| Hotline: 0983.970.780

Sự học miền biên viễn

Thứ Ba 22/02/2011 , 10:37 (GMT+7)

Thuyết phục được đến trường rồi, làm thế nào để các em thích đi học hơn đánh quay, tung còn, ném pao, múa khèn lại càng là bài toán khó.

Một trường hợp khác ở bản Lũng Lình cũng ở xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) khi thầy Thiện vận động đứa anh đã đến tuổi đi học, nhưng bố mẹ muốn con mình ở nhà lấy củi, cắt cỏ bò bèn giấu biệt thằng anh nơi xó buồng rồi lôi đứa em ra bảo: “Mày xem! Nó còn nhỏ lắm, cao chưa bằng cây ngô mới trồng hơn tháng, làm sao mà học được cái chữ?”.

>> Chuyện thầy cúng, thầy giáo
>> Ký sự rẻo cao

 

1. Ờ, đứa bé cũng nhỏ thật, hay là “cơ sở” báo nhầm tuổi. Thiện trộm nghĩ trong đầu sau một hồi ngắm nghía. Dù đầy một bụng hồ nghi, anh vẫn phải nhỏ nhẻ xin phép ra về. Sau vài buổi đi lại, mật phục chán chê kiểu “điệu hổ lý sơn”, rình lúc bố mẹ chúng đi vắng, thầy giáo Thiện mới phát hiện hai anh em nhà nọ ra sân chơi, vật nhau huỳnh huỵch. Mặt mũi hai thằng giống nhau như tạc nhưng dáng người lớn nhỏ cách tới vài ba tuổi. Đến nước này, thầy đành “chơi bài ngửa”, nói thẳng chuyện đó với bố mẹ phụ huynh.

Lúc đầu họ cũng bối rối lắm nhưng cuối cùng trước sự phân tích kiểu “cái chữ cũng quan trọng chẳng kém gì bao ngô giống, cái quẩy tấu phân bò, cái địu cỏ bò tươi tốt”…nên họ cũng bị thuyết phục. Khó khăn, gian khổ là thế, nhiều khi việc vận động đi học phải nhờ cả bộ đội biên phòng dẫn đường vì các anh quen với đồng bào, lại có cái sao, cái vạch trên vai, uy nghiêm, dễ bề ăn nói. Thế mà cũng không ít trường hợp bộ đội cũng bị học sinh cào cấu tơi tả, quân phục, quân trang xô lệch, nhàu nhĩ cả.

Thuyết phục được đến trường rồi, làm thế nào để các em thích đi học hơn đánh quay, tung còn, ném pao, múa khèn lại càng là bài toán khó. Người Mông quen sống trên đỉnh núi cao chót vót, mùa khô, giọt nước quý hơn vàng nên vài tháng không tắm cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Việc đầu tiên sau khi gom học sinh đến trường là các thầy cô phân công nhau bê từng chậu nước thật đầy nhất có thể, bảo các em xếp hàng rồi lần lượt người rửa tay, rửa mặt, người gội đầu, chải tóc cho các em. Lắm đứa, đầu đầy nhóc chấy. Chải một nhát 5-7 con chấy lớn nhỏ, no tròn máu lăn theo chiếc lược bí.

Gặp những trường hợp đó, thầy cô lại phải ra tay bắt cho kỳ hết chấy to, chấy nhỏ, vuốt cho kỳ sạch trứng lép, trứng đầy. Thường ngày ở Mèo Vạc các thầy, cô giáo phải đi xay ngô, đi lấy củi, đi xếp đá trên nương, làm đủ việc để có cơ hội dân vận. Cao nguyên đá có tới 6 tháng mùa khô, giọt nước hiếm chảy mà giọt nước mắt rơi lặn vào trong.

2. Chạnh lòng nhớ đợt đi vùng xã giáp biên Nghĩa Thuận huyện Quản Bạ nghe kể về cô giáo Đặng Thị Huệ với chuyện tình “xé rào”. Huệ gốc gác ở Quảng Xương, Thanh Hóa lên gắn bó với học sinh vùng cao từ hồi trường chỉ có 2 lớp học, thầy cô giáo phải tạm trú ở trạm biên phòng. Chuyện tình yêu cô giáo Huệ với chàng trai người Nùng tên Sân Sài Sồ là cả một thiên tình sử lãng mạn. Trước Sân Sài Sồ làm đủ nghề từ làm ruộng, làm rẫy rồi đi buôn vặt. Nghề gì cũng lận đận cho đến khi anh quyết tâm đi học lại và thành thầy giáo. Huệ yêu chàng trai người Nùng này bởi cảm cái ý chí của anh và Sồ yêu Huệ cũng vì thương cô gái Kinh can đảm vác chữ lên non giúp đồng bào mình xóa dốt.

Lúc đầu khi nghe chuyện tình của Huệ và Sồ bà con trong bản người Nùng Na Lình bàn tán ghê lắm. Chẳng biết cô giáo có nhập gia tùy tục với người Nùng được không? Cái tay nó nhỏ và mềm như những búp măng trúc mới mọc thế kia chẳng biết vác nổi cuốc, đeo nổi quẩy tấu lên nương không?... Tình yêu có lý lẽ của nó, Huệ và Sồ vẫn quyết định gắn bó suốt đời với nhau. Thời gian đã chứng minh “Cô giáo Kinh cũng biết... làm dâu”. Giờ thì bà con dân bản, nhà chồng Huệ quý cô giáo hơn cả vàng.

Nghĩa Thuận có tới 8 điểm trường, điểm trường xa nhất ngày nắng đi bộ từ trung tâm xã vào mất 4-5 tiếng, ngày mưa thì nội bất xuất, ngoại bất nhập. Từ đồn biên phòng Nghĩa Thuận, tôi chinh phục đỉnh Phìn Chư cao hơn 1.300m để lên điểm trường cắm ở đây. Ở đỉnh núi rặt một đặc sản mây mù và những ngọn gió chướng thổi u u suốt ngày đêm này, trường học và nhà ở của giáo viên đều được làm theo kiểu nhà chình tường, đất đắp dày cả nửa mét trông như lô cốt. Thấy người lạ học sinh trong các lớp tùa ra, vây lấy tôi. Đứa nào, đứa nấy mặt mũi lấm lem, có em mặc độc chiếc áo cộc, bên dưới ở...chuồng dù mùa đông trên núi rét thấu xương.

Gian nhà ở của bốn cô giáo ở ngay sát lớp học. Trong ánh sáng le lói của cái lỗ thông hơi be bé, tôi nhìn thấy một chiếc phản rộng làm chỗ nghỉ, dưới gầm lô lốc xô chậu trữ nước. Mấy cô lâu lâu được nghỉ một vài ngày phép nhưng vì đường xá xa xôi nên chẳng về thăm gia đình nổi. Năm thì mười họa cũng có ông chồng sốt ruột chịu khó gùi hàng lên tiếp tế, thăm vợ. Chỉ có một gian nhà mà ở tới bốn người thì chuyện hạnh phúc của các cô thế nào? Tôi hỏi. Các cô cười vang, mặt rần rật đỏ, cuối cùng cô Tươi cố nén xấu hổ, nói nhanh rằng: “Thì cũng cố nhịn chứ chú bảo thế nào?”.

Lúc đầu lên đây dạy học, ngửa mặt tứ phía cũng chỉ là núi và mây nên mấy cô giáo trẻ nhớ nhà cứ đứng ở dốc Phìn Chư ngóng về dưới xuôi mà khóc. Ở Nghĩa Thuận này cũng từng có cô không chịu nổi cảnh buồn tẻ mà bỏ về…

3. Những điểm trường có hai ba thầy cô như Há Tỏ Sò, như Phìn Chư còn đỡ chứ ba điểm trường ở bản Pó Ngần (xã Khâu Vai, Mèo Vạc), mỗi điểm ở cheo leo trên núi ấy đều chỉ có một cô giáo, tôi mới thấm thía nỗi sự cô độc của người giáo viên nơi này. Hàng ngày cô giáo Vũ Hiền ở điểm trường Pó Ngần Giữa vẫn đơn độc một mình với đám học trò. Một cái bảng đen, vài cái bàn ghế sơ sài kề sát một chiếc buồng ghép tạm vài mảnh ván. Một mảnh vườn rau nho nhỏ. Một nồi cơm con con nấu một bữa, ăn cả ngày. Một đường ống dẫn nước, thi thoảng mới toong toong nhỏ. Ốm đau không sẵn thuốc thang còn chẳng giáo viên nào thay thế dạy.

Trong buổi chiều muộn, giữa mùa gió Khâu Vai ào ào thổi khắp thung sâu, núi thẳm, bốc lên những mùi thoáng ngai ngái ẩm của những cánh rừng bất giác tôi như chợt thấy mình như ngồi trong bếp lửa nhà ông Mua, bó thân ngô chưa khô dúi vào cái lò to tướng, lửa chẳng bốc lên mà khói bay cay xè khóe mắt.

Giữa những cơn ngây ngấy của sốt nóng, sốt lạnh, đôi chân đứng trụ không vững, đôi tay run run vẫm nắn theo từng dòng chữ trên bục giảng mà gắng gượng cùng đám học trò. Lớp học thống thếnh đến mức sáng sáng thức dậy mở mắt ra là thấy nền đầy dấu chân trâu bò, bừa bãi phân gia súc. Nhà Hiền ở tận Nho Quan, Ninh Bình, cách nơi cô dạy 700-800km đường núi. Một năm cô chỉ được về mỗi dịp hè, dịp Tết. Sau những tiết học với đám trẻ Mông hiếu động, nghịch ngợm, đầu tóc khét mù mùi nắng, cô lại lầm lũi vào ra như con rùa nơi xó bếp.

 Ở đây, giữa vùng rặt người Mông, chẳng mấy ai nói nổi vài câu tiếng Kinh cho sõi nên nhiều khi nỗi nhớ quê kèm theo nỗi nhớ tiếng mẹ đẻ vì cả tháng không được nghe, không được nói. Lắm lúc thèm được nghe một hai câu tiếng Kinh mà Hiền phải đi bộ vài tiếng đường núi ra tận trung tâm xã hay sang các điểm trường gần đó còn không chỉ thỉnh thoảng lẩm bầm nói với bóng mình trên cái liếp tre bên ngọn đèn dầu lù mù khói. Thương cô giáo vùng cao quá, dân bản tặng cô hai con chó. Hai con chó một to, một nhỏ, cứ choắn chéo chân cô mỗi dịp bước đi, lẽo đẽo theo cô mỗi lần lên xã, xoắn xuýt quất đuôi mỗi khi thấy dáng chủ từ xa. Nhìn bóng cô lui cui bên bếp lửa lồng cùng bóng hai con chó như một bức tranh kỳ lạ khắc vào tấm liếp.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất