| Hotline: 0983.970.780

Những “cánh đồng Tây” ở Nam Định

Sự nhập cuộc của tập đoàn quốc tế

Thứ Tư 28/05/2014 , 08:19 (GMT+7)

Trong ước vọng trở lại giấc mơ xưa, Nam Định còn chào mời đầu tư của các đơn vị quốc tế./ Những “cánh đồng Tây” ở Nam Định

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định, anh Đỗ Hải Điền khẳng định với tôi rằng: “Về lâu dài Nam Định vẫn là một tỉnh nông nghiệp. Trong nông nghiệp thì giống là khâu nền móng, có vai trò quan trọng hàng đầu. Bởi thế cho nên chúng tôi đang quyết tâm khôi phục lại ngành sản xuất giống của Nam Định như ngày trước…”.

Câu nói của anh làm tôi nhớ lại một thời huy hoàng của Công ty Giống cây trồng Nam Hà (thủa Hà Nam, Nam Định còn chưa chia tách) với 300 ha lúa lai F1, 100 ha lúa thuần. Hồi đó Nam Định cung cấp lúa giống cho hầu hết các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra. Xe đến, xe đi cứ kìn kìn.

Cách làm của các doanh nghiệp hồi ấy là lấy các HTX làm nòng cốt sản xuất chứ không xây dựng hệ thống của riêng mình. Quy trình đại thể là công ty cấp giống xuống các HTX rồi chỉ đạo kỹ thuật, cuối vụ thu hoạch kiểm tra được thì lấy còn không được thì để các HTX tự tiêu.

Chất lượng nhiều lúc cứ ào ào, đại khái. Ải 32, Ải Hòa Thành, Ải Mai Hương, Q5, Lưỡng Quảng…, những tên giống lúa rất phổ biến thời đó với lượng tiêu thụ cả trăm, cả ngàn tấn đã đóng đinh cho Nam Định thương hiệu thủ phủ sản xuất giống lúa.

Thời thế, thế thời thịnh suy, cách làm xưa nhanh chóng lụi tàn. Giống sản xuất kiểu này không thể cạnh tranh trên thị trường, đầu ra bế tắc, nhiều vùng sản xuất quay về làm lúa thịt. Thế rồi Cường Tân xuất hiện và mới đây một vài doanh nghiệp nữa manh nha thuê đất nhập cuộc làm nông.

14-33-17_dsc_7271

Chính quyền nhận thấy đây là cách làm chuyên nghiệp nên ra sức vận động nông dân cho thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, máy sấy, trang thiết bị cũng như khắc phục hậu quả nếu có thiên tai… Đặc biệt Nam Định còn giao Sở Khoa học- Công nghệ và Sở NN-PTNT tham mưu cho tỉnh đề án giúp Cường Tân nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống lúa.

Mục tiêu cụ thể được vạch ra là: Tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực khoa học giúp công ty này trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về nghiên cứu, sản xuất lúa giống ở miền Bắc; Ứng dụng đồng bộ công nghệ cao từ khâu làm đất, tưới tiêu, gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch cho 100 ha lúa giống; Tuyển chọn được 2-3 giống lúa có năng suất, chất lượng cao mang thương hiệu của tỉnh; Lượng hàng của Cường Tân sản xuất phải đáp ứng được tối thiểu 50% nhu cầu về giống lúa chất lượng cao của tỉnh.

“Việt Nam có tiềm năng phát triển lúa lai với nhiều tỉnh lúa lai từng chiếm 50% diện tích canh tác. Thế rồi trào lưu lúa lai dần bị xẹp xuống vì nhiều lý do: Chủng loại giống ít thay đổi, chất lượng gạo chưa cao, nguồn cung không ổn định, dễ bị thất thu vào vụ mùa bởi bạc lá. Chúng tôi xây dựng năng lực sản xuất lúa lai ở Việt Nam là muốn nguồn cung ổn định không phụ thuộc vào đối tác cung cấp Trung Quốc như trước đây nữa”, anh Phạm Huy Thắng - công ty Syngenta.

Để đạt được những mục tiêu đó, hàng loạt công nghệ mới sẽ được áp dụng như san đất bằng laser, làm đất bằng cơ giới hóa, máy cấy mạ khay, máy sạ, tưới nước tự động, phun thuốc BVTV bằng máy công nghiệp, gặt đập liên hợp, lò sấy tự động…

Thời gian để thực hiện đề án từ 2014-2016 với tổng kinh phí 40,8 tỉ đồng (dự định mức hỗ trợ của tỉnh là 17,4 tỉ đồng còn 23,4 tỉ đồng là kinh phí đối ứng của Cường Tân). Ngoài việc đầu tư cho Cường Tân, Nam Định còn xốc lại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đang hoạt động cầm hơi, èo uột bằng định hướng tập trung cho đơn vị này sản xuất giống đặc sản Tám, Nếp, Dự, Bắc Thơm.

Trong ước vọng trở lại giấc mơ xưa, Nam Định còn chào mời đầu tư của các đơn vị quốc tế. Sự kiện Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai của “ông lớn” Syngenta chính thức đi vào hoạt động ở xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực đã thể hiện rõ điều này.

Trung tâm rộng 4 ha, được đầu tư rất bài bản với tiêu chuẩn toàn cầu của Syngenta từ hệ thống máy móc, độ lux ánh sáng trong phòng, phòng thí nghiệm đến điều kiện thí nghiệm, điều kiện làm việc, điều kiện an toàn lao động… Ở đây nhân viên kỹ thuật ngoài mạng Internet còn có thể kết nối toàn cầu với các đồng nghiệp bằng mạng nội bộ để chia sẻ số liệu, họp trực tuyến, trao đổi, thảo luận khoa học.

Mỗi năm trung tâm này sẽ quan sát vài ngàn cặp lai để chọn ra vài trăm tổ hợp rồi lai với nhau chọn cặp triển vọng đưa vào khu sản xuất nhỏ tiếp đó đưa khảo nghiệm, sản xuất thử, khảo nghiệm địa phương, khảo nghiệm quốc gia.

14-33-17_dsc_7272
Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai Syngenta

Lúc tôi đến, nắng như đổ lửa, ba cô sinh viên của Đại học Khon Kaen Thái Lan vẫn đang miệt mài ngồi ngay bờ ruộng để cắt hoa của dòng mẹ đưa vào các ô dòng bố. Tuy chưa chính thức khánh thành nhưng Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai đã thu hút được sự hợp tác khoa học quốc tế.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Syngenta lại đặt Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai ở Nam Định. Ban đầu các chuyên gia nước ngoài phải lấy mẫu đất, mẫu nước, nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, khả năng phát triển rồi các cơ chế thu hút mới quyết định đầu tư. Nam Định là đất thâm canh lúa lai, nếu lúa lai vào được tỉnh này cũng sẽ trụ được ở nhiều địa phương khác.

Bùi Văn Thư - cán bộ nghiên cứu Trung tâm bảo những vật liệu tốt nhất của thế giới được đem về, những công nghệ mới nhất được cập nhật tại đây. Định hướng của tập đoàn đa quốc gia này chủ yếu là phát triển lúa lai ba dòng từ các nguồn vật liệu Ấn Độ, Trung Quốc và IRRI. Từ vật liệu ban đầu đó tạo dòng mẹ bất dục mất khoảng 7-8 năm, nếu may mắn phải mất 4-5 năm nữa mới ra sản phẩm thương mại.

“Lúc trước chúng tôi phải thuê ruộng của dân để làm thí nghiệm, thuê nhà người dân trong làng để ở, ngày ngày đánh xe bò ra ruộng chở vật liệu về lai. Điều kiện chật chội, không có nhà lưới nên chim chuột phá hoại rất nhiều. Giờ xây dựng được trung tâm (trị giá 29 tỉ đồng) mọi thứ chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều với khu lai tạo, khu nhà lưới, kho lạnh, máy móc.

Ngoài dòng chất lượng, dòng năng suất, dòng kháng sâu bệnh trong tương lai chúng tôi sẽ chọn tạo những dòng lúa lai thích ứng tốt với biến đổi khí hậu”, Thư nói.

Sản xuất giống lúa lai ăn thua ở sự kiên trì và khả năng đầu tư. Từ nghiên cứu trung tâm này sẽ là bàn đạp cho việc sản xuất giống ngay tại Việt Nam với hướng cung cấp giải pháp tổng hợp: hạt giống, các biện pháp canh tác, bảo vệ thực vật đến thu hoạch. Không chỉ định hướng nội địa, các thị trường khu vực cũng được Syngenta đưa vào tầm ngắm.

Ở giai đoạn hai, Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai sẽ được mở rộng thêm diện tích với những phòng thí nghiệm để ứng dụng công nghệ sinh học vào lai tạo như Double haploid, phòng bệnh cây… để có thể rút ngắn quy trình lai tạo, sớm thương mại hóa sản phẩm.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất