ai cũng hoài nghi, lo sợ mất mùa. Nhưng sau khi cán bộ cam kết sẽ chịu trách nhiệm đền bù cho dân nếu mất mùa nên bà con đồng ý làm theo.

Quá trình chăm sóc, theo dõi cho thấy lúa đẻ nhánh rất khoẻ, chống chịu tốt với bạc lá, rầy nâu nên hạn chế tối đa việc phun thuốc BVTV.

Cùng chung niềm vui được mùa với chị Lương, bà Lương Thị Cháy, cùng thôn, đứng bên ruộng lúa nặng trĩu bông, nói: “Năm nay ta có 3 sào ruộng cấy giống ZZD001 theo mô hình SRI kết hợp bón phân nén dúi sâu. Tuy chưa gặt nhưng nhìn bông nào cũng to và dài nên có lẽ mỗi sào phải được 5,5 tạ, cao hơn vụ HT năm ngoái 2,5 tạ/sào. Ta chưa thấy giống lúa lai nào năng suất cao như giống ZZD001”.


Bà Lương Thị Cháy với niềm vui được mùa

Bà Cháy so sánh thêm phương thức SX truyền thống với thâm canh SRI kết hợp giống lúa lai ZZD001: "Cấy theo mô hình SRI giảm được lượng giống (từ 2 kg uống 0,6 kg); giảm lượng phân bón; số lần phun thuốc BVTV và số lần lấy nước vào ruộng…nhưng năng suất tăng bình quân 1,3 tạ/sào/cùng một giống".

Ông Lê Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước nói: “Trước tiên phải khẳng định mô hình thâm canh lúa sinh thái SRI kết hợp phân nén dúi sâu là một mô hình mới áp dụng trên địa bàn Bá Thước.

Tuy nông dân chưa thực sự nắm vững quy trình kỹ thuật nhưng mô hình đã thành công ngoài mong đợi, đáp ứng được mục đích “5 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, lượng phân đạm bón thừa trên đồng ruộng, giảm số lần bơm nước, số lần phun thuốc trừ sâu, giảm khí phát thải nhà kính; tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm).

Không những thế, khi gieo cấy giống lúa ZZD001 cho thấy đây là giống lúa lai năng suất cao nhất từ trước đến nay Bá Thước đưa vào SX, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giúp nông dân xoá đói, giảm nghèo hiệu quả”.

Được biết, Bá Thước đã xây dựng đề án nhân rộng mô hình SRI trên địa bàn toàn huyện. Theo đó, vụ ĐX và HT, mùa 2014 toàn huyện cơ cấu SX 70% diện tích theo mô hình SRI kết hợp phân nén dúi sâu, tương đương 600/2.200 ha (vụ ĐX), 2.100/3.000 ha (vụ HT). Diện tích SX giống ZZD001 khoảng 30%, tập trung ở các xã Điền Lư, Điền Trung, Điền Quang, Thiết Ống, Lũng Nghiêm, Ban Công…

“Mặc dù rất nhiều địa phương khác trong tỉnh mất mùa do sâu bệnh, thiên tai nhưng vụ HT năm nay Bá Thước được mùa toàn diện. Năng suất lúa bình quân 50 tạ/ha, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 34 nghìn tấn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Thuận phấn khởi.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.