| Hotline: 0983.970.780

Suýt bị phạt vạ con lợn trăm ký

Chủ Nhật 06/12/2015 , 06:35 (GMT+7)

Nghề báo là nghề nhiều nguy hiểm và có rất nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm đáng để... nhớ đời là lần tôi suýt bị phạt vạ 1 con lợn cỡ trăm ký vì “can tội” không biết luật tục của người dân tộc B’râu.

Bị phạt vì không biết luật

Lần ấy, tôi đi công tác Tây Nguyên cùng anh bạn đồng nghiệp. Sau mấy ngày lăn lóc ở Gia Lai, Kon Tum “sản phẩm” thu được đã kha khá, chúng tôi quyết định lên Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, “dạo chơi” một chút trước khi về.

Bờ Y là nơi có địa danh Ngã 3 Đông Dương nổi tiếng, nơi một tiếng gà gáy ba nước đều nghe, hằng ngày, người dân Việt Nam - Lào - Campuchia vẫn…họp chung một chợ.

Đặc biệt, ở đây còn có làng Đăk Mế của người B’râu với nhiều chuyện lạ. Người dẫn đường cho chúng tôi là ông Trần Văn Quá, ở Ngọc Hồi.

Sau khi tham quan các cột mốc biên giới ở Bờ Y, nghe chúng tôi nói muốn vào tham quan làng người B’râu cách đó hơn chục cây số, ông Quá bảo: Đúng là người B’râu có nhiều chuyện lạ như cà răng, căng tai, vẽ mặt, nhai thuốc… và nhiều tập tục lạ nữa. Nhưng chúng tôi nên đến ủy ban xã nhờ họ dẫn đi, nếu không, rất dễ “phạm luật”, và bị phạt rất nặng.

nh-2164145755
Nhà rông ở làng Đăk Mế, nơi sinh hoạt tâm linh, các lễ cúng thần linh với lòng tin tuyệt đối của người B’râu

Nghe lời ông Quá, chúng tôi đến UBND xã Bờ Y, nhưng tiếc là khi chúng tôi đến thì trụ sở đã vắng hoe, mặc dù mới gần 11 giờ trưa. “Chẳng lẽ về tay trắng?”. Sau vài phút đắn đo, chúng tôi quyết định liều một phen.

May mắn là ông Qúa từng lên đây, hiểu đôi chút về làng này nên ông dẫn chúng tôi đến nhà ông Thao Lợi, trưởng làng, người được mệnh danh là “tự điển sống” của tộc người Brâu.

Nhà ông Thao Lợi ở giữa làng, khi chúng tôi đến, vợ chồng ông Thao Lợi và một nhóm người đang tất bật với những cây lồ ô. Dường như họ không để ý đến sự có mặt của nhóm khách lạ.

Đến khi tôi tiến lại gần, chào và giới thiệu thì ông Thao Lợi ngẩng đầu nhìn, rồi nét mặt ông nhanh chóng biến sắc, những người khác cũng vậy, hỏi gì cũng không nói, khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trước đó, hỏi thăm một số đồng nghiệp ở Tây Nguyên, họ đều khẳng định, người Brâu rất thân thiện, mến khách.

Chúng tôi tiếp tục giãi bày nguyện vọng nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng. Không chỉ thế, nét mặt ông Thao Lợi và những người khác càng lúc càng khó chịu hơn. Thấy không ổn, chúng tôi đành gật đầu chào họ rồi rút lui.

nh-6164146158
Cũng như đa số các dân tộc thiểu số khác, sau khi cúng tế thần linh, người B’râu tập trung uống rượu cần, thức ăn đặt trên những tấm lá chuối và xé bằng tay

Nhưng vừa ra đến cổng thì bất ngờ, một nhóm gần chục người đàn ông trong trang phục của dân sơn tràng (đi rừng), bên hông họ lủng lẳng con dao đi rừng sắc lẹm nhìn chúng tôi chằm chằm, nét mặt đằng đằng sát khí.

“Ai cho vào đây, phải phạt thôi”, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhóm cất tiếng hỏi. Sau đó, họ chụm lại xì xào một hồi, rồi quay lại yêu cầu chúng tôi nộp phạt một con heo… 3 gang tay!

“Người Brâu tin nếu có người lạ vào nhà lúc cúng tế như thế sẽ mang lại những điều không may, thần linh sẽ nổi giận, làm cho dân làng ốm đau, mất mùa, nặng hơn thì đưa lũ về cuốn trôi nhà cửa, trâu bò, lợn gà đi, nên phải cúng tế để thần linh hết giận.
Tùy mức độ vi phạm và tính chất của lễ cúng mà hình phạt dành cho người vi phạm có thể là gà, heo, trâu lớn nhỏ khác nhau… Tôi đã từng nhiều lần chỉ đạo anh em công an xã đến nơi gặp đồng bào “thương thuyết” để dân làng “tha” cho người lỡ phạm luật”. - Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y.

Biết không thể làm căng với họ, bằng nét mặt thiểu não, tôi thanh minh rằng chúng tôi chỉ đến tham quan buôn làng thôi, không có ý xấu, sao lại phạt? Người đàn ông lúc nãy nói tiếp, thái độ khá kiên quyết: “Ngày thường thì không phạt, nhưng hôm nay phải phạt thôi”.

Cán bộ cũng phạt

Quả thực là chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong hơn nửa giờ qua. Vì sao họ cứ im lặng? Vì sao lại bị phạt? Tôi nhủ thầm: “Con heo 3 gang thì cũng không lớn, chỉ cần biết ngọn nguồn mọi chuyện thì chúng tôi sẽ nộp phạt theo yêu cầu”.

Nghĩ thế, nên tôi quay vào gặp ông Thao Lợi, xin một lời giải thích. Lúc này ông mới giải thích rằng hôm nay là ngày làng dựng rạp, cây nêu cúng trừ tà, cầu cho dân làng khỏe mạnh.

"Ngày lễ này, nếu có người lạ vào, Yàng sẽ nổi giận, sẽ trừng phạt dân làng, nên phải cúng để xin thần hết giận. Tôi biết các anh vô tình phạm luật nên im lặng để các anh đi. Nhưng giờ dân làng biết rồi, chịu phạt thôi”, ông Thao Lợi nói.

Hỏi ra, mới biết chúng tôi đã vô tình phạm phải một trong những luật thiêng nhất của tộc người B’râu. Vì chưa hiểu rõ về các luật tục của họ nên chúng tôi không để ý, trước cổng nhà ông Thao Lợi, có đặt một nhánh cây. Đây là dấu hiệu cho thấy, người lạ cấm không được bước vào.

Đến đây tôi mới sực nhớ, không chỉ người Brâu, người Ca Dong, người Xơ-đăng, hay J’rai… ở các tỉnh như Kon Tum, Gia Lai đều có tín hiệu cấm người lạ vào nhà mình bằng cách đặt cành cây, nhánh cây trước cửa nhà, hay sân nhà như thế.

nh-7164146246
Phụ nữ B’râu

Trở lại với chuyện bị dân làng Brâu phạt heo, nghĩ rằng con heo dài 3 gang tay chắc khoảng 15-20 ký, tính ra chừng vài trăm ngàn, đây cũng là dịp gần gũi, tiếp xúc để hiểu thêm về văn hóa tâm linh hay những luật tục của tộc người B’râu. Nghĩ thế nên chúng tôi quyết định đóng phạt.

Nhưng ngay sau đó, chúng tôi “té ngửa” khi ông Thao Lợi giải thích rằng 3 gang tay là chỉ đo ngang phần bụng (không tính lưng) thôi chứ không phải chiều dài từ đầu đến đuôi! Nếu thế thì con heo này phải nặng cỡ 1 tạ chứ không ít.

Đến nước này, chúng tôi lại năn nỉ tiếp. Ông Thao Lợi cũng xin giúp chúng tôi bằng cách nói với dân làng rằng khách là những cán bộ ngành nông nghiệp, lên đây tìm hiểu giúp bà con trồng lúa tốt hơn. Nếu phạt, cán bộ buồn sẽ không lên giúp bà con nữa…

Cuối cùng, dân làng cũng đồng ý “giảm nhẹ hình phạt” cho chúng tôi. Từ con heo 3 gang xuống còn 200 ngàn tiền mặt. “Thế là may lắm rồi đấy”, ông Thao Lợi an ủi chúng tôi.

Sau khi đóng phạt và được tha bổng "ngay tại tòa", chúng tôi phóng một mạch đến ủy ban xã. Tại đây, sau khi nghe câu chuyện bị phạt vạ xong, chị Đặng Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bờ Y và những cán bộ xã khác cười như nắc nẻ cho biết, chuyện khách từ nơi khác đến làng, vô tình rơi vào cảnh dở khóc dở mếu này thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

nh-516414644
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bờ Y Đặng Thị Hạnh

Nếu dân làng tha thì không có gì để cúng, không cúng thì tâm lý lo lắng. Nên bắt buộc phải phạt. Nếu “cương” với bà con, khó mà đi được. “Theo luật tục của người B’râu, khi làng có lễ, trong quá trình chuẩn bị cúng lễ, bất kỳ ai, vô tình xâm phạm đều bị phạt, kể cả cán bộ xã”, chị Hạnh nói.

Có những vùng đất ta đến một lần là nhớ mãi, làng Đăk Mế của người B’râu là một nơi như vậy. Có những chuyến đi cho ta những trải nghiệm không chỉ thú vị, mà đôi khi, còn là chuyện bi hài, chuyến đi vào làng Đăk Mế là một ví dụ.

Nhưng chung quy lại, dù là vui hay buồn, thì những chuyến đi của nghề báo cũng cho ta thêm những thứ không bao giờ ta thấy đủ, đó là kiến thức.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất