| Hotline: 0983.970.780

Sự cố đê kè, nhiều nhà hư hỏng

Thứ Hai 24/12/2018 , 15:05 (GMT+7)

Dự án xử lý cấp bách chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tại vị trí từ K24+00 đến K24+800 xã Đông Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội đang thi công thì gặp sự cố trụt sạt mái kè, khiến hơn 10 ngôi nhà của người dân thôn Cao Cương bị thiệt hại.

Nhà nứt toác, tường bao đổ sập

Các hộ dân sống ở sát bờ hữu sông Hồng từ vị trí K24+00 đến K24+600 đang nơm nớp lo sợ vì ngôi nhà của mình có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Do tầng địa chất yếu, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Xuân (63 tuổi) xé toạc ở vị trí tiếp giáp giữa phòng ở và công trình phụ. Từ khoảng tháng 6/2018, một vệt nứt dài khoảng 5m, miệng há 10 – 13 cm đã xuất hiện ở vị trí tiếp giáp giữa móng nhà và lối đi vào bếp, tạo thành một rãnh sâu khoảng 80 – 90cm. Mái fibroximăng của gian nhà vệ sinh, nhà bếp sát nhà vệ sinh cũng bị hư hỏng, không thể sử dụng.

07-58-01_ke-1
Ngôi nhà ông Sáng tường bị đổ, nghiêng nhà vì sự cố dự án kè

Ngay sát vách, nhà ông Vũ Văn Sáng không dám tiếp tục ở trong ngôi nhà tầng khang trang bề thế của mình sát chân kè. Bởi cách đây vài tháng, bức tường bao kiên cố của gia đình ông bỗng dưng đổ ập xuống, đất đá bị sụt ra phía sông khiến ngôi nhà bị nghiêng nhẹ. Ông Sáng đã lên UBND huyện yêu cầu chính quyền xuống kiểm tra, lập biên bản hiện trạng công trình và đề nghị được hỗ trợ, bồi thường hiệt hại. Kết quả, gia đình ông Sáng được đền bù hơn 200 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà 3 tầng, ông Nguyễn Ngọc Kính (68 tuổi) đếm được 34 vết rịa nứt tường đã được cơ quan nhà nước kiểm tra và đánh dấu. Phía bên ngoài, vị trí tiếp giáp giữa móng nhà và sân cũng xuất hiện một rãnh sâu, rộng hơn 10cm. “Những vết nứt này bắt đầu xuất hiện kể từ khi nhà nước triển khai giải phóng mặt bằng, thi công tuyến kè bờ hữ sông Hồng. Tôi chẳng biết ngôi nhà này sẽ cầm cự được bao lâu, gia đình tôi cảm thấy rất bất an”, ông Kính nói.
 

Vì sao?

Sự nóng ruột và bức xúc của các hộ dân ở thôn Cao Cương sống sát bờ hữu sông Hồng càng tăng lên cao, khi từ tháng 7/2018, dự án kè “án binh bất động”. Thậm chí, càng ngày tuyến kè này càng xuất hiện những vị trí hư hỏng, sạt trượt và nứt gãy. Ông Nguyễn Văn Thái, một trong những hộ dân bị thiệt hại đổ sập chuồng lợn do biến động địa chất trong quá trình thi công kè, cho biết: Đáng lẽ, ở công trình kè quan trọng như thế này, phải sử dụng đất đỏ, đất đồi để gia cố nền và lu lèn cẩn thận. Nhưng đơn vị thi công sử dụng đất đen, đất thịt tận dụng tại chỗ, múc chỗ nọ đổ vào chỗ kia. Bên cạnh đó, người dân còn chứng kiến rác, gốc cây được vùi lấp ở dưới trong quá trình thi công kè, rất khó để đảm bảo chất lượng.

Ông Công cũng ở trong thôn cho biết, do bị sụt lún mái kè, đơn vị thi công đã phải hạ tải kè bằng cách dỡ bỏ đá hộc trên các ô mái kè. Nhiều điểm dầm kè đã bị uống cong về phía sông Hồng, thậm chí có đoạn đã bị nứt, gãy.

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự cố của tuyến kè dài 800m, với tổng kinh phí đầu tư 26 tỷ đồng, chúng tôi tìm đến Phòng Kinh tế huyện Ba Vì (chủ đầu tư dự án). Theo ông Hứa Bá Trình – Phó phòng Kinh tế huyện Ba Vì: Từ tháng 7/2018, tuyến kè bờ hữu sông Hồng bắt đầu gặp sự cố trụt sạt một số đoạn mái kè làm ảnh hưởng đến một số hộ dân, UBND huyện Ba Vì đã báo cáo Sở NN-PTNT và UBND Thành phố, đồng thời yêu cầu nhà thầu thi công dừng lại toàn bộ hoạt động trên công trường để kiểm tra, tìm nguyên nhân, phương án giải quyết tận gốc sự cố, đảm bảo công trình ổn định bền vững.

07-58-01_ke-3
Điểm tiếp giáp giữa móng nhà và sân nhà ông Kính xuất hiện rãnh nứt toác hơn 10cm

Để đánh giá tổng thể về các yếu tố địa hình, địa chất cũng như chất lượng công trình, chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn kiểm định độc lập là Viện Kỹ thuật công trình (Đại học Thuỷ lợi) vào cuộc. Theo kết quả kiểm định, nguyên nhân chính, chủ yếu, khách quan là do lòng sông tại chân kè bị xói sâu hơn nhiều so với thời điểm thiết kế (từ năm 2009 đến tháng 2/2017 cao độ đáy sông khu vực chân kè bị xói sâu khoảng 5 – 6m; riêng từ tháng 7/2017 đến này 4/8/2018 bị xói khoảng 1,3 – 2m). Do thời tiết mưa kéo dài làm suy giảm khả năng chịu tải của đất bờ sông, kết hợp với các hồ chứa thuỷ điện ở thượng nguồn xả lũ nên mực nước sông dâng cao. Có thời điểm mực nước sông Hồng dâng gần ngập đỉnh kè, sau đó rút nhanh nên đã gây ra sự cố.

Bên cạnh đó, Viện Kỹ thuật công trình cũng nhận định: Còn có một số yếu tố chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện làm ảnh hưởng một phần đến sự cố như: Trong quá trình thi công, thiết bị và máy thi công di chuyển trên đỉnh kè làm gia tăng áp lực lên công trình. Biện pháp tổ chức thi công với chiều dài thi công bất lợi; chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly nước mặt, nước thải sinh hoạt, nước chăn nuôi dọc theo tuyến kè trên công trường. Đơn vị tư vấn giám sát chưa tham mưu, tư vấn cho chủ đầu tư đầy đủ công tác giám sát tác giả, không tư vấn cho chủ đầu tư khảo sát lại địa hình lòng sông trước khi thi công.
 

Sẽ giải quyết quyền lợi của người dân

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu về việc kiểm tra, ngày 14/9/2018, liên Sở NN-PTNT, Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính cùng đơn vị liên quan đã đi kiểm tra, đánh giá nguyên nhân sự cố công trình. Sau khi kiểm tra, đánh giá, liên sở đã đề nghị thành phố cho phép bổ sung thả đá lăng thể hộ chân kè trên toàn tuyến nhằm giữ ổn định công trình, khối lượng đá lăng thể khoảng 32.000m3. Sau khi thực hiện gia cố chân kè bằng lăng thể đá hộc, tiếp tục triển khai thi công tiếp phần mái kè để tránh tình trạng sạt trượt chân kè gây mất ổn định công trình.

07-58-01_ke-4
Khi xảy ra sự cố sạt trượt chân kè, gãy khung bên tông, nhà thầu thi công phải dỡ bỏ lăng thể đá hộc để hạ tải

Đối với những vị trí chưa thi công nhưng xuất hiện cung trượt, cần tiến hành xử lý ổn định các cung trượt, sau đó gia công gia cố mái kè. Đặc biệt, tại những vị trí đã thi công bị sự cố, đơn vị thi công phải tháo dỡ phần mái đã thi công trên các đơn nguyên đã bị trượt mái, gẫy khung bê tông. Xử lý đắp lại các cung trượt đảm bảo ổn định, đổ lại các khung bê tông và lát lại mái đá theo thiết kế. Phần khối lượng này do nhà thầu tự khắc phục, làm lại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo ổn định công trình.

Trả lời thắc mắc của các hộ dân thôn Cao Cương vì sao đơn vị thi công không đổ đất đỏ, đất đồi để đảm bảo nền kè mà sử dụng đất đen, đất thịt? Ông Hứa Bá Trình cho biết, đó không phải là lỗi của đơn vị thi công mà là do chủ trương của thành phố, tận dụng nguồn nguyên vật liệu đất tại chỗ để tiết giảm kinh phí đầu tư.

Đối với bức xúc của những hộ dân bị thiệt hại tài sản, nhà cửa vì sự cố của tuyến kè, ông Hứa Bá Trình khẳng định: Chúng tôi đã thành lập tổ đánh giá thiệt hại để thống kê chi tiết thiệt hại của từng hộ dân. Những hộ dân bị thiệt hại thì sẽ được hỗ trợ để bà con xây lại công trình như ban đầu. Nhưng trước mắt, chúng tôi phải làm đồng bộ, vừa thống kê, lên phương án bồi thường hỗ trợ, vừa hỗ trợ di chuyển bà con đến chỗ ở an toàn. Dự kiến, trong tuần tới (tức tuần vừa qua), UBND huyện Ba Vì có buổi trao đổi với các hộ dân để họ giảm bớt bức xúc. Đồng thời thống nhất để phê duyệt phương án, hoàn thành xử lý trước mùa mưa 2019.

Cũng theo ông Hứa Bá Trình, sau khi xảy ra sự cố, UBND huyện Ba Vì đã triển khai khắc phục sự cố, báo cáo UBND thành phố và Sở NN-PTNT chỉ đạo xử lý. UBND huyện Ba Vì đã di chuyển 2 hộ dân trong vùng ảnh hưởng nguy hiểm đến nơi an toàn, chỉ đạo nhà thầu thực hiện các biện pháp cách ly nước mặt, hạ tải mái kè, bờ sông. Đồng thời chỉ đạo nhà thầu thả bổ sung đá lăng thể hộ chân kè trên toàn tuyến được 16.700m3 theo kiến nghị của đơn vị kiểm định độc lập. Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan, sau khi thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, đến nay tuyến kè cơ bản đã ổn định, không có diễn biến nguy hiểm mới phát sinh.

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất