| Hotline: 0983.970.780

Suy nghĩ từ Bức tường tại Washington D.C

Thứ Ba 24/04/2012 , 10:21 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng 3, từ Hollywood chúng tôi đến thăm Lasvegas, và rồi cuối hành trình du lịch đến với Washington, D.C (Thủ đô nước Mỹ).

Những ngày cuối tháng 3, từ Hollywood chúng tôi đến thăm Lasvegas, và rồi cuối hành trình du lịch đến với Washington, D.C (Thủ đô nước Mỹ).

1. Trước khi đến với miền đất này, trong tôi còn âm vang bài hát "Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ": Oa-sinh-tơn đêm nay lửa tranh đấu đang rực cháy. Nghe tiếng hát anh vang mọi nơi, chân lý đang tỏa sáng ngời. Sông Pô-tô-mác ngày đêm đã in bóng anh đẹp thay, tay gẩy đàn miệng hát vang, đi giữ lấy cuộc đời...

Thì chúng tôi đã đến với Wasington, D.C với dòng sông Pô-tô-mác đây rồi. Trên dãy đất công viên xanh mát National Mall, có rất nhiều đài kỷ niệm vinh danh, tưởng nhớ những vị tổng thống có công với đất nước, những chiến sĩ hy sinh trong các cuộc chiến, như Tháp Washington, Ðài Tưởng niệm Lincoln, Ðài Tưởng niệm Jefferson, Ðài Tưởng niệm Chiến sĩ Ðệ nhị thế chiến... và một địa điểm mà mọi du khách không thể không đến thăm, là bức tường tưởng niệm ghi tên những người lính Mỹ chết trong cuộc chiến tranh với Việt Nam. Tất cả những đài tưởng niệm, Dinh Tổng thống (Nhà Trắng), Tòa nhà Quốc Hội, Lầu Năm góc... liên kết với nhau tạo nên một quần thể du lịch nổi tiếng ở Washington, D.C.

Khu tưởng niệm các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, tọa lạc trong công viên quốc gia thoáng đãng, với những hàng liễu rủ, ở đó có bức tường hình chữ V ghép từ 72 tấm đá hoa cương màu đen đặt mua tại bang Bangalore (Ấn Độ).

Ý tưởng xây dựng khu tưởng niệm là của cựu chiến binh Mỹ - anh Jan Scruggs từng tham chiến tại Việt Nam. Jan Scruggs từng bị thương nặng và may mắn được trở về nước. Thoát chết ở chiến trường nhưng anh đã chứng kiến tận mắt hình ảnh đau thương của 30 người bạn cùng đơn vị, đã bỏ mạng ở Việt Nam. Điều này làm anh luôn bị dày vò, ám ảnh. Trở về Mỹ, cựu chiến binh Jan Scruggs theo học Khoa Tâm lý, anh dành thời gian tìm hiểu nhiều sách, báo, tài liệu viết về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Anh muốn làm một cái gì đó để cho người dân Mỹ cũng như du khách năm châu đến thăm Mỹ, thấy những mất mát, tổn thất mà Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ý tưởng xây dựng một khu ghi tên những binh lính Mỹ chết tại chiến trường Việt Nam ra đời như thế.


Bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại Washington, DC

Năm 1980, Ban vận động xây dựng khu ghi tên những người lính chết trận ở Việt Nam phát động một cuộc thi sáng tác mẫu về một công trình phải thể hiện được tên tuổi của người đã chết. Đồ án của Mây Ying Lin - cô sinh viên 21 tuổi, người Mỹ gốc Hoa đã vượt qua 1421 đồ án gửi về ban tổ chức và được chọn làm nguyên mẫu xây dựng bức tường tưởng niệm này… Phác thảo của Mây Ying Lin, không có nét gì điển hình của chiến tranh, không có tượng người lính, không có các hình ảnh tiêu biểu, mà chỉ là hai bức tường dài 80m, màu đen ghép theo hình chữ V hệt như một đôi cánh. Theo đó, bức tường chữ V này được khắc tên 58.325 binh lính Mỹ theo thứ tự thời gian với đầy đủ nơi sinh, ngày nhập ngũ, quân hàm và ngày chết tại chiến trường Việt Nam.

Tỷ phú Ross Peros đã tài trợ chính dự án này. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp, nghiệp đoàn, các cựu chiến binh và sự đóng góp của 275.000 người dân Mỹ vào việc xây dựng công trình. Tổng số tiền thu được trên 8 triệu USD. Lễ khánh thành công trình này có hơn 150.000 người đến dự, đông nhất vẫn là các cựu binh đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Việt Nam và thân nhân của những người lính đã hy sinh.

2. Ba thập kỷ đã qua, biết bao bài báo, sách vở đã viết về bức tường nổi tiếng này. Hàng năm có trên 3 triệu du khách đến thăm, tìm kiếm người thân - những người có tên trong bức tường lịch sử. Bức tường im lặng, nhưng đó là nhân chứng của một cuộc chiến tranh, minh chứng cho những tổn thất lớn lao không gì so sánh nổi của nước Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 11 năm ở Việt Nam. Minh chứng cho nỗi đau khó lành trong các gia đình có quân nhân Mỹ tử trận hay mất tích tại chiến trường. Đã 30 năm kể từ khi khánh thành bức tường kỷ niệm chiến tranh ở Việt Nam, không thể đong đếm được bao nhiêu giọt nước mắt, đã rơi trên con đường nhỏ tại bức tường hình chữ V này. Dù là du khách, hay là thân nhân của những người đã tử trận, đọc tên những người đã khuất trên những tấm đá hoa cương màu đen, mọi người đều chua xót, ngậm ngùi, thương tiếc và kể cả căm hận chiến tranh, đã cướp đi những người thân yêu của họ…

Không có đỉnh đồng, lư hương, thơm ngát hương trầm, bức tường đá hoa cương đen, phía bề mặt ghi tên nhhững người lính tử trận, phía đằng sau nằm sâu trong lòng gò đất nổi, mặt đất là những thảm cỏ xanh bốn mùa bình yên trong cõi vĩnh hằng. Mỗi người đến với bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, nhìn vào bức tường lặng im, những cái tên khắc trên đá lặng im mà sự khốc liệt của chiến tranh cũng bùng lên ở đó. Tất cả du khách hay các gia đình thân nhân những người lính tử trận, đến với bức tường đều im lặng tìm tên người thân, bạn bè… đều nói những lời chia biệt trong thế giới lặng im, trong những trang nhật ký, những tấm ảnh hay những bông hoa xếp dưới chân tường.

3. Sau 37 năm kết thúc cuộc chiến, hôm nay, tôi - một cựu chiến binh Việt Nam - lặng lẽ hoà mình trong dòng người về với bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại Washington, D.C, một địa danh thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước Mỹ, lòng tôi không thể nhói đau khi nghĩ về những người con đất nước Việt Nam đã hy sinh anh dũng bảo vệ Tổ quốc mình.


Tác giả bên bức tường tưởng niệm 

Trên 58.325 quân nhân Mỹ tử trận tại chiến trường Việt Nam, nỗi đau ấy cũng lớn lao trong lòng người dân nước Mỹ, nhưng những người dân Mỹ có biết đâu chỉ riêng Nghĩa trang Trường Sơn của Việt Nam đã có tới trên 10 vạn nấm mộ đồng đội của chúng tôi yên nghỉ. Người Mỹ đâu có biết dưới màu cỏ xanh của Thành cổ Quảng Trị, từng tấc đất đều có máu thịt của những người chiến sĩ, những người dân đã hy sinh vì nước, dưới lòng sông Thạch Hãn, Ba Lòng, còn bao nhiêu hài cốt đồng đội chúng tôi ở đó?

Những Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, Hàng Dương, Bến Được… Khắp xã, huyện, tỉnh thành nào, cũng có nghĩa trang riêng. Vẫn chưa đủ, đồng đội của chúng tôi vẫn còn bao người mà phần mộ chưa được quy tập sau 37 năm nước nhà đã thống nhất. Chỉ riêng chuyện ấy thôi, thì nỗi đau của những người dân nước Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, đâu có thấm gì. Không thể nói khác được từ tấc đất của sông núi Việt Nam, đều có máu xương của người Việt Nam đổ xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước, làm sao chúng tôi không yêu Tổ quốc tôi, làm sao chúng tôi, không mong muốn hoà bình cho đất nước chúng tôi và hoà bình trên trái đất này?

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.