| Hotline: 0983.970.780

SXKD trứng gia cầm: DN lãi "khủng", dân lỗ te tua!

Thứ Năm 24/02/2011 , 09:46 (GMT+7)

Giá trứng gia cầm đang ở mức lỗ “chổng vó” với người nông dân. Nhưng riêng DN kinh doanh trứng lại đang kiếm lời “khủng” từ việc bán trứng giá cao.

* DN tham gia bình ổn giá cũng... trục lợi!

Giá trứng gia cầm, đặc biệt là trứng gà đang ở mức lỗ “chổng vó” với người nông dân khi chỉ đạt 1.000 – 1.200 đồng/quả tùy loại. Riêng DN kinh doanh trứng lại đang kiếm lời “khủng” từ việc bán trứng giá cao.

Trao đổi với PV NNVN, anh Nguyễn Thanh Sơn – Chủ trang trại gà ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai ca thán: Từ năm ngoái đến nay, mỗi bao cám cho gà đẻ ăn đã chênh lệch tới 65.000 đồng: từ 170.000 đồng/bao lên 235.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá trứng gà đang ở mức rất thấp, loại 1 chỉ 1.200/quả, loại 2 là 1.100 đồng/quả và loại 3 là 1.000 đồng/quả. “Với mức giá này, trung bình người chăn nuôi lỗ 150 đồng/quả”.

Tương tự, chị Nguyễn Xuân Hy – Chủ trang trại gà ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai gần 1 tháng nay như ngồi trên đống lửa khi trang trại gà 100.000 con của mình đang oằn mình trước sức ép giảm giá. “Chi phí làm ra một quả trứng mất từ 1.200 – 1.300 đồng/quả tùy loại, nhưng giá trứng cả tháng nay chỉ còn 1.100 – 1.200 đồng/quả. Hiện mỗi ngày trang trại thu khoảng 80.000 trứng và phải chịu bù lỗ tới 8 triệu đồng”. Chị Hy cho biết, do trứng gà không thể để được lâu nên dù biết bị DN kinh doanh ép giá, thua lỗ nhưng vẫn phải xuất bán bình thường và trong một tháng qua chị đã bị lỗ trên 200 triệu đồng.

Các chủ trại nuôi gà đẻ cũng khẳng định, trong khi người chăn nuôi đang bị lỗ te tua vì giá trứng quá thấp, thì các DN kinh doanh trong đó có các công ty tham gia bình ổn giá lại đang hưởng siêu lợi nhuận. Thực hư thế nào?

Tìm hiểu tại siêu thị Co-op Mart Phú Lâm (quận 6, TPHCM), giá bán trứng của tất cả các công ty kinh doanh trứng như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Co-op Mart… quả thực gây bất bình cho người chăn nuôi. Cụ thể, hai đơn vị là Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt đều niêm yết giá 20.000 đồng/10 quả, đặc biệt trứng mang thương hiệu riêng của Co-op Mart lên đến 20.700 đồng/10 quả. Trong khi đó, khảo sát của PV ngay tại chợ Phú Lâm kế bên cho thấy, giá trứng “không bình ổn” chỉ có 18.000 đồng/10 quả. Ở một số chợ khác như Bình Thới (quận 11), chợ phường 20 (quận Tân Bình)… giá trứng cũng chỉ dao động ở mức 18.000 – 19.000 đồng/10 quả.

Tìm hiểu của NNVN cũng cho thấy, các “ông lớn” về kinh doanh trứng nêu trên đang cố tình “neo” giá để trục lợi dù đã được hưởng một khoản tiền vay khổng lồ lên đến 380 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 6 tháng từ UBND TPHCM để làm nhiệm vụ bình ổn giá. Cụ thể, 13 DN tham gia chương trình bình ổn khi được vay tiền phải cam kết giá bán 8 nhóm mặt hàng thực phẩm (trong đó có trứng gia cầm) sẽ thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường 10% (từ tháng 6/2010 đến tháng 3/2011). Vậy nhưng, nghịch lý đang xảy ra: Thay vì thấp hơn thị trường 10% thì giá trứng bán tại siêu thị của các DN này lại cao hơn từ 10 -15%!

Với thực trạng tiền mất giá; đô la, vàng tăng lên kéo giá TĂCN thượng đỉnh, trong khi giá thịt, trứng gia súc, gia cầm lại giảm thê thảm thì biện pháp bình ổn trực tiếp cho người nông dân sẽ là hợp lý hơn!

Để làm rõ hơn nghịch lý này, PV đã trao đổi với ông Trương Chí Thiện – Giám đốc Cty Vĩnh Thành Đạt (1 trong 13 DN được vay ưu đãi để bình ổn giá). Ông Thiện cho biết, giá trứng cao nêu trên là giá của siêu thị, còn công ty giao cho hệ thống Co-op Mart và các siêu thị khác là 17.500 đồng/10 quả (cao hơn giá trứng nông dân bán 550 đồng/quả), riêng trứng loại 2 hiện không có nhiều và trứng loại 3 không thuộc diện bình ổn giá vì liên tục biến động.

Ông Thiện cũng thừa nhận người chăn nuôi đang bán trứng với giá quá thấp và bị thua lỗ, nhưng biện giải rằng: Nguyên nhân chính là trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần, giá trứng bắt đầu có xu hướng đi xuống do các công ty, nhà máy sản xuất bánh ngọt dùng trứng làm nguyên liệu dừng hoạt động, cộng với hàng chục triệu lao động ở các KCN, KCX trên cả nước nghỉ việc về quê ăn Tết nên bếp ăn công nghiệp cũng tạm nghỉ. Tiếp tục sau Tết, do tháng Giêng theo quan niệm của người Việt là tháng chay nên lượng trứng gà tiêu thụ cũng rất chậm, càng khiến trứng gà thêm dội chợ gây nên tình trạng giá giảm mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là giá trứng tại trại chăn nuôi giảm xuống cả tháng nay, nhưng tại sao các DN kinh doanh lại vẫn “neo” giá bán cao ngất để trục lợi thì họ không trả lời được. Dư luận cảm thấy bất bình rằng, chính sách bình ổn giá hiện đang quá ưu ái cho DN, trong khi người chăn nuôi lại bị bỏ rơi. Trong khi các nước khác thường hỗ trực tiếp cho nhà sản xuất (tức nông dân) để tạo điều kiện cho họ cung ứng ra thị trường sản phẩm giá rẻ, đồng thời người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, thì ta lại làm ngược khi đi “nuông chiều” và ưu ái cho mười mấy DN để họ tăng thêm sức mạnh… khuynh đảo thị trường.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm