| Hotline: 0983.970.780

Sức sống bền bỉ, dẻo dai đến lạ kỳ của làng phong miền chân sóng

Thứ Hai 09/07/2018 , 14:30 (GMT+7)

Ở làng phong ấy có những con người nhỏ bé, từng một thời đầy đau đớn, phải đối mặt với gặm nhấm của bệnh tật, của sự ghẻ lạnh. Nhưng trong họ, vẫn có một sức sống bền bỉ, dẻo dai đến lạ kỳ.

Nơi ghép lại những mảnh đời dị dạng

Lặng lẽ, kín đáo, làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định) nằm hẻo lánh. Nhưng nó không cô đơn. Vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện cùng nét đẹp cuộc sống của con người nơi đây tạo nên một cảm giác yên bình, thanh thản. Gặp họ, tưởng chừng như chưa có vết thương nào từng in dấu trên những tấm thân vốn đã hao gầy vì căn bệnh phong quái ác. Nhưng ở đó, có những cuộc đời và sự nương tựa.

11-48-37_7
Đường vào làng phong xanh mát, rợp bóng cây và hoa

Làng phong Quy Hòa hẳn không xa lạ với nhiều người. Rộng khoảng 60ha, nằm ẩn dật trong một thung lũng bao quanh là núi và biển, làng phong như một dấu chấm lặng giữa cung đàn, được viết nên với những điệu khúc buồn.

Và, đây cũng là nơi mà thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng sống và gắn bó trọn kiếp đớn đau. Điều này không khó để lý giải, bởi cái tên ông - một trong những thi sĩ nổi tiếng bậc nhất phong trào thơ mới đã từng sinh sống và gắn bó trọn kiếp đớn đau với đất này.

Trước làng phong Quy Hòa được xem là thế giới đã “an bài” của những “con hủi” bất hạnh, sống tách biệt, câm lặng. Giờ đây, sự e ngại với những bệnh nhân phong bớt đi nhiều, thay vào đó là những tâm hồn đồng điệu, tràn ngập yêu thương. Mọi người đã đặt cho nơi này một cái tên rất mỹ miều, là “thung lũng tình thương”.

11-48-37_6
Bên trong nhà lưu niệm thi sĩ Hàn Mặc Tử

Những mái ấm gia đình ở làng phong Quy Hòa như trong chuyện cổ. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con, đẻ cái. Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn.
 

Sống ấm áp quãng đời còn lại

Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp hướng ra làng chài của những người mắc bệnh phong, ông Hoàng Ngọc Mừng (SN 1940) bồi hồi nhớ lại mái ấm hạnh phúc của mình: “Năm 32 tuổi, tôi thấy có nhiều vết đỏ nơi cùi trỏ và đầu gối. Nhân có đoàn y tế khám ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), tôi mạnh dạn đi khám. Một tuần sau, có giấy báo tôi biết mình đã bị phong".

Bác sĩ khuyên ông nên vào bệnh viện phong Quy Hòa để điều trị vài năm rồi về vì ông còn trẻ. Trên chuyến xe định mệnh đến Quy Hòa đúng 7h30 tối ngày 12/9/1977 có 8 người bệnh phong tại Huế lúc ấy, 2 người đã về quê, 5 người còn lại đã gửi nắm xương tàn cùng cát bụi vì tuổi tác.

Thấp thoáng sau những tán lá xanh là hàng trăm ngôi nhà của bệnh nhân phong được xây dựng cách đây non thế kỷ. Trong làng có khu vườn tượng gồm 40 bức tượng bán thân của các danh y Đông - Tây kim cổ. Tất cả được đặt xoay vào nhau theo một con đường nhỏ, dưới bóng phi lao rì rào.

11-48-37_4
Khu vườn tượng ở làng phong

Qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, chân dung các danh y được khắc họa một cách sống động. Từng gương mặt đều toát lên vẻ đăm chiêu, suy nghĩ như chung một niềm trăn trở về việc cứu rỗi con người.

Hiện làng có gần 350 hộ gia đình với hơn 1.100 nhân khẩu. Họ là những bệnh nhân phong đến từ nhiều nơi, chủ yếu là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Vì mặc cảm bệnh tật, họ không trở về cố hương mà quyết sống chết tại đây, coi Quy Hòa như quê hương thứ hai.

11-48-37_1
Bệnh nhân phong được chữa khỏi và ở lại với làng phong Quy Hòa

Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, họ chôn chặt trong lòng để đối mặt với cuộc sống bệnh tật mà mình đang mắc phải. Trong những ngày tháng đau khổ đó, các bệnh nhân phong đã tự tìm đến với nhau, đùm bọc, chở che nhau tạo nên một mái ấm.

Phóng tầm mắt xa hơn là bãi biển Quy Hòa yên ả, nằm song song với chiều dài ngôi làng. Chúng tôi, ai cũng phải ồ lên bởi biển nơi đây đẹp như một bức tranh thơ mộng. Dưới ánh nắng vàng rực rỡ, bầu trời càng trở nên cao hơn, cát vàng hơn, nước biển dường như cũng xanh và trong hơn. Sự quyến rũ của biển Quy Hòa cũng vì thế mà tăng lên gấp bội.

Trên con đường xanh mát bóng dừa dẫn vào nơi ở của những bệnh nhân phong trước đây, có rất nhiều những nụ cười hồn hậu, mến khách. Thấy người lạ trò chuyện với một cụ ông trong làng, nhiều người kéo đến vây quanh, cùng ngồi chăm chú lắng nghe. Dường như, dù định kiến có được xóa bỏ thì sự thèm khát những cuộc gặp gỡ với con người lành lặn vẫn là khát khao nhỏ nhoi của người dân nơi này.

Cuộc sống của bệnh nhận phong nay ấm áp hơn. Đi khắp làng phong, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những đứa trẻ đang hồn nhiên vui đùa, chạy nhảy. Tiếng cười khúc khích của con trẻ đã xóa bớt đi nỗi buồn u ám về bệnh tật, cho họ nguồn sống cũng như niềm hy vọng.

Được sống với nhau trong tình yêu thương, các bệnh nhân không còn thấy mặc cảm. Sức mạnh tình yêu đã trở thành liều thuốc tinh thần cùng với sự tiến bộ của y học đã giúp nhiều người vượt lên. Những viên thuốc và sự chăm sóc của bác sĩ đã giúp đẩy lùi căn bệnh, nhưng sự sống của họ chỉ thực sự trở lại với những người cùng cảnh, thấu hiểu và chia sẻ.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất