| Hotline: 0983.970.780

Sửa 2 Luật Thuế

Thứ Ba 19/03/2013 , 08:47 (GMT+7)

Hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được các đại biểu sôi nổi thảo luận và đóng góp ý kiến.

Ngày 18/3, trong ngày đầu tiên phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, hội trường sôi nổi khi các thành viên tham gia chất vấn và đóng góp cho hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật Thuế giá trị gia tăng: Nhiều điểm chưa rõ

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT). Luật thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng, dự án Luật còn nhiều nội dung chưa rõ, mù mờ trong khi đây lại là một văn bản pháp luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội.

Cụ thể, về đối tượng không chịu thuế, việc xác định hộ cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp mà không căn cứ vào doanh thu nên không phù hợp với bản chất thuế GTGT. Bên cạnh đó, Luật thuế GTGT chưa quy định cụ thể về giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa đã chịu thuế bảo vệ môi trường nên cần bổ sung làm rõ, bảo đảm đồng bộ với Luật thuế bảo vệ môi trường. Về thuế suất, Luật thuế GTGT quy định áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhưng chưa quy định nguyên tắc xác định hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện, nhất là đối với dịch vụ xuất khẩu trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng... Về tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, Chính phủ đề nghị bổ sung ngưỡng tính thuế để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện. Mức ngưỡng doanh thu và điều kiện đăng ký tự nguyện cụ thể giao Chính phủ quy định cho phù hợp trong từng thời kỳ để đảm bảo sự linh hoạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn đóng góp: Dự thảo Luật đề cập đến những điểm rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, nguồn thu ngân sách. Trong đó lại có một số nội dung giao Chính phủ quy định là không hợp lý. Ý kiến của ông Lý được phần lớn thành viên tán đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo, dù khó khăn như thế nào cũng phải để Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2014 để đồng bộ với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và năm tài chính.

Giảm thuế suất để thu hút đầu tư

Nhiều ý kiến phản hồi ngay sau khi bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban soạn thảo đọc tờ trình về dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó kiến nghị giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%; đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Mức thuế suất này được Chính phủ cho là đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia: 25%; Philippin: 30%). Đồng thời, không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng cũng như không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), Chính phủ trình UBTVQH cho bổ sung quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc các thành phố trực thuộc TƯ) được miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Cùng với việc giảm thuế suất chung, thuế suất áp dụng cho khu vực DN nhỏ và vừa sẽ được hạ ngay xuống mức 20%. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách không tán thành.

Cũng theo bà Mai, theo tính toán của Chính phủ, về tác động ngân sách, giả định năm 2014 chính sách thuế TNDN không có sự thay đổi thì dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế TNDN khoảng 150.800 tỷ đồng. Nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23%, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng; nếu áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, được áp dụng thuế suất thấp hơn, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh. Riêng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam sẽ chịu mức thuế suất 32 - 50%.

Dường như chưa hài lòng với những ưu sách này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Luật mở rộng diện được ưu đãi thuế của Chính phủ nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách ưu đãi được quy định tại các đạo luật chuyên ngành. Ông Hiển cũng đề nghị Chính phủ chú trọng tới lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, hợp tác xã nông nghiệp, công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường, công nghệ phụ trợ của một số lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm với mức thuế suất ưu đãi là 10% trong thời gian 10 năm.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.