| Hotline: 0983.970.780

Sương muối hại cà phê

Thứ Hai 23/03/2015 , 10:54 (GMT+7)

Những ngày gần đây, hiện tượng sương muối xuất hiện ở Lâm Đồng, nhất là huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt đã gây hại đáng kể cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây cà phê của bà con dân tộc thiểu số./ Lâm Đồng: Sương muối gây hại cây trồng

Không nên quá hoang mang

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lạc Dương, đợt sương muối vừa qua đã làm ảnh hưởng đến diện tích cà phê của toàn bộ 5 xã và thị trấn Lạc Dương.

Thống kê bước đầu cho thấy, trên địa bàn toàn huyện có khoảng 20% diện tích cà phê hiện có bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sương muối. Cụ thể, 350 ha đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (dưới 3 năm tuổi) bị chết khô hoàn toàn; 350 ha cà phê giai đoạn kinh doanh (trên 3 năm tuổi) bị chết cháy 1/3 cành phía trên và toàn bộ quả non bị khô héo và rụng.

Có mặt tại các vườn cà phê bị ảnh hưởng, ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải thích cho bà con, nhất là bà con dân tộc thiểu số, được rõ: “Sương muối hay còn gọi là sương giá, là hiện tượng tự nhiên xảy ra khi nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau với biên độ lớn.

Đó là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng trên mặt đất hay trên bề mặt cây cỏ; sương muối chỉ có màu trắng và hình dáng giống như tinh thể muối chứ không phải là muối, tức không có vị mặn.

Tuy nhiên, khi hiện tượng sương muối xuất hiện thì nhiều loại cây trồng bị ảnh hưởng xấu. Ở Lạc Dương và Đà Lạt mấy ngày qua đã xuất hiện hiện tượng này và gây hại trên nhiều loại cây trồng, trong đó đáng kể nhất là cây cà phê”.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đến thăm hỏi nhiều gia đình và đến tận vườn của các hộ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sương muối để ghi nhận tình hình và động viên bà con.
Ông lưu ý, tuy xảy ra ngoài dự báo nhưng vì đó là một hiện tượng hết sức tự nhiên nên bà con không nên quá dao động về tư tưởng hoặc có những suy diễn không tích cực; cần tránh việc nhân cơ hội này để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền làm mất ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.

Ngay sau khi nhận được tin báo về hiện tượng sương muối, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương và các phòng chức năng của huyện đã xuống tận địa bàn hầu hết các xã để ghi nhận tình hình, động viên bà con nông dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số (Lạc Dương có trên 75% dân là đồng bào dân tộc thiểu số; đợt sương muối vừa qua có khoảng 1.000 hộ (tương đương 5.000 khẩu) trồng cà phê bị ảnh hưởng), bà con không nên quá hoang mang, lo lắng mà cần tập trung vào việc khắc phục hậu quả, khôi phục SX, nhanh chóng phục hồi diện tích cà phê bị chết và bị ảnh hưởng.

Khắc phục hậu quả

Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, để ổn định đời sống của bà con dân tộc thiểu số, để bà con không thiếu đói, trước mắt, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Lạc Dương cần phối hợp với các phòng ban chức năng đề xuất hỗ trợ 100% giống cây màu ngắn ngày cho bà con kịp thời trồng trên những diện tích cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản bị ảnh hưởng (350 ha).

Đồng thời, trong vài tháng tới, UBND huyện phải trích ngân sách để cứu trợ 45 kg gạo/tháng/nhân khẩu đối với 5.000 khẩu thuộc 1.000 hộ dân tộc thiểu số có cà phê bị ảnh hưởng trong đợt sương muối vừa qua.

"Về kinh phí, ngoài các nguồn vốn từ các chương trình khác, trước mắt, tỉnh Lâm Đồng sẽ chi 13 tỷ đồng từ chương trình tái canh cà phê năm 2015 cho huyện Lạc Dương để khắc phục hậu quả do đợt sương muối gây ra vừa qua", ông Phạm S nói.

Ghi nhận những nỗ lực khắc phục hậu quả kịp thời của chính quyền huyện Lạc Dương và các xã ngay sau khi xuất hiện hiện tượng sương muối, ông Phạm S còn lưu ý lãnh đạo và cơ quan chức năng của huyện sớm triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm giúp bà con khôi phục diện tích cà phê bị ảnh hưởng, như triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu gom cây chết, đào hố để chuẩn bị trồng mới (đối với diện tích cà phê giai đoạn kiến thiết dưới 3 năm tuổi), kỹ thuật cắt cành, phân bón, nước tưới (đối với diện tích cà phê kinh doanh)...

Riêng về vấn đề cây giống, ông Phạm S lưu ý ngành NN-PTNT cần có kế hoạch tuyển chọn giống cây cà phê có chất lượng cao từ các vườn ươm đầu dòng để cung ứng cho bà con; khuyến cáo nông dân nên trồng xen các loại cây che bóng mát trong vườn cà phê trồng mới như bơ, hồng, mắc ca, muồng... để giảm thiểu thiệt hại khi hiện tượng sương muối tái diễn.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất