| Hotline: 0983.970.780

Sức sống đảo khơi

Chủ Nhật 30/04/2017 , 09:01 (GMT+7)

Biển Tây bao bọc vùng đất cực nam tổ quốc với hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó hàng chục đảo là có dân sinh sống. Đây không chỉ là môi trường sống lý tưởng, với không khí trong lành, nhiều bãi biển cát trắng mịn, mà còn mang lại nguồn kinh tế biển dồi dào,...

Kết nối đất liền

Kiên Giang được ví như Việt Nam thu nhỏ, với tài nguyên thiên nhiên phong phú: đồng bằng, rừng, đồi núi, biển đảo... Hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trên vùng biển Tây đã hình thành nên 2 huyện đảo: Phú Quốc và Kiên Hải. Kinh tế biển, đảo đóng góp nguồn thu không nhỏ cho tỉnh.

Huyện Kiên Hải nằm trải mình trên hơn 20 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó có 4 đảo lớn hình thành nên 4 xã: Hòn Tre (trung tâm hành chính huyện), Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Thiên nhiên kiến tạo các đảo lớn này nằm cách đều nhau khoảng 30km. Ra đảo bây giờ khá thuận tiện, tàu cao tốc chạy năm, sáu chuyến mỗi ngày.

08-16-54_1-moi-ngy-co-5-6-chuyen-tu-co-toc-tu-dt-lien-r-do-v-nguoc-li-ket-noi-gio-thong-thun-tien
Mỗi ngày có 5 - 6 chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo và ngược lại, kết nối giao thông thuận tiện

Sáng cuối tuần, tôi xuống tàu cao tốc SuperDong ra đảo. Rời bến Rạch Giá, con tàu xé nước lao đi, chưa đầy một tiếng đồng hồ, đảo Hòn Tre đã sừng sững trước mặt. Tàu cặp bến cho khách lên, rồi lại đón khách đi tiếp ra các đảo còn lại. Vừa bước lên cầu cảng rộng rãi mới được xây dựng kiên cố, tôi đã nhận ra sự thay đổi nhanh chóng của huyện đảo này. Điện lưới quốc gia kéo từ đất liền ra, giao thông quanh đảo bê tông hóa, khu tránh trú bão cho tàu cá hiện đại, an toàn, khu dân cư thương mại lấn biển đang dần hiện hữu.

Anh Đinh Ngọc Hạnh, một cư dân của đảo sống bằng nghề đưa đón khách du lịch, cho thuê xe thăm quan đảo niềm nở tiếp chúng tôi. Anh bảo: “Bây giờ đi lại thuận tiện lắm, chỉ vài chục ngàn là tham quan hết đảo. Muốn có người chở và hướng dẫn luôn thì cứ việc ngồi sau xe. Còn không thì lấy xe tự chạy”.

Anh Hạnh thuộc thế hệ 7x sinh sau ngày miền Nam được giải phóng. Từ An Giang, anh được bố mẹ đưa ra đảo khi còn lẫm chẫm bước đi và gắn bó tới bây giờ. Theo anh Hạnh, cuộc sống trên đảo bây giờ không thua kém gì đất liền. Trước đây, đi lại bằng tàu cây vất vả, mất thời gian, còn bây giờ đi toàn cao tốc, nhanh lắm. Còn trên đảo thì xe chạy bon bon. Điện trước đây tự phát bằng máy dầu, giờ đã có điện lưới quốc gia. Các dịch vụ phát triển, đời sống thay đổi từng ngày.

08-16-54_2-ket-noi-dien-luoi-quoc-gi-tu-dt-lien-r-do-phuc-vu-pht-trien-kinh-te-x-hoi-nht-l-dich-vu-du-lich
Kết nối điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là dịch vụ du lịch

“Ở đảo mấy chục năm rồi, có khi nào anh nghĩ sẽ trở vào đất liền sinh sống?”, tôi hỏi. Anh lắc đầu: “Sống ngoài đảo rất yên ổn và an toàn, làm kinh tế cũng dễ. Hơn nữa, ở rết quen rồi, vào bờ mấy ngày là nhớ đảo, thèm không khí trong lành từ biển khơi”.

Tương tự, chị Võ Thị Thắm (SN 1976) quê từ huyện An Biên (Kiên Giang), lấy chồng và lập nghiệp ngoài đảo đã hơn 20 năm. “Lúc đầu khi mới ra đảo cũng cảm thấy buồn nhưng ở riết rồi quen. Đảo ngày càng phát triển, là nơi sống lý tưởng, người ta tìm ra đảo để du lịch, mua đất sinh sống chứ ít ai từ đảo muốn vào bờ”, chị Thắm tâm sự.

Không ít cán bộ ra đảo công tác rồi gắn bó lâu dài trên đảo. Anh Võ Văn Võ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kiên Hải là một trong nhiều người như thế. Anh Võ quê ở Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nha Trang, chưa tìm được việc làm, anh vào Kiên Giang thăm người bạn học. Ai ngờ lần vào chơi ấy đã gắn bó cuộc đời anh với biển, đảo Kiên Giang đến tận bây giờ.

Hiện nay, trong bốn xã của huyện Kiên Hải, thì hai xã Hòn Tre và Lại Sơn đã được kết nối với điện lưới quốc gia bằng công trình vượt biển. Hai xã còn lại cũng nằm trong kế hoạch xây dựng trong thời gian tới. Nhờ có điện lưới quốc gia, đã góp phần thay đổi nhanh diện mạo của đảo, thu hút khách du lịch, người dân ra đảo sinh sống ngày càng đông hơn.
 

Làm giàu từ đảo

Kinh tế biển, đảo mang lại nguồn thu lớn cho người dân Kiên Hải. Trong đó, giá trị ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chiếm tới 60% toàn huyện. Những năm gần đây, nguồn lợi khai thác ngoài tự nhiên suy giảm, người dân Kiên Hải bắt đầu chuyển sang phát triển nghề nuôi lồng bè quanh các đảo, với đối tượng chính là bống mú và cá bớp. Anh Nguyễn Trung Thành, một ngư dân của đảo Hòn Tre tâm sự: “Nghề biển đã thấm vào máu thịt của tôi vì gia đình có tàu, từ nhỏ đã ra khơi đánh bắt”.

08-16-54_3-nuoi-c-long-be-ven-do-mng-li-nguon-thu-nhp-cho-ngu-dn-1
Nuôi cá lồng bè ven đảo mang lại nguồn thu nhập cho ngư dân

Vừa làm tàu biển anh Thành vừa đầu tư nuôi cá lồng bè ven đảo. Cá tạp sau khi đánh bắt được anh tận dụng làm thức ăn nuôi cá. “Nếu giá cá bớp thương phẩm ở mức 150 ngàn đồng/kg, những người nuôi bình thường chỉ lãi khoảng 30% nhưng tôi có thể lãi 50% nhờ nguồn thức ăn nhà đánh bắt được. Với 10 lồng nuôi cá bống mú và cá bớp, mỗi năm cũng mang lại cho gia đình nguồn thu khá tốt”, anh Thành chia sẻ.

Chồng đi đánh bắt, chị Võ Thị Thắm ở nhà không chỉ làm nội trợ mà còn chăm sóc 8 lồng nuôi hơn 1.000 con cá bớp. Từ lứa nuôi đầu tiên cách đây 8 năm, với 500 con cá bớp đã mang lại lợi nhuận hơn 200 triệu, gia đình chị Thắm đã chọn nghề nuôi cá lồng để tăng thu nhập. Nguồn thu từ tàu đánh bắt của chồng ngoài biển khơi và lồng nuôi cá ven đảo đã mang lại cho gia đình chị Thắm cuộc sống sung túc, ba đứa con đều được chăm lo học hành.

Ngoài hải sản, kinh tế vườn với những loại cây trái đặc sản như hồ tiêu, bơ, xoài, mít... cũng mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân Kiên Hải. Những triền đồi dốc thoai thoải là nơi trồng vườn khá lý tưởng.

Ông Trần Văn Đông, Trưởng Ban lãnh đạo ấp 3, xã Hòn Tre cho biết, toàn ấp năm 2016 thu hoạch 30 tấn hồ tiêu và trên 50 tấn xoài, bưởi, mít, chuối... mang lại nguồn doanh khoảng 6 tỷ đồng. Theo ông Đông, cây hồ tiêu đã có mặt trên đảo khá lâu nhưng phát triển mạnh khoảng 10 năm trở lại đây nhờ tiêu được giá. Hầu hết các hộ trồng tiêu trong ấp hiện nay đều khá, giàu.

“Trước đây, ấp này toàn là nhà cây, lá, nhà tường xây rất ít. Nhưng nay nhà cây, lá không còn, ai cũng có điều kiện xây nhà tường kiên cố hết rồi”, ông Đông phấn khởi.

08-16-54_3-nuoi-c-long-be-ven-do-mng-li-nguon-thu-nhp-cho-ngu-dn-2
Tùy mức đầu tư và đầu ra thuận lợi, nghề nuôi cá lồng mang lại nguồn thu từ 500 - 700 triệu đồng cho mỗi hộ/năm

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kiên Hải Võ Văn Võ cho biết, với lợi thế về kinh tế biển đảo, nghề truyền thống của bà con là khai thác đánh bắt hải sản, chế biến nước mắm... Khoảng từ đầu năm 2000 trở lại đây, phát triển thêm nghề nuôi cá lồng bè. Hiện toàn huyện có 259 hộ nuôi với trên 900 lồng, ngoài ra còn một số hộ nuôi bào ngư, hải sâm... Tùy mức đầu tư và đầu ra thuận lợi, nghề nuôi cá lồng mang lại nguồn thu từ 500 - 700 triệu đồng cho mỗi hộ/năm.

Gần đây, du khách đến với đảo ngày càng tăng, dịch vụ du lịch phát triển rất mạnh, tạo việc làm và thu nhập cho người dân Kiên Hải. Trong đó, du lịch phát triển mạnh tại Lại Sơn và quần đảo Nam Du. Tuyến tàu cao tốc loại lớn được các công ty đưa vào khai thác, kết nối giao thông thuận lợi từ đất liền ra đảo và ngược lại, du khách tìm đến du lịch ngày càng đông hơn. Đặc biệt, là từ khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng trên đảo được quan tâm đầu tư, đảo khơi đã mang trên mình sức sức sống mới.

Trần Trương Như Ý, Phó chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang) cho biết, vùng biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang có 143 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó hiện có 43 đảo có dân sinh sống. Đời sống người dân trên đảo chủ yếu là khai thác, đánh bắt hải sản, nuôi cá lồng bè và làm dịch vụ thương mại, du lịch... đời sống khá phát triển.

Hiện nay, có 4 đảo đã được kéo điện lưới quốc gia gồm Phú Quốc (cáp nguồn xuyên biển), xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương) và Hòn Tre, Lại Sơn (huyện Kiên Hải). Nhiều đảo đã được đầu tư hạ tầng giao thông quanh đảo, đi lại thuận tiện. Đời sống người dân trên đảo ngày càng phát triển.

Trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng đồng ý cho UBND tỉnh Kiên Giang sớm hoàn tất thủ tục cần thiết để thành lập huyện đảo Thổ Châu (hiện là xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc) để tiếp tục được đầu tư phát triển về du lịch, cũng như về an ninh quốc phòng.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.