Một người nước ngoài? Tại sao người này lại muốn làm quen với mình? Vì lịch sự, tôi gõ bàn phím “chào bạn. Rất vui khi được làm quen với bạn”. Sau vài câu xã giao, người đó bảo “Hãy viết thư cho tôi theo địa chỉ “Katongole Tawan200@gmail.com”, tôi có chuyện muốn trao đổi với bạn”. Tôi viết thư ngay, chỉ vẻn vẹn có một câu “chào Katongole Tawan, bạn muốn trao đổi điều gì với tôi vậy”.
Hình minh họa |
Ngay sáng hôm sau, tôi nhận được trả lời, bằng một giọng không gì “ướt át” hơn: Chào cục cưng. Cám ơn bạn đã trả lời, và thực tế tôi rất vui khi đọc thư của bạn. Tuy nhiên tôi thực sự muốn thiết lập một mối quan hệ có thể dẫn đến một đối tác kinh doanh hoặc một thứ khác. Đó là niềm vui của tôi gặp bạn. Tôi là sỹ quan quân đội Mỹ hiện đang ở Lybia...
Sỹ quan Mỹ? Hiện đang ở Lybia? Sỹ quan Mỹ, sao lại thành thạo tiếng Việt đến thế? Tôi tự hỏi. Phải chăng đây là một người Mỹ gốc Việt, được bố mẹ dạy tiếng mẹ đẻ cho? Rất có thể. Nghĩ vậy, tôi đọc tiếp lá thư. Theo như cô sỹ quan này nói, thì cô là người trung thực, giàu tình cảm. Và cũng theo cô, thì ở Lybia, họ liên tục bị tấn công bởi quân nổi dậy. Và trong một lần tấn công lại quân nổi dậy, họ đã chiếm giữ được một số tiền khổng lồ đựng trong một cái hộp. Theo họ, thì đó chính là số tiền mà quân nổi dậy dùng để mua vũ khí, đạn dược. Họ đã chia nhau số tiền đó rồi tìm cách chuyển ra ngoài chỗ đóng quân. Số tiền mà Katongole Tawan được chia là 6.560.000 USD (tương đương gần 160 tỷ đồng). Do không thể chuyển vào tài khoản, bởi tài khoản quân nhân bị ngân hàng quân đội Mỹ kiểm soát rất ngặt, cũng không thể chuyển tiền mặt về Mỹ được, nên cô ta muốn chuyển cho tôi, người mà theo cô ta, là “đáng tin cậy” (dù cô ta chưa biết mặt tôi, và cũng chỉ mới giao tiếp với nhau vài câu qua e-mail). Trong thư, cô ta nhờ tôi “giữ hộ” số tiền đó, để sau này hết thời hạn phục vụ trong quân đội Mỹ, cô ta “sẽ đến đất nước tươi đẹp” của tôi, dùng số tiền đó để kinh doanh. Và “để đền bù cho bạn, tôi quyết định tặng bạn 25% số tiền đó”.
25% số tiền của 6.560.000 USD? Tức là 1.640.000 USD, tương đương gần 40 tỷ đồng. Tôi choáng luôn. Mình sắp trở thành triệu phú đôla, và tỷ phú tiền Việt rồi chăng? Đúng là “Con mèo nằm ở mặt hòm/ Vận may đâu đến rơi tòm đầu anh”.
Quên, tôi chưa nói hết. Cùng với thư, cô ta còn gửi kèm cho tôi 3 bức ảnh. Bức thứ nhất là ảnh cô ta mặc váy đỏ, lưng trần. Đó là một người phụ nữ chừng ngoài 40 tuổi, có nước da nâu, gương mặt rất khả ái, tay cầm một cái ví, mà xem chừng cô ta không phải là người Mỹ gốc Việt. Hai bức ảnh còn lại là cô ta mặc quần áo rằn ri bó sát, không biết đó có phải là quân phục của Mỹ hay không?
Cũng ngay lập tức, tôi nhận được thư của cô ta. Trong thư này, sau câu mở đầu còn ướt át hơn câu mở đầu của thư trước, là “thân yêu nhất của tôi”. Cô ta cho biết, mình đang làm thủ tục gửi số tiền đó vào một công ty vận chuyển có uy tín, và có độ bảo mật rất cao. Cô ta yêu cầu tôi trả lời mấy thông tin như sau: Tên đầy đủ, địa chỉ, tuổi, số điện thoại, nghề nghiệp chuyên môn... Kết thúc lá thư, cô ta còn “ôm hôn bạn thắm thiết”. Tôi đáp ứng đúng yêu cầu của cô ta, chỉ thay đổi một vài thông tin, như “ăn bớt” của mình 20 tuổi, chỉ còn 44, và thay vì là nhà báo đã nghỉ hưu, tôi ghi là chuyên gia kinh tế...
Mấy hôm sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy lạ. Người phụ nữ đầu bên kia xưng là người của một công ty vận chuyển. Sau khi “kiểm tra căn cước”, thấy tôi trả lời đúng những thông tin mà tôi đã cung cấp cho người phụ nữ xưng là sỹ quan quân đội Mỹ, cô ta thông báo rằng có một thùng hàng gửi theo tên tôi, đã về đến Sân bay Tân Sơn Nhất. Vài hôm nữa tôi sẽ nhận được hàng.
Hình minh họa |
Ba hôm nữa, cũng số máy đó gọi lại cho tôi. Người phụ nữ nói rằng “rất buồn” khi thùng hàng của tôi đã bị hải quan sân bay phát hiện ra là chứa đầy đô la, nên đã giữ lại. Muốn lấy được, phải mất một số tiền “lo lót”, và yêu cầu tôi chuyển 10.000 USD vào một tài khoản do cô ta chỉ định, tiền đô la hay tiền Việt đều được.
Do đã đoán trước được kịch bản đó, nên tôi nhẹ nhàng bảo: “Bạn hãy ứng tiền ra lo giúp tôi đi. Khi nào hàng về đến tay tôi, tôi sẽ trả cho bạn gấp đôi số tiền đó”. Nghe vậy, người phụ nữ tỏ vẻ hốt hoảng, nói rằng đó là số tiền tiêu cực phí, tức là tiền “đen”, công ty không được phép xuất tiền để giải quyết. Tôi im lặng.
Trong ngày hôm đó, cô ta còn gọi cho tôi 5 cuộc nữa, vừa thuyết phục vừa thúc giục tôi gửi tiền. Thấy tôi kiên quyết: “Tôi sẽ không bỏ ra một xu trước khi nhận được hàng. Bạn hãy giúp tôi đi, bằng tiền riêng của bạn cũng được. Ngay khi thùng hàng đến tay tôi, bạn sẽ nhận được gấp đôi số tiền đó”.
Nghe vậy, người gọi cúp máy, và từ đó, không bao giờ cô ta gọi lại cho tôi nữa.
Phần mình, tôi cũng viết thư cho cô bạn sỹ quan Mỹ: “Bạn thân yêu của tôi, xin hãy đóng màn vở kịch lừa đảo đó lại. Ở Việt Nam, trò này cũ lắm rồi. Ôm bạn thắm thiết”. Gửi thư xong, tôi lại thấy tiếc rẻ. Hoài của, tý nữa thì mình thành triệu phú đô la.