| Hotline: 0983.970.780

Sức sống trên hồ sinh thái Na Hang

Thứ Năm 06/09/2018 , 17:48 (GMT+7)

 Với hơn 8.000 ha diện tích mặt nước, núi non hùng vĩ bảo phủ bởi rừng đại ngàn là điều kiện lý tưởng để hồ sinh thái Na Hang phát triển kinh tế du lịch và thủy sản.

Nuôi cá lồng giúp nhiều hộ gia đình ở Na Hang thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm

 Lợi thế này đã được huyện Na Hang (Tuyên Quang) khai thác hiệu quả, góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế của địa phương.

Xây dựng thương hiệu thủy sản sạch

Phát triển nghề thủy sản bền vững, cấp ủy huyện Na Hang định hướng các hộ dân phát triển theo hướng sạch, tuân thủ theo quy trình VietGAP. Đến nay, huyện đã xây dựng được nhãn hiệu cho 2 sản phẩm cá, có truy xuất nguồn gốc.

Bà Trần Thị Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam cho biết, lợi thế lớn nhất trong việc nuôi thủy sản sạch ở Na Hang là nguồn nước tự nhiên khá sạch; nguồn cá tạp làm thức ăn trên vùng hồ còn khá phong phú nên các hộ nuôi ít sử dụng thức ăn công nghiệp. Hiện tại, công ty có 60 lồng cá lăng, chiên và rô phi. Tùy từng đặc tính cá mà thời gian sinh trưởng, phát triển khác nhau. Cá của công ty nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên luôn được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường từ 150 đến 180 tấn cá đặc sản các loại.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế trên vùng lòng hồ, hằng năm huyện Na Hang đều triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển thủy sản; lập quy hoạch phát triển thủy sản, quy hoạch các vùng, bãi đẻ bãi cấm khai thác; vận động nhân dân khai thác hợp lý, đúng quy địch, đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng. Huyện cũng triển khai hiệu quả Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng cho 32 hộ dân đầu tư phát triển 100 lồng cá.

Gia đình ông Vũ Duy Ly gắn bó với nghề cá trên vùng hồ Na Hang 5 năm nay, ông hiểu được đặc tính sinh trưởng của từng loài cá. Gia đình ông hiện có 6 lồng cá bỗng, chép, lăng. Năm 2017, ông được vay 200 triệu đồng tiền vốn từ Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đầu tư làm lồng sắt kiên cố. Ông Ly cho biết, nguồn vốn vay lãi xuất ưu đãi của nhà nước là “cần câu” hữu ích cho người nuôi cá sống và phát triển với nghề. Để nghề cá của gia đình phát triển bền vững ông luôn tâm niệm, phải nuôi cá sạch. Hiện nay, huyện Na Hang đang đẩy mạnh phát triển du lịch, khách tham quan ngày một đông, nếu người nuôi cá cung cấp được thủy sản ngon, sạch sẽ góp phần không nhỏ quảng bá cho du lịch Na Hang. Nuôi cá sạch, nên 6 lồng cá của gia đình ông đến vụ thu hoạch được thu mua kịp thời. Trừ các khoản chi phí, mỗi vụ cá gia đình ông thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Theo Phòng NN và PTNT huyện Na Hang, hiện nay huyện có 2 công ty và 100 hộ gia đình nuôi cá trên vùng lòng hồ, với tổng số 835 lồng cá, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 670 tấn/năm, có 5 đến 10% số hộ nuôi thủy sản thu lãi 300 triệu đồng/năm.

Phát triển hiệu quả, bền vững

Chỉ cần có trong túi hơn 1 triệu đồng, một du khách từ Ninh Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc… có thể đến Na Hang tham quan và khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây. Ở đây, dù không có bảng niêm yết, nhưng giá của các hộ kinh doanh dịch vụ đưa ra khá tương đồng và hợp lý. Trải nghiệm trên hồ Na Hang, du khách sẽ được tham quan những lồng nuôi cá đặc sản; nghiên cứu tập tính sinh trưởng và phát triển của từng loài thủy sản như lăng, chiên, bỗng, tầm. Na Hang đã có 10 tổ chức, cá nhân mở dịch vụ du lịch trải nghiệm.  

Chị Nguyễn Thị Tâm, thành phố Ninh Bình cho biết, đi du lịch tại Na Hang chị được ngắm khung cảnh non nước, núi rừng cùng các dải thác nước tuyệt đẹp. Ghé thăm những nhà hàng giữa lòng hồ sinh thái dưới chân thác Mơ, chị được nghe chủ nhà lồng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá tiến vua; được trực tiếp câu, bắt chúng và tự tay chế biến các món cá mang phong cách ẩm thực riêng của mảnh đất Na Hang dưới sự hướng dẫn của chủ nhà hàng. Chị mong muốn, huyện Na Hang sẽ tiếp tục đầu tư phát triển tốt hơn nữa các dịch vụ du lịch và chị sẽ trở lại Na Hang trong dịp sớm nhất.

Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang với diện tích 67.893 ha được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Trong khu dự trữ có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Tại đây, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch…

Du khách tham quan, du lịch trên hồ sinh thái Na Hang

Phát triển du lịch vùng lòng hồ, huyện Na Hang đã kết nối các tuyến đường thủy từ thị trấn Na Hang với 8 xã khu C của huyện và các xã của huyện Lâm Bình; nối liền với khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Huyện đang phối hợp với bảo tàng tỉnh Tuyên Quang thực hiện đo đạc, vẽ bản đồ chỉ dẫn đường đến 28 di tích, thắng cảnh trên địa bàn để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt; phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UNESCO đưa hồ sơ Ba Bể - Na Hang vào danh mục hồ sơ di sản thế giới.

Ông Tô Viết Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện xác định phát triển kinh tế du lịch và thủy sản vùng lòng hồ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm và cả nhiệm kỳ. Huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch và thủy sản bền vững.

Những cánh rừng nghiến, lim, táu… sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt; những mô hình kinh tế phát triển thủy sản, du lịch mọc lên nhiều hơn, đảm bảo khai thác, quản lý và bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên trên khu vực hồ sinh thái Na Hang đó là những gì mà cấp ủy, chính quyền huyện đang tiếp tục hướng tới trong tương lai gần.   

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất