| Hotline: 0983.970.780

Tích tụ đất sản xuất:

Sứ mệnh giải cứu đồng ruộng

Thứ Tư 20/01/2021 , 20:01 (GMT+7)

Áp dụng máy móc, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gia đình ông Đặng Văn Quang huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có thể canh tác hơn 100 mẫu ruộng mỗi vụ.

Gia đình ông Quang đã mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Gia đình ông Quang đã mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Công nghệ cao là cánh tay phải đắc lực của người nông dân

Đã quá trưa nhưng 2 vợ chồng ông Đặng Văn Quang và bà Trần Thị Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vẫn lọ mọ ngoài đồng ruộng. Nhắc đến vợ chồng ông Quang và bà Lanh, người dân nơi đây không ai là không biết đến một gia đình nông dân mỗi vụ có thể cấy hơn 100 mẫu ruộng lúa.

Vợ chồng người nông dân bắt đầu làm dịch vụ nông nghiệp từ năm 2008. Năm 2012, Thái Bình bắt đầu thực hiện công cuộc dồn điền đổi thửa. Đến năm 2013, người dân nơi đây vẫn còn say mê, hứng thú với đồng ruộng.

Nhưng từ năm 2014, do tác động từ nhiều yếu tố nên người nông dân cấy không có lợi nhuận, từ đó bỏ đồng bỏ ruộng đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Ban đầu người dân bỏ ít một nhưng theo thời gian, những cánh đồng hoang hóa ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Ông Quang và bà Lanh là những người nông dân quanh năm lam lũ vất vả và có tình yêu to lớn với đồng ruộng. Họ luôn tâm niệm mỗi tấc đất là một tấc vàng. Tận mắt chứng kiến những mảnh ruộng màu mỡ bị bỏ hoang, gia đình người nông dân tiếc như đứt từng khúc ruột. Lương tâm họ không cho phép và luôn bị câu hỏi “Tại sao mình có thể làm được mà lại không đứng lên để làm?” ám ảnh trong đầu.

Mặc dù biết được sức mình có hạn và vô cùng nhỏ bé nhưng với tâm niệm giải cứu ruộng đất là sứ mệnh cao cả của bản thân; kèm theo câu hỏi tại sao ở nước ngoài, một gia đình có thể sản xuất nông nghiệp trên hàng nghìn hecta mà giờ đây, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp lại để lãng phí đất đai như vậy; gia đình người nông dân cứ thế lao vào thu gom ruộng đất bị bỏ hoang, đầu tư máy móc để mang màu xanh của cây lúa trở lại trên cánh đồng nơi đây mà mặc kệ lỗ hay lãi, được hay mất.

Với người nông dân dưới mỗi tấc đất đều có... vàng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Với người nông dân dưới mỗi tấc đất đều có... vàng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Trần Thị Lanh nhớ lại: “Khoảng thời gian đầu đi thu gom ruộng đất rất vất vả và khó khăn. Bà con bỏ ruộng đến đâu là chúng tôi nhặt nhạnh đến đó. Từng chút từng chút một, cho đến thời điểm hiện tại, vợ chồng tôi đã thu gom được hơn 100 mẫu ruộng. Thế nhưng cũng không dễ dàng gì khi đó là những mảnh đất rất khó canh tác, chuột phá, chua trũng…”

“Chúng tôi tự lực cánh sinh, chấp nhận bỏ sức lao động ra để sản xuất và canh tác. Nếu người nông dân chỉ làm bằng phương pháp thủ công thì không bao giờ có lợi nhuận. Tình yêu với đồng ruộng đã trở thành động lực để chúng tôi đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, từ đó mới có thể sinh ra lợi nhuận cho những người dân cùng làm với mình”, bà Lanh trăn trở.

Nhiều người vẫn hay thắc mắc tại sao hai vợ chồng người nông dân không đầu tư tiền của công sức vào các lĩnh vực khác nhàn hạ hơn. Thế nhưng gia đình ông Quang, bà Lanh lại cho rằng đầu tư vào nông nghiệp là sự đầu tư khôn ngoan mang tính chất lâu dài và ổn định.

“Dẫu vẫn biết trong lĩnh vực nông nghiệp để thành công được thì rất khó nhưng hai vợ chồng luôn động viên nhau từ những khó khăn mà có thể tạo ra thành quả bằng chính sức lao động của mình thì mới là điều đáng tự hào. Trong thời gian tới, nếu nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Nhà nước thì chúng tôi sẽ quyết tâm đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa”, bà Lanh chia sẻ.

Thời gian đầu mới tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp, bà Trần Thị Lanh đã từng nói với ông xã: “Bây giờ máy gặt hoạt động cũng ổn rồi nhưng vất vả nhất là không có máy cấy. Giá mà bây giờ có một chiếc máy cấy thì tốt biết bao nhiêu.”

Bà Lanh luôn tâm niệm giải cứu đồng ruộng khỏi tình trạng bỏ hoang là sứ mệnh của bản thân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Lanh luôn tâm niệm giải cứu đồng ruộng khỏi tình trạng bỏ hoang là sứ mệnh của bản thân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong một dịp hai vợ chồng ông Quang, bà Lanh đi sang tỉnh Nam Định để mua thêm máy móc đã vô tình gặp được một người dân có máy cấy bằng tay. Do thấy được hiệu quả quá ưng ý nên hai vợ chồng sau khi trở về đã đầu tư ngay lập tức.

Sau đó gia đình ông Quang tiếp tục vào Thanh Hóa để học hỏi và tìm hiểu cách gieo mạ bằng khay. Thời điểm đó, tuy thành công chưa xuất hiện nhưng cả hai  vẫn quyết tâm làm, quyết tâm đi sâu hơn vào việc áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để gia tăng hiệu quả công việc, giảm chi phí cũng như công sức lao động và nâng cao lợi nhuận từ đồng ruộng.

Sau 5 năm thu gom ruộng đất để canh tác lúa, đến thời điểm hiện tại gia đình ông Quang đã áp dụng thuần thục những công nghệ vào trong sản xuất, không còn phải thực hiện thủ công như trước nữa. Gia đình lão nông đã có đủ máy làm đất, máy cấy, máy gặt, máy bón phân, máy sấy thóc, máy gieo mạ theo dây chuyền… và đặc biệt là chiếc máy cấy 3 trong 1, vừa cấy vừa bón phân vừa phun thuốc trừ ốc trừ cỏ.

Sau 3 năm, đầu tư hơn 7 tỷ đồng làm nông nghiệp

Ông Đỗ Văn Dân (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cũng có một tình yêu và đam mê với ruộng đồng, với nông nghiệp. Trước đây ông Dân làm dịch vụ máy cày cho bà con địa phương nhưng sau khi người nông dân bỏ ruộng đồng nhiều quá nên từ cuối năm 2017, ông Dân đã mạnh dạn đứng ra thu gom đất đai, đầu tư máy móc để sản xuất nông nghiệp.

Máy móc hiện đại giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Máy móc hiện đại giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thời gian đầu ông Đỗ Văn Dân chỉ đầu tư máy cày, máy cấy, sau đấy đầu tư thuê cả máy bay để phun thuốc sâu, thuốc trừ ốc cho hiệu quả. Cho đến nay, sau 3 năm, ông Dân đã thu gom và đầu tư khoảng 7 tỷ đồng cho máy móc canh tác trên 60 mẫu ruộng, mỗi năm thu về hơn 200 tấn thóc.

Những năm gần đây, ông  là một trong những cơ sở lớn tại Thái Bình sản xuất giống lúa Đài Thơm 8 cho Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam.

Người Dân bộc bạch: “Tôi thu gom ruộng đất, đầu tư máy móc để sản xuất nông nghiệp đều bắt nguồn từ sự yêu thích của bản thân. Chứ thực ra đã có rất nhiều người nói nếu số tiền đầu tư nông nghiệp này mà mang đi mua đất thì bây giờ không phải làm lụng vất vả gì nữa. Hiện nay tôi vẫn muốn mở rộng địa bàn, thuê thêm đất để có thể đẩy mạnh sản xuất hơn nữa.”

“Khó khăn nhất trong quá trình tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp là cơ sở vật chất và kinh tế. Thời gian đầu chúng tôi không thể mở rộng cơ sở vật chất cũng như không có nhiều tiền đầu tư nên để có được kết quả sẽ phải trải qua khoảng thời gian dài tích cóp.

Trong tương lai tôi mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ về việc quy hoạch vùng sản xuất quy mô hơn, thuận lợi hơn. Từ đó các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân sẽ có mã vùng, có thương hiệu của riêng mình, đảm bảo đủ chất lượng để cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu sang thị trường quốc tế.” – Bà Trần Thị Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Xem thêm
Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, thế mạnh đặc trưng để bứt phá

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của ĐBSCL và cả nước.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.