| Hotline: 0983.970.780

Sức ảnh hưởng của Trung Quốc qua chuyến thăm thứ ba của Kim Jong-un

Thứ Ba 19/06/2018 , 19:53 (GMT+7)

Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba trong ba tháng của Kim là lời nhắc nhở về vai trò trung tâm của Bắc Kinh tại Đông Á và ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) hồi tháng 5 gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Liên. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc ngày 19-20/6, đánh dấu chuyến thăm Trung Quốc thứ ba chỉ trong vòng ba tháng. Cuộc gặp diễn ra một tuần sau khi Trump họp với Kim ở Singapore, một ngày sau khi Mỹ xác nhận sẽ dừng cuộc tập trận được lên kế hoạch vào tháng 8 với Hàn Quốc và vài giờ sau khi chính quyền Trump đe dọa áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đang gây rất nhiều ảnh hưởng từ hậu trường", Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington nhận xét. Glaser cho rằng có thể dễ đoán ông Tập muốn được ông Kim thông báo trực tiếp về kết quả cuộc đàm phán với Trump.

Yanmei Xie, nhà phân tích chính sách Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, đánh giá rằng dù dường như ông Trump và ông Kim đã phát triển được mối quan hệ, ông Kim vẫn hiểu rằng ông Tập là người nắm giữ nhiều quyền lực ở châu Á.

"Ông ấy đang tính toán thực tế rằng Trung Quốc có thể hỗ trợ kinh tế để đưa Triều Tiên hòa nhập về ngoại giao và kinh tế vào khu vực Đông Bắc Á", bà nói, theo Washington Post.

Mặc dù Trump cố gắng thể hiện hội nghị thượng đỉnh ở Singapore đã diễn ra thành công, các nhà quan sát Triều Tiên nhấn mạnh rằng Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc vẫn chia rẽ sâu sắc về con đường phía trước.

Những gì Trump và Kim thông báo tuần trước rất phù hợp với đề xuất "hai bên cùng đình chỉ" mà Trung Quốc từng đưa ra, tức là Triều Tiên đình chỉ thử hạt nhân để đổi lại việc Mỹ - Hàn dừng tập trận. Câu hỏi đặt ra giờ là chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Hội nghị Trump - Kim kết thúc với lời kêu gọi "phi hạt nhân của bán đảo Triều Tiên" nhưng không có diễn giải cụ thể.

Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đã mất nhiều năm xây dựng - điều mà nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể xảy ra. Hiện tại, Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực dường như sẵn sàng bỏ qua những thắc mắc về vấn đề phi hạt nhân hóa để giữ cho mọi thứ di chuyển theo đúng hướng.

"Đông Bắc Á muốn duy trì lập luận rằng Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa, miễn là người Mỹ tiếp tục nói chuyện với họ", Xie đánh giá.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nỗ lực bình thường hóa tình trạng kinh tế và ngoại giao của Triều Tiên. Với việc Triều Tiên vẫn gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, "sự hỗ trợ chính trị và kinh tế của Trung Quốc vẫn rất quan trọng", Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nói.

"Tôi đoán rằng họ sẽ nói về con đường phía trước và các ưu tiên", Glaser nói về nội dung trao đổi giữa ông Tập và ông Kim. Với góc nhìn của Trung Quốc, các ưu tiên sẽ là đảm bảo rằng Bắc Kinh được đưa vào các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình của bán đảo Triều Tiên và tạo ra một môi trường trên bán đảo sao cho sự hiện diện của quân đội Mỹ không còn cần thiết.

"Kim đang tiếp cận cả bạn bè truyền thống lẫn đối thủ. Việc này thực sự gây phức tạp cho nỗ lực của Mỹ trong việc gây áp lực tối đa với Triều Tiên", Stephen Nagy, giáo sư tại Đại học Thiên chúa giáo Quốc tế ở Tokyo, nói.

"Quả bóng giờ nằm trong sân của Triều Tiên", Shin Beomchul, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, bình luận. "Nếu họ thực sự tiến hành các bước phi hạt nhân hóa thì sẽ có nhiều cuộc tập trận bị đình chỉ và cuối cùng có thể dẫn đến các cuộc thảo luận nhằm giảm lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc".

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất