| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng đất không hiệu quả, nợ thuế bạc tỉ, nay lại 'tranh giành' đất với dân!

Thứ Năm 11/08/2016 , 10:31 (GMT+7)

Gần 50 hộ dân ở thôn Lâm Nghiệp Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi quê hương thứ hai của mình khi Cty Lâm nghiệp Lập Thạch có ý tưởng lập khu tái định cư mới buộc người dân phải trả lại đất...

Gần 50 hộ dân ở thôn Lâm Nghiệp Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi quê hương thứ hai của mình khi Cty Lâm nghiệp Lập Thạch có ý tưởng lập khu tái định cư mới buộc người dân phải trả lại đất nơi mà gia đình họ đã sinh sống trải qua 4 thế hệ.

 

Ba đời ở trên đất mượn

Theo ông Nguyễn Trọng Loan, 64 tuổi, ở thôn Lâm Nghiệp Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, một cán bộ cũ của Lâm trường Lập Thạch, thì đa số những hộ dân trong thôn đều là cán bộ hoặc con, em, cháu của cán bộ lâm trường, những người trước đây nghe theo tiếng gọi của Nhà nước, bỏ phố xá, bỏ thành thị để về nơi rừng thiêng nước độc này lập làng, phục vụ sản xuất.

Ông Loan cũng thuộc nhóm 20 hộ dân đầu tiên được Ty Lâm nghiệp Vĩnh Phú cũ (nay là Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) vận động nên đã ở đây từ những năm 70 của thế kỉ trước.

Thời đó, vùng đất này hoang vu còn không có đường, muốn ra đến trung tâm xã phải đi bộ len lỏi theo các lối mòn cũng mất nửa ngày đường. Trải qua mấy chục năm, đời sống các hộ ở thôn Lâm Nghiệp Vĩnh Ninh luôn thua thiệt hơn nhiều so với người dân làng khác thuộc xã Đạo Trù. Vì đường sá không thuận tiện, làng ở xa, con trẻ đi học thì vất vả, có làm ra con lợn, con gà hay trồng được bắp ngô cũng khó bán, thương lái ép bằng nửa giá thị trường.

Nói ra sự thật có thể còn khó tin vì Vĩnh Phúc là tỉnh phát triển công nghiệp mạnh mẽ, tỉnh cũng dành ngân sách đầu tư hạ tầng nông thôn cũng nhiều, vậy nhưng riêng thôn Lâm Nghiệp Vĩnh Ninh lại gần như bị “bỏ rơi”. Bởi tuy được gọi là thôn nhưng các hộ dân nơi đây vẫn không thực sự được công nhận là thôn.

Mảnh đất họ đang ở 40-50 năm qua theo sổ sách thì vẫn là đất của Lâm trường Lập Thạch (nay là Cty Lâm nghiệp Lập Thạch) vậy nên chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc đã không đến với những hộ dân ở trên đất mượn. Đến tận năm 2000, tức là phải bước sang thế kỉ 21, người dân trong thôn mới được biết đến ánh sáng điện thông qua việc dùng máy thủy điện. Và tận hôm nay, điện lưới vẫn chưa về đến thôn Lâm Nghiệp Vĩnh Ninh..

Cuộc sống khó khăn là thế nhưng tính đến nay, gia đình ông Trần Quốc Vệ đã gắn bó với thôn Lâm nghiệp Vĩnh Ninh đã tròn 51 năm. Sinh năm 1962, năm ông Vệ lên 3 tuổi thì theo bố mẹ rời quê hương Thái Bình về đây sinh sống. Năm 1983, ông Vệ lấy vợ và tách ra ở riêng. Giờ con của ông cũng lập gia đình và sinh con đẻ cái trên mảnh đất này. 

Tuy rằng sổ sách, giấy tờ thì vùng đất này vẫn thuộc phần đất Nhà nước giao cho Cty Lâm nghiệp Lập Thạch quản lý nhưng mấy chục năm qua đất thấm đẫm mồ hôi của cả 3 thế hệ gia đình ông Vệ, hơn nữa từ nhưng năm 89-90 (TK XX)  chính ông mới là người nộp tiền thuế đất hàng năm cho Nhà nước chứ không phải là Cty lâm nghiệp Lập Thạch.

Vậy nên, xét về tình, về lý thì Cty Lâm nghiệp Lập Thạch đã bỏ hoang đất nhiều năm, các thế hệ giám đốc trước không hề có mối quan hệ đầu tư với mảnh đất này, không thể chỉ dựa vào một quyết định giao đất từ vài chục năm trước để đẩy các hộ dân ra khỏi nhà của họ.

“Trước Lâm trường mời chúng tôi lên đây. Sau một thời gian dài bỏ bê không quan tâm gì đến, giờ quay lại đòi quản lý đất đai nhà cửa của chúng tôi thì không đúng. Đất đai thì phải thuộc quản lý của Nhà nước, chúng tôi sử dụng đất thì đã có nộp thuế cho Nhà nước chứ không phải lấn chiếm của Cty, chúng tôi không chấp nhận nộp thuế sử dụng đất cho Cty” ông Vệ nói.

 

Sử dụng đất không hiệu quả, nợ thuế bạc tỉ

Tìm hiểu tại Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc về quá trình hình thành và phát triển của Cty Lâm nghiệp Lập Thạch, chúng tôi được biết vào những năm 1990, tỉnh Vĩnh Phú giao cho Lâm trường Lập Thạch sử dụng tới 3.594 ha đất nhưng trong quá trình sử dụng đơn vị quản lý không tốt để nhiều diện tích lãng phí... nên tỉnh Vĩnh Phúc đã 3 lần thu hồi đất.

Tính đến thời điểm hiện nay Cty Lâm nghiệp Lập Thạch đang quản lý sử dụng 1.525 ha trong đó có khoảng 70 ha đất hiện đang do các hộ gia đình quản lý sử dụng lâu năm.

14-29-30_img_20160706_111351
14-29-30_img_20160706_111524
Từ năm 1989 gia đình ông Loan không chậm một ngày tiền thuế đất

 

Cũng theo Sở TN-MT cho biết thì hoạt động của Cty dường như cũng chẳng được suôn sẻ. Không chỉ quản lý quỹ đất được giao không tốt mà việc sử dụng đất sản xuất của Cty cũng không hiệu quả.

Năm 2012, khi xảy ra tranh chấp giữa các hộ dân với Cty, Thanh tra Sở TN-MT đã tìm hiểu về kế hoạch sử dụng đất cũng như việc chấp hành các quy định về pháp luật đất đai của đơn vị và đã phát hiện Cty còn nợ tiền thuê đất tới trên 2,5 tỉ đồng. Sử dụng quỹ đất rộng lớn như vậy nhưng việc nộp tiền thuê đất là một việc quá khó khăn đối với Cty. Năm 2016, Cty Lâm nghiệp Lập Thạch lại làm đơn xin miễn tiền thuê đất và đã được UBND tỉnh ra quyết định miễn giảm tiền thuê đất với giá trị 2,1 tỉ đồng.

Chưa thỏa mãn, Cty lại tiếp tục xin miễn tiền thuê đất bổ sung cho diện tích 450 ngàn m2 với số tiền 141 triệu đồng. Hoạt động không hiệu quả, liên tục xin miễn giảm tiền thuê đất, vậy Cty Lâm nghiệp Lập Thạch còn muốn tranh giành đất với các hộ dân để làm gì?

Đặt giả thiết, nếu như được quản lý sử dụng 70 ha đất đang tranh chấp thì rất có thể Cty Lâm nghiệp Lập Thạch có làm đơn xin miễn giảm nốt tiền thuê đất cho 70 ha đất này... Vậy UBND tỉnh Vĩnh Phúc được gì, nhân dân được gì? Trong khi các hộ dân như ông Loan, ông Vệ tuy mấy chục năm qua sống trên đất “mượn” nhưng chưa một ngày chậm tiền thuế đất nộp cho Nhà nước. Vậy nên giao đất cho ai?

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Văn Đăng - PGĐ Sở TN-MT cho biết Sở đã từng đưa ra 3 phương án: Thứ nhất, lập khu tái định cư cho dân. Thứ hai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho dân theo hạn mức 400 m2 và phần diện tích còn lại thì đơn vị quản lý sẽ giao khoán cho các hộ. Thứ ba, là thu hồi diện tích đất tranh chấp và giao về cho địa phương quản lý rồi mới cấp GCNQSDĐ cho dân.

Hai phương án trên thì phía Cty ủng hộ nhưng phương án thứ 3 được sự đồng thuận của dân hơn cả vì người dân cho rằng đất đai họ đang sử dụng có nộp thuế thì cũng phải nộp vào kho bạc nhà nước.

Cũng theo ông Đăng thì suy cho cùng thì đây cũng là nguyện vọng chính đáng của các hộ dân lại hợp tình, hợp pháp nên các cấp chính quyền cần phải đặc biệt quan tâm, trân trọng.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất