| Hotline: 0983.970.780

"Sự bày đặt của cảnh sát điều tra"

Thứ Năm 21/10/2010 , 12:10 (GMT+7)

Đó là lời khẳng định của luật sư Phạm Hồng Hải, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Trường Đại, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đức Thuận...

Ao Cầu Nẩy, nơi xẩy ra vụ án
Đó là lời khẳng định của luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Trường Đại, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đức Thuận tại phiên tòa phúc thẩm (lần 2).

>> Viện ''cãi'' toà, dân kẹt giữa
>> Có bàn tay can thiệp
>> Những vụ án ''gà mắc tóc''

Lời khẳng định trên là hoàn toàn có căn cứ. Bởi ngay từ đầu, đã thấy có sự thiếu minh bạch của những điều tra viên (ĐTV). Cũng như vụ án “cố ý gây thương tích” ở Vân Côn, trong quá trình điều tra vụ án này, các ĐTV cũng sử dụng toàn lời khai của các nhân chứng là những người tham gia cướp ao Cầu Nẩy. Kẻ cướp làm nhân chứng cho kẻ cướp, đó có lẽ là điều chưa từng thấy ở bất cứ vụ án nào, ngoài 2 vụ án trên.

Tuy nhiên, những nhân chứng trên đã tự bộc lộ sự gian dối của mình trong các bản khai tại cơ quan điều tra và lời khai tại tòa. Họ mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với chính mình, như nhân chứng Nguyễn Văn Sỹ lúc thì khai có thấy đánh nhau nhưng không ai bị thương, lúc lại khai thấy Đại rút trong túi áo ra “một vật gì đó đen đen, vàng vàng, vẩy tới tấp vào Phạm Văn Dũng và tôi”, lúc khác lại khẳng định “thấy một người rút trong túi ra một vật màu trắng”.

Cái vật “đen đen, vàng vàng” đó được cơ quan điều tra cho là khẩu súng nhựa (nhưng lại không thu được khẩu súng đó), và Kết luận điều tra (KLĐT) nêu chính Nguyễn Trường Đại đã dùng khẩu súng nhựa đó chứa axít rồi bắn vào mặt Phạm Văn Dũng, khiến Dũng bị thương ở mắt, giảm thị lực tới 66,8% và áo Nguyễn Văn Sỹ cũng bị dính axít. Chỉ có điều 3 tháng sau khi vụ án xẩy ra, Dũng mới được đưa đi giám định và gần một năm sau những “vật chứng” như cái áo của Phạm Văn Dũng và áo của Nguyễn Văn Sỹ mới được gửi đi giám định để “củng cố hồ sơ".

Axít dính trên 2 chiếc áo mang đI giám định là axít sunphurich đậm đặc, còn axít “đựng trong súng nhựa” mà các bị cáo dùng để phun vào mặt Phạm Văn Dũng theo cáo buộc của cáo trạng lại được kết luận điều tra cho là mua ở cửa hàng Hoa Bốn, là thứ axít dùng đổ bình ắc quy xe máy chỉ có nồng độ 1,28%. Một luật sư đã dùng bình axít loại đó đổ luôn vào tay mình nhưng tay ông không hề hấn gì.

Trước câu hỏi của luật sư Phạm Hồng Hải “Ngay hôm xẩy ra sự việc, ai xác định được Phạm Văn Dũng, Nguyễn Văn Sỹ mặc chiếc áo gửi đi giám định?”, đại diện VKSND tỉnh Hà Tây (cũ) giữ quyền công tố tại tòa đã không trả lời được. Bản thân Dũng là người bị hại cũng khai lung tung, lúc khai bị Đại, Nhân, Thuận đuổi đánh và tạt axít vào mặt, lúc khai bị Nhân và Thuận cầm súng phun axít vào mặt, lúc khác lại khai Đại vừa đuổi theo anh ta, vừa rút trong túi quần ra lọ axít màu trắng, tay trái giật lớp vỏ bọc lọ axít bằng ni lông ra, vẩy vào mặt anh ta, lúc khác nữa lại khai chưa bao giờ Nguyễn Trường Đại dùng súng bắn axít vào anh ta.

Bị giảm thị lực tới 66,8% nhưng ở nhà, anh ta vẫn làm nghề hàn xì ôxy - axêtylen rất bình thường (các nhà báo đã quay được nhiều thước phim khi anh ta đang hàn), người mắt tinh làm nghề này đã khó, nói gì người giảm tới 66,8% thị lực. Ra tòa, anh ta đeo kính đen và nhờ hai người dìu đi, khi các luật sư yêu cầu anh ta bỏ kính để kiểm tra tại chỗ, anh ta kiên quyết không bỏ, tuyên bố không nhìn thấy gì hết, nhưng khi phóng viên đứng cách xa hàng chục mét giơ máy ảnh toan chụp thì lập tức anh ta quát lên “không được chụp ảnh tôi”, nghĩa là anh ta hoàn toàn tinh tường.

Một điều cần nói nữa là, hồ sơ vụ án này bị sửa chữa khá nhiều, có tới trên 30 bút lục bị sửa chữa mà không có những chữ ký theo quy định của pháp luật. Với một hồ sơ như vậy, kết hợp với kết quả xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX phiên tòa phúc thẩm (lần 1) đã đi đến nhận định “không đủ căn cứ để xác định Đại, Thuận, Nhân có mặt ở ao Cầu Nẩy sáng ngày 15/2/2004”. Nhận định đó cũng có nghĩa là Tòa đã đồng ý với nhận định của luật sư "sự thực, vụ án chỉ là sự bày đặt của cơ quan điều tra".
Biên bản giám định pháp y ghi Phạm Văn Dũng cao 1,58 mét, nhưng thực tế anh ta thấp hơn nhiều. Khi tòa giải lao, một nữ phóng viên có chiều cao đúng 1,58 mét đã cố ý đứng sát vào anh ta, ai nấy đều nhìn rõ anh ta thấp hơn hẳn, chỉ vào quãng 1,52 mét là cùng. Điều này khiến các luật sư đặt vấn đề, người được cơ quan điều tra đưa đi giám định không phải là Phạm Văn Dũng mà là người khác, yêu cầu của các luật sư buộc Dũng bước ra để tiến hành đo chiều cao ngay tại tòa đã không được HĐXX chấp nhận.

Còn Phạm Văn Hùng khai bị Đại, Nhân, Thuận cầm gậy, cầm tuýp sắt, cầm kiếm đánh vào lưng, vào chân nhưng vết thương của anh ta lại… ở đầu. Nhân chứng Nguyễn Thị Hương, cháu gọi Hùng bằng cậu ruột, người tham gia rất tích cực trong vụ cướp ao Cầu Nẩy, người bị tố cáo là đã tham gia đập phá tài sản gia đình bà Nguyễn Thị Minh Đức vào sáng ngày 15/2/2004, lúc thì khai đã nhìn thấy Đại, Nhân, Thuận đánh Phạm Văn Hùng ở vị trí cách đó 600 mét, lúc lại khai nhìn thấy ở vị trí cách 60 mét, rồi lúc khác lại là 6 mét.

Tại tòa, cả ba bị cáo đều tố cáo các điều tra viên đã đánh đập, ép cung họ bằng những hình thức rất dã man như dùng dùi cui điện dí vào chỗ kín… Nguyễn Văn Nhân còn viết vào bản cung rằng mình đã bị đánh đập để buộc phải nhận tội trước khi ký. Một Kiểm sát viên của VKSND tỉnh Hà Tây (cũ), khi đến trại tạm giam kiểm sát giam giữ, phát hiện 3 thanh niên trên bị các ĐTV đánh đập, đã xác nhận với gia đình họ, và gia đình họ đã ghi âm để làm chứng cứ. Nhưng tại tòa, khi luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đại, Thuận, Nhân vừa công bố đĩa ghi âm trên thì…mất điện, HĐXX “chẳng nghe thấy gì sất”, luật sư đành ký tên vào mặt đĩa, giao nộp cho HĐXX, ngay sau lúc đó, điện lại có bình thường và không biết đến bây giờ, cái đĩa ấy lưu lạc nơi đâu. (Còn nữa)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.