| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới ở vùng quê nghèo

Thứ Tư 02/10/2013 , 09:40 (GMT+7)

Trong những ngày đầu tháng 10, có dịp trở lại xã đặc biệt khó khăn Lâm Tân (Thạnh Trị, Sóc Trăng), nơi có đến 44% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở nơi đây.

Trong những ngày đầu tháng 10, có dịp trở lại xã đặc biệt khó khăn Lâm Tân (Thạnh Trị, Sóc Trăng), nơi có đến 44% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở nơi đây.

Những con đường, cây cầu mới rộng rãi, trạm y tế, trường học khang trang; dọc theo những con đường là những căn nhà tường khang trang đua nhau mọc lên đan xen những cánh đồng lúa xanh mướt.

Nhiều năm qua, nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống của đại đa số bà con đã thay đổi đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo từng bước được giảm. Đây được xem là bước đột phá mới trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Lâm Tân.

Được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM vào năm 2011, Lâm Tân có nhiều thuận lợi trong việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Năm 2012, tỉnh đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để xã thực hiện hoàn thành cơ bản các tiêu chí về xây dựng NTM.


Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo diện mạo mới ở xã nghèo Lâm Tân

Bằng nhiều nguồn vốn của Nhà nước, bà con nghèo trên địa bàn xã đã được hỗ trợ 450 giếng khoan nước sạch, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho 590 hộ, kéo điện sinh hoạt mới cho hàng trăm hộ dân. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 40% thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 16%.

Đến thời điểm này, Lâm Tân đạt 10/19 tiêu chí về xây dựng NTM, có trên 98% hộ dân trên địa bàn xã đã được dùng điện lưới quốc gia, đường giao thông nông thôn được bê tông hoá và có đường ô tô về đến trung tâm xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dạng, Chủ tịch UBND xã Lâm Tân, phấn khởi cho biết: “Trong năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ, Lâm Tân đã xây dựng và bàn giao được 50 căn nhà cho hộ nghèo. Đối với thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua công cụ sản xuất, xã xét hỗ trợ cho 109 hộ đầu tư nuôi heo; 11 hộ mua máy phun xịt; 15 hộ đầu tư nuôi trăn”.

Là xã có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, đa số hộ dân sống bằng nghề nông nhưng lại ít ruộng, đời sống nhân dân rất khó khăn. Để cải thiện đời sống người dân, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Lâm Tân đã thực hiện phương châm luân canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng, tăng từ 1- 2 vụ lúa lên 3 vụ, ổn định diện tích đất gieo trồng lúa hằng năm đạt hơn 7.500 ha, nâng năng suất lúa bình quân đạt trên 5,9 tấn/ha.

Cùng với cây lúa còn phát triển thêm nhiều loại cây trồng khác: bắp, rau màu... Thường xuyên kết hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng màu, trồng nấm rơm, nuôi trồng thủy sản… tích cực tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống cây, con mới có năng suất cao vào sản xuất, áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật nên những năm qua sản xuất nông nghiệp luôn đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Đồng thời, Lâm Tân tích cực triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, tuyên truyền vận động hộ nghèo nâng cao nhận thức trong việc sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, nêu cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.

Ấp Trung Nhất có trên 98% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, diện mạo nông thôn, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay hẳn.

Gặp chúng tôi, ông Thạch Chiến, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban nhân dân ấp, khoe: “Trước đây, ấp này nghèo lắm, toàn ấp có 220 hộ, có hơn 100 hộ không có đất sản xuất, cả ấp kiếm một cái nhà tường không có. Còn đường đi thì sình lầy, sử dụng nước sông, điện cũng không có.

Giờ đi đâu cũng thấy nhà tường khang trang, đường thì láng mịn, trường học, điện thắp sáng, nước hợp vệ sinh sử dụng. Con em đến tuổi đi học cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền nên ai cũng được đến trường.

Thực hiện chính sách dân tộc như Chương trình 134, 135, 74… ấp đã giúp cất hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo và hỗ trợ hơn 100 con trâu, bò, lợn… cho hộ nghèo phát triển kinh tế. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con đã khá lên, nông thôn ấp Trung Nhất cũng thay da đổi thịt”.

Chúng tôi đến ấp Kiết Lập A thăm những gia đình Khmer nghèo được thụ hưởng các Quyết định 74 và 167 của Thủ tướng Chính phủ.

Ghé vào gia đình anh Lâm Thinh ở cùng ấp cũng vừa đăng ký thoát nghèo, anh phấn khởi bộc bạch: “Gia đình tôi có 2 công đất, làm lụng quanh năm mà không đủ ăn. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ tiền mua công cụ sản xuất, tôi đã mua máy bơm nước và mua một con bò. Nay đàn bò phát triển 4 con, tôi vừa bán một con bò con được 4 triệu đồng. Cũng nhờ nuôi bò và chăm lo làm ruộng mà giờ đây cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn trước”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất