| Hotline: 0983.970.780

Sức xuân vùng đất nơi cổng trời xứ Nghệ

Thứ Sáu 01/02/2019 , 13:45 (GMT+7)

Quanh năm sương mù phủ kín lối, Mường Lống huyện vùng núi cao Kỳ Sơn (Nghệ An) tựa như một bức tranh thủy mặc huyền bí, đẹp e ấp dưới tấm màn nhung mù sương mỏng tang.

Mảnh đất được ví von là cổng trời, là “Sa Pa xứ Nghệ” một thời trải qua những ký ức đau thương, nhưng giờ đây mọi thứ đã lùi sâu nhường chỗ những mầm xanh tươi tốt…
 

Hồi sinh

Vùng đất này trước kia bao trùm một màu âm u tĩnh mịch, đứng ở thung lũng ngước mắt nhìn quanh bốn phía chỉ thấy bóng núi gối kề nhau san sát. Đường không ra đường, lối không ra lối, cất công đi mải miết vẫn quay về chốn cũ, đồng bào gọi là “Lống Tang”, theo tiếng Thái nghĩa là "đi lạc".  

13-59-28_1
Mường Lống, nơi giao thoa đất trời

Đất Mường Lống chủ yếu người Mông sinh sống. Bên cạnh những yếu tố đặc thù, khi xưa người Mông chọn thung lũng này để khai hoang mở lối vì nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, đất đai phù hợp phát triển… cây anh túc.

Những năm 1990 đổ về trước Mường Lống được xem là thủ phủ của thuốc phiện, trên nương rẫy ngô, khoai, sắn lúc bấy giờ chỉ là thứ yếu, tất cả phải “cúi rạp” nhường chỗ cho thứ keo mủ chết chóc. Đến hẹn lại lên, mỗi bận vào mùa dân buôn tứ xứ lại lũ lượt dắt ngựa nối đuôi nhau xé toạc cổng trời xới tung làng bản thu mua cho bằng hết. Không tốn công chăm sóc lại đắt hàng hơn tôm tươi, cứ thế cây thuốc phiện ngày một cắm sâu, mụ mị.

May thay từ chính sách, chủ trương của Nhà nước, mảnh đất một thời gắn chặt với những ký ức thương đau từng bước vươn mình hồi sinh ngoạn mục. Giờ đây đồng bào đã được dùng nước sạch, được dùng điện lưới, con trẻ được chăm lo, được biết mặt chữ. Rồi khi con đường đất dài đằng đẵng men theo những con đèo nhỏ bốn mùa nhão nhoét, trơn tựa đổ mỡ, một bên tựa vào vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm được trải nhựa phẳng lì, người dân ở cổng trời càng thêm yên tâm cái bụng.

13-59-28_2
Sức sống mới nơi cổng trời

Chủ tịch xã Mường Lống Và Nỏ Vừ chia sẻ: “Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay bà con dần thay đổi nếp nghĩ, nhiều gia đình đã biết lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu chỉ một vài diện tích mận tam hoa và đào không hạt, về sau trồng thêm chè Shan tuyết, trồng cả hoa ly, nhân rộng thêm diện tích rau màu. Đất ruộng không mấy dư dả nên các hộ ưu tiên phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Tầm 10 năm trước phần lớn các hộ đều nằm trong diện khốn khó, hiện tỷ lệ này đã giảm sâu, chỉ chiếm khoảng 42% nữa thôi”.
 

Sung túc nhờ trâu, bò

Mường Lống vắt vẻo trên đỉnh núi cao, nằm gần kề biên giới nước Lào, thuận lợi có nhưng khó khăn cũng nhiều. Khoảng cách quá xa trung tâm vô hình chung kéo theo muôn vàn bất lợi, điển hình là hạn chế trong việc tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhằm tạo nên sự chủ động cũng như tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có, chính quyền địa phương đi đến thống nhất tập trung phát triển chăn nuôi gia súc làm trọng tâm. “Hướng đi này đang phát huy hiệu quả kinh tế hết sức rõ rệt, được xem là chiếc đòn bẩy giúp dân bản vươn mình mạnh mẽ”, Chủ tịch Và Nỏ Vừ nói.

13-59-28_3
Vừ Giống Và nuôi trâu bò vỗ béo có tiếng khắp miền biên cương

Hiện Mường Lống chỉ có khoảng trên dưới 950 hộ dân nhưng họ sở hữu đến 616 con trâu, gần 3.000 con bò, 1.355 con lợn, 680 con dê, 52 con ngựa cùng đàn gia cầm lên đến hàng chục ngàn. Những con số minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình thật sự nơi biên viễn cổng trời xứ Nghệ.

Chủ tịch Và Nỏ Vừ thấu hiểu: “Với đồng bào chỉ có hiệu quả thực tế mới đủ sức thuyết phục. Muốn làm được điều đó cán bộ phải là những người tiên phong, bản thân tôi không là ngoại lệ”.

Cán bộ đi trước dân bước theo sau, đó là chủ trương mà chính quyền xã Mường Lống hướng đến. Bên cạnh Chủ tịch xã Và Nỏ Vừ phải kể đến Trưởng bản Mò Nừng, ông Lầu Pá Chùa, một người uy tín trong công việc, nhanh nhạy trong sản xuất. Hay như trường hợp của Phó Chủ tịch xã Vừ Bá Lềnh, hiện ông Lềnh có đến vài con bò “chọi” với mức giá cao khó tưởng.

Chính sự nhập cuộc của những người như Và Nỏ Vừ, Lầu Pá Chùa hay Vừ Bá Lềnh đã tạo nên động lực thúc đẩy mạnh mẽ đến toàn dân, qua đó đưa phong trào phát triển kinh tế tại Mường Lống ngày một lan tỏa. Tính sơ bộ nhà ít có dăm ba con trâu bò, hộ khá nắm trong tay trên dưới chục con, nhiều gia đình phải đến cả đàn, thành thử tiền bạc đối với họ lắm lúc không còn là vấn đề quá to tát.

13-59-28_4
Khách trả giá đến 90 triệu cho con bò chọi nhưng Vừ Giống Và chưa muốn bán

Về kỹ năng vỗ béo trâu bò phải kể đến Vừ Giống Và (bản Mường Lống 1). Tuổi đời mới tròn 45 tuổi nhưng thâm niên trong nghề đã ngót nghét 30 năm, danh tiếng Vừ Giống Và lẫy lừng khắp dải biên cương. Như có phép mầu, trâu, bò hễ vào tay Và thì chắc chắn sinh lợi.

Chia sẻ bí quyết, Vừ Giống Và không hề giấu diếm: “Để đạt kết quả cao thì chất lượng đầu vào đóng vai trò then chốt. Con giống phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo sức khỏe tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Nhất thiết phải là giống bò thuần chủng của người Mông với cặp sừng dài đặc trưng, đôi vai rộng, u to, đặc biệt là đặc tính chịu đựng tốt trước thời tiết nghịch cảnh. Thông thường quy trình vỗ béo một con bò (hoặc trâu) kéo dài trong 5 đến 6 tháng, nên cho ăn cỏ kết hợp một số thành phần nông sản sẵn có trộn lẫn với nhau, cách làm này vừa đỡ tốn kém lại đảm bảo an toàn”.

Lúc cao điểm tổng đàn bò trong nhà Vừ Giống Và không dưới 40 con, với giá dao động bình quân từ 26 - 35 triệu đồng/con, Vừ Giống Và cầm chắc trong tay tiền tỷ. Ấy là chưa tính đến 3 con bò chọi to vật khác đã đến kỳ xuất bán. Và chỉ tay vào vật báu cười phớ lớ: “Con này đợt rồi khách trả 90 triệu ta còn chưa ưng…”.

Lễ hội chọi bò là đặc sản nức tiếng của người Mông tại huyện Kỳ Sơn, nét văn hóa độc đáo hình thành cả trăm năm đến nay vẫn được lưu truyền và gìn giữ. Đã thành thông lệ, vào những dịp lễ, tết những con bò to nhất, khỏe nhất được tuyển chọn tỷ mẩn hiên ngang tiến vào sới đấu trong niềm hân hoan, phấn khích tột độ. Hòa theo xu thế, nuôi bò chọi dần trở thành nghề hái ra tiền của đồng bào vùng cao. Riêng tại Mường Lống, kỷ lục bán bò đang thuộc về ông Lùng Xái Kỷ, năm 2017 khách chơi từ tận Hải Phòng cất công tìm về đặt giá 140 triệu đồng.

Với điều kiện khí hậu mát lạnh quanh năm, Mường Lống thực sự là mảnh đất nhiều tiềm năng, đủ sức hút mời gọi các nhà đầu tư. Cty CP Dược liệu Mường Lống - thuộc Tập đoàn TH sớm nhận ra điều đó, năm 2016 đơn vị này chính thức triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu”, sau 2 năm khảo nghiệm đã lựa chọn thành công một số loài phù hợp như đẳng sâm, hà thủ ô, đương quy...

Sự nhập cuộc của TH giúp bộ mặt vùng biên trang hoàng hơn. Trong tương lai tập đoàn này sẽ liên kết sản xuất với người dân với quy mô lên 400ha.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.