| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phân bón hiệu quả

Thứ Sáu 13/12/2013 , 10:54 (GMT+7)

Từ lâu các nhà khoa học đã khuyến cáo bón phân cho cây trồng phải đảm bảo 4 yêu cầu: Đúng lúc, đúng cách, đúng loại phân và đúng liều lượng; hay còn được gọi là phương pháp “4 đúng”.

(Diễn giả: GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường ĐH Cần Thơ; PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ThS Phan Văn Tâm, Cty CP Phân bón Bình Điền)

Từ lâu các nhà khoa học đã khuyến cáo bón phân cho cây trồng phải đảm bảo 4 yêu cầu: Đúng lúc, đúng cách, đúng loại phân và đúng liều lượng; hay còn được gọi là phương pháp “4 đúng”.

Nguyên lý trên được áp dụng cho tất cả cây trồng, các loại đất cũng như các điều kiện khác nhau. Nhưng việc vận dụng cho từng thửa ruộng, điều kiện cụ thể thì nông dân cần có kiến thức và kinh nghiệm.

Một số kiến thức căn bản

Đầu tiên là điều kiện thổ nhưỡng. Mỗi loại đất có đặc tính khác nhau nên việc sử dụng phân trên từng loại đất cũng phải thay đổi cho phù hợp. ĐBSCL có các nhóm đất chính gồm: 

- Đất phù sa sông (1,2 triệu ha): Tập trung ở vùng trung tâm ĐBSCL. Có độ phì nhiêu tự nhiên cao và không có các yếu tố hạn chế nghiêm trọng nào. Nhiều loại cây trồng có thể canh tác được trên nền đất này và hiệu quả phân bón càng cao nếu có hàm lượng phân đạm cao.    

- Đất phèn (1,6 triệu ha): Đặc trưng bởi độ axit cao, nồng độ độc tố nhôm tiềm tàng cao và thiếu lân. Các loại đất phèn tập trung tại Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên còn các loại đất phèn mặn tập trung tại vùng trung tâm bán đảo Cà Mau.

Muốn trồng trọt có hiệu quả thì việc xây dựng các công trình thủy lợi để xố phèn, rửa phèn và ém phèn cần được ưu tiên hàng đầu, sau đó việc dùng vôi, lân để hạ phèn thì việc bón các phân khác mới có hiệu quả.    

- Đất nhiễm mặn (0,75 triệu ha) là đất thuộc loại khó khăn nhất. Để hạn chế tác hại của mặn cần dùng phân bón có kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây từ đó hạn chế sự hấp thu Na+; Bón một số dạng phân có chứa Ca++ như CaO, CaCO3, CaSO4, Ca(NO3)2 để điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây.

Ưu tiên sử dụng phân đạm gốc amon (NH4+) và dạng phân lân dễ tiêu như super lân, lân trong DAP, MAP, MKP... để hạn chế sự thu hút các ion Cl- . Sử dụng phân bón chứa silic thúc đẩy quang hợp. Đặc biệt phân bón lá sẽ phát huy tác dụng cao khi việc hấp thu theo đường rễ bị hạn chế.    

- Các loại đất khác (0,35 triệu ha): Gồm đất than bùn (vùng rừng U Minh), đất xám trên phù sa cổ (cực bắc của ĐBSCL) và đất đồi núi (phía Tây Bắc ĐBSCL). Nhóm đất này đều nghèo kali, trong khi đó nên cần tăng lượng kali, nhất là thời điểm trước khi đón đòng.

Khác với cây lấy lá, lúa là cây trồng lấy hạt nên nếu thừa phân đạm vào thời điểm đón đòng sẽ làm cây tiếp tục phát triển thân, lá; bông và hạt sẽ kém. Trong thời gian 30 ngày đầu, cây trong quá trình sinh trưởng sẽ cần nhiều dinh dưỡng để ra rễ, đẻ chồi, đẻ nhánh. Sau đó cây sẽ đi vào giai đoạn phát triển, làm đòng, trổ bông, kết hạt. Yêu cầu về dinh dưỡng ở từng thời điểm là hoàn toàn khác nhau.

ĐX là vụ lúa có điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiều ánh sáng mặt trời, các quá trình trao đổi chất, chuyển hóa dinh dưỡng diễn ra mạnh mẽ. Đây là thời gian thích hợp để tăng cường phân bón nhằm đạt hiệu quả cao.

Vụ HT do thiếu ánh sáng mặt trời nên việc sử dụng phân bón cũng kém hơn, bổ sung nhiều phân bón lúc này không những không đem lại hiệu quả như mong muốn mà còn có thể làm phản tác dụng, giảm năng suất.

Áp dụng thực tế trên đồng ruộng

Các khuyến cáo chỉ mang tính chất chung cho cả vùng, không có chỉ dẫn nào là để áp dụng cho một ruộng cụ thể. Điều này dẫn đến cùng 1 quy trình bón phân nhưng hiệu quả đem lại của từng ruộng là hoàn toàn khác nhau. Nên ngoài khuyến cáo chung của từng năm, từng vụ, người trồng cây cần phải có kinh nghiệm sử dụng phân; nhất là đúc kết kinh nghiệm từ các năm trước. Những năm nào đầu tư ít, năng suất cao, đem lại hiệu quả thì nên áp dụng theo. Nếu vụ trước đạt năng suất cao thì vụ này nên tăng thêm lượng phân để bù đắp lại dinh dưỡng đã mất trong vụ trước trong đất.

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, trong vụ ĐX này, lượng đạm sử dụng là 80 - 100 kg N/ha, nếu dùng nhiều hơn cũng không thể tăng năng suất mà còn gây đổ ngã, sâu bệnh. Phân lân giúp cho cây ra rễ, đẻ nhánh, tạo các hợp chất cao năng lượng phục vụ cho làm đòng, ra bông; cần bổ sung vào giai đoạn đầu, bón trễ không có hiệu quả.

Tổng lượng lân của cả vụ vào khoảng 30 - 60 kg P2O5/ha. Ngược lại, kali lại cần thiết trong giai đoạn làm đòng. Với những vùng đất phèn, phù sa nhiều kali thì không cần sử dụng nhiều, vào khoảng 30 - 60 kg K2O/ha.

Do lúa là cây lấy hạt, nên việc hạt chắc, nhiều cũng chính là yếu tố năng suất cây trồng, trong đó việc cân đối thân - hạt rất quan trọng. Nếu cây sinh trưởng quá mức, chiều cao vượt ngưỡng thì dẫn đến việc dinh dưỡng để nuôi hạt giảm đi, gây giảm số lượng bông, hạt và nhiều hạt lép.

Nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước đã chỉ ra rằng trong vụ ĐX, với giống lúa ngắn ngày được trồng rộng rãi thì chiều cao cây lúa cần đạt chỉ 90 - 95 cm là tối ưu để cây có năng suất cao nhất, cao hơn hay thấp hơn đều không có lợi. Với vụ HT thì cây có thể đạt chiều cao 100 cm, tối đa là 105 cm.

Cũng cần lưu ý rằng do điều kiện, các tác động luôn thay đổi nên sẽ không thể áp dụng chế độ bón của năm trước cho năm này được. Nói cách khác là việc cung cấp dinh dưỡng phải luôn thay đổi từng năm.

Người nông dân phải dựa vào khung theo khuyến cáo kết hợp với điều kiện thực tế và kinh nghiệm của mình để có thể gia giảm, điều chỉnh sao cho phù hợp. Không nên áp dụng rập khuôn một chế độ bón phân cho nhiều năm, sẽ không đem lại hiệu quả tối ưu.

 

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất