| Hotline: 0983.970.780

Sức mạnh đến từ xã viên

Thứ Tư 20/11/2013 , 10:16 (GMT+7)

Quan trọng nhất của một HTXNN là đưa xã viên thành mắt xích không thể thiếu.

Quan trọng nhất của một HTXNN là đưa xã viên thành mắt xích không thể thiếu.

Trong khi đa số các HTXNN hiện đang rệu rã thì HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công (TX Gò Công, Tiền Giang) vẫn cho thấy hướng đi đúng đắn.

Trong nhiều năm liền, thương hiệu gà ta Gò Công nổi tiếng của HTX đã và đang được tiêu thụ rất mạnh trên cả nước và tới đây sẽ cho xuất khẩu. Quan trọng nhất, hơn 40 xã viên từ cảnh nghèo khó, bây giờ giàu lên nhanh chóng từ chính sản phẩm này.

Thành lập từ tháng 10/2007 trong vô vàn khó khăn, nhất là sau khi dịch cúm gà năm 2003 bùng phát, toàn địa phương đều lao đao vì gia cầm. Chưa có một khái niệm cụ thể hay hướng đi nào, cho nên cứ thấy mặt hàng gì có giá thì 10 thành viên của HTX đều đưa vào nuôi trồng, lúc thì trồng rau diếp cá, nuôi heo, liên tục chạy theo xu hướng thị trường nên đời sống mọi người bấp bênh.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công, bày tỏ: “Quả thực hồi đó cứ nghĩ HTX cũng giống hồi xưa, tức là gom tài sản của xã viên hết vào làm của chung. Tìm hiểu mãi tôi mới vỡ lẽ ra không phải vậy…”.


Ông Kiệt: “Sức mạnh của HTX là sự đoàn kết”

Ông kể, những năm đầu, nghe đến chăn nuôi là bà con ai cũng sợ, cũng hoảng. Chính Ban chủ nhiệm còn sợ chứ đừng nói đến các xã viên. Thành ra, ông phải năng lên Trạm Khuyến nông huyện để hiểu hơn về quản lý HTX kiểu mới, cũng như được tư vấn hướng đi cụ thể. Cán bộ khuyến nông khuyên nên nuôi giống gà Gò Công nhưng lai nó với giống gà Ross (Anh) để tăng năng suất trứng cũng như thịt được ngon hơn.

Đi đầu trong công tác giống, ông Kiệt và một số xã viên đã tiến hành nuôi với số lượng đàn từ 300 - 400 con. Bất ngờ thay, năng suất trứng giống gà lai này đạt kỉ lục, cho tới 180 trứng/năm thay vì 70 trứng/năm với giống thường. Hơn nữa, gà được người mua đánh giá rất cao về độ chắc thịt và thơm ngon. Ngay lứa xuất đầu tiên đã cho lãi cả chục triệu đồng. Chưa dừng lại, sản phẩm gà lai này còn được giải C “Sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ VII” của tỉnh.

Chính từ đây, xã viên bắt đầu quan tâm tới nó và tập trung vào đầu tư chuồng trại theo khuôn mẫu, phát triển từ quy mô nhỏ đến vừa. Cho đến nay, đã có rất nhiều nông dân xin tham gia HTX, nhiều xã viên từ cảnh nghèo đã dần vươn lên làm giàu, quy mô HTX cũng theo đó mà lớn mạnh.

Trong nhiều năm liền, thương hiệu gà Gò Công đang là minh chứng rõ nhất cho sự thành công của HTX Chăn nuôi - Thủy Sản. Sản phẩm này hiện đang là mặt hàng tiêu thụ mạnh trên địa bàn cả nước. Hiện số xã viên của HTX là 40 người, mỗi người nuôi 2.000 - 3.000 con, nhưng chưa đến kỳ xuất thì đã có thương lái đặt hàng hết sạch.

Trong tháng 9 vừa rồi, số gà xuất ra lên tới 120.000 con. Chỉ với diện tích khoảng chừng 500 m2, 1 hộ lãi đến 100 triệu đ/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2013, số lãi thu về đã gần 6 tỉ đồng; cùng với đó, việc thu thuế gà 5% đã đem về hơn 800 triệu đồng cho ngân sách nhà nước.

Mới đây, HTX ký kết với 2 tập đoàn nông nghiệp để xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài. Xã viên Nguyễn Văn Phượng (TX Gò Công) chia sẻ: “Trung bình trước đây một đợt tôi xuất bán gà lãi 20 triệu, nhưng tháng 7 vừa rồi thì con số lên tới 70 triệu”. Còn bà Trần Thị Vui cũng vừa xuất khoảng 1.700 con, lãi 35 triệu đồng.

Vấn đề kinh tế hiện nay đã không còn đáng lo, vì thế Ban chủ nhiệm HTX đang tập trung gây dựng sức mạnh tinh thần đoàn kết của các xã viên. Với những cuộc họp hàng tháng, cùng những hỗ trợ của các Cty thức ăn, thuốc thú y, mọi người ai ai cũng hưởng ứng, đồng lòng đi theo đường lối mà HTX đã đề ra. “Hãy để chính người dân làm chủ tài sản của mình, để họ đầu tư, thu lợi nhuận nhưng họ cần nằm trong mắt xích HTX, lợi ích sẽ cao hơn”, ông Kiệt nói.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.