| Hotline: 0983.970.780

Tạ Quang Bửu tại Hội nghị Fontainebleau 1946

Chủ Nhật 28/07/2019 , 13:05 (GMT+7)

Sinh thời, GS Tạ Quang Bửu tham gia các hoạt động ngoại giao then chốt. Ông là người ký Hiệp định Genève (1954). Tám năm trước, ông đã tham dự Hội nghị Fontainebleau (1946).

Trong cuộc họp toàn thể giữa hai phái đoàn vào ngày 9/7/1946, Hội nghị Fontainebleau đã lập ra 4 ủy ban: Chính trị; Kinh tế và Tài chính; Văn hóa; Quân sự. Ủy ban Chính trị gồm tất cả các thành viên hai bên phái đoàn đều cùng tham dự.

15-50-55_t_qung_buu_1946
Tạ Quang Bửu tại Hội nghị Fontainebleau (1946).

Ủy ban Quân sự: Về phía Việt Nam gồm 5 thành viên là Tạ Quang Bửu - Trưởng ban, Phan Anh, Bửu Hội, Dương Bạch Mai và Chu Bá Phượng; về phía Pháp cũng có 5 thành viên là Thiếu tướng Salan - Trưởng ban, Max André, d’Arcy, Barjot và Juglas. Vấn đề quân sự bắt đầu đem bàn tại Ủy ban Chính trị ngày 17/7/1946.
 

Quân lực mỗi nước vẫn giữ cá tính của mình

Khi bắt đầu thảo luận liên quan đến vấn đề quân sự, tướng Salan đọc lại thông điệp của phía Pháp: “Lý tưởng dân chủ và xã hội chung của Liên Hiệp Pháp chỉ có thể bảo toàn có hiệu quả nếu quân lực tất cả các nước hội viên kết hợp chặt chẽ thành một khối, khả dĩ giúp trực tiếp vào hệ thống an ninh công cộng của Quốc tế Liên hiệp. Chúng ta có góp chung năng lực quân sự và kinh tế mới củng cố được toàn thể hệ thống ấy”.

Tuy nhiên, không hiểu hữu ý hay vô tình, tướng Salan bỏ sót mấy chữ “của Quốc tế Liên hiệp”, khiến cho ý nghĩa đoạn văn khác hẳn đi. Trước kia, an ninh công cộng do Quốc tế Liên hiệp tổ chức, thì nay phải ngầm hiểu là an ninh chung của Liên hiệp Pháp. Chính điều này khiến cho việc bàn cãi tại Ủy ban Quân sự về sau phiền phức thêm giữa hai bên.

Đại biểu Pháp phàn nàn rằng phái đoàn Việt Nam càng ngày càng muốn coi Liên hiệp Pháp chỉ là một điều ước giữa hai nước.

Đại biểu d’Arcy nêu ý kiến: “Gia nhập Liên hiệp Pháp, Việt Nam thuộc vào một gia đình trong ấy hết thảy các phần tử phải giúp đỡ lẫn nhau như các ông đề nghị, đã hẳn rồi. Nhưng muốn cho những phần tử ấy có thể giúp đỡ lẫn nhau, phải thực hiện ngay trong thời bình góp chung năng lực về quân sự”.

Tạ Quang Bửu liền phản bác: “Nói rằng không thể quan niệm quan hệ quân sự Việt - Pháp như giữa hai nước Anh và Pháp, hai nước đã trưởng thành về quân sự, là sẵn có ý không muốn để Việt Nam phát triển về phương diện ấy. Phải để cho Việt Nam trưởng thành, đừng quan niệm sự hợp tác Việt - Pháp như giữa một nước đã trưởng thành về quân sự với một nước coi mãi mãi phải ở thời kỳ vị thành niên.

Thông điệp Việt Nam đã nói “giúp đỡ tùy sức mình” thì có phát triển mới tăng cường được sự giúp đỡ. Các nước trong Liên hiệp Pháp phải phát triển để cho sự hợp tác quân sự có thể như hợp tác giữa hai nước Anh và Pháp.

Tạ Quang Bửu (1910 - 1986), sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những trí thức tinh hoa của Việt Nam thế kỷ XX.
Tạ Quang Bửu từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp… Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về khoa học công nghệ.

Quan niệm Liên hiệp Pháp dưới hình thức hỗ tương viện trợ, Việt Nam đã biểu hiện được đến triệt để mối quan hệ và nghĩa vụ thắt buộc hai nước trong phạm vị Liên hiệp Pháp, biểu hiện cái gì là tinh túy của Liên hiệp Pháp.

Việt Nam đã nghiên cứu kỹ lưỡng thông điệp Pháp, và chỉ có thể nhận để quân lực tất cả các nước trong Liên hiệp Pháp kết hợp chặt chẽ thành một khối. Nhưng, trong khối ấy quân lực mỗi nước vẫn giữ cá tính của mình. Đi xa hơn nữa, nói đến góp chung năng lực quân sự, Việt Nam không thể tán thành”.
 

Quân sự nằm trong phạm vi Hiến pháp

Thông điệp đầu tiên của phái đoàn Việt Nam về vấn đề quân sự như sau:

“Ngoài những điều ước riêng có kỳ hạn và điều kiện nhất định, ký kết giữa hai hay nhiều nước trong Liên Hiệp Pháp, hết thảy những nước hội viên còn phải hỗ tương viện trợ theo những điều kiện:

1, Một nước trong Liên hiệp Pháp bị công kích và xin cứu viện, những nước hội viên khác giúp đỡ trong phạm vi Hiến pháp và tùy sức mình.

2, Nếu một nước trong Liên hiệp Pháp gây ra chiến tranh trái luật quốc tế, những nước hội viên khác không bắt buộc chịu nghĩa vụ nói trên”.

Phía Pháp phản ứng, cho rằng thông điệp Việt Nam có 3 chỗ hạn chế: 1 - Ngoài những điều ước riêng; 2 - trong phạm vi Hiến pháp; 3- nếu một nước trong Liên hiệp Pháp gây ra chiến tranh trái luật quốc tế…

Tướng Salan: “Vậy thì đề nghị của Việt Nam không có tính cách kiến thiết. Thật nguy hiểm”.

Tạ Quang Bửu: “Đại biểu Việt Nam hỏi vì sao tôn trọng Hiến pháp Việt Nam lại có thể là một hạn chế?”.

15-50-55_t_qung_buu_cd
GS Tạ Quang Bửu (1910 - 1986).

Messmer: “Nói rằng giúp đỡ trong phạm vi Hiến pháp, tức là, về thực tế, làm cho một điều ước quân sự mất cả công hiệu. Chỉ có những điều ước cụ thể, rõ ràng, có các điều khoản đầy đủ, mới có thể chuẩn bị phương pháp phòng ngừa chiến tranh ở một thế giới hiện nay chưa lấy gì làm hòa bình”.

d’Arcy: “Thí dụ Hiến pháp Việt Nam quy định rằng chỉ có Quốc hội Việt Nam có quyền tuyên chiến. Vậy thì một khi xảy ra chiến tranh mà Liên Hiệp Pháp phải tham dự, Việt Nam còn triệu tập nghị viện, hỏi ý kiến nghị viện, rồi mới tuyên chiến. Nhưng, những bài học gần đây về chiến tranh đã tỏ rằng không thể theo thủ tục ấy được; tự khắc tham chiến phải coi là một quy tắc”.

Tạ Quang Bửu: “Hiến pháp nước Pháp định thế nào về phương diện này?”.

d’Arcy: “Hiến pháp nước Pháp không định việc tuyên chiến về phần Liên hiệp Pháp”.

Tạ Quang Bửu: “Hiến chương Liên hiệp Pháp cũng chưa định”.

d’Arcy: “Chúng tôi phản đối chỉ vì sẽ mất rất nhiều thì giờ”.

Tạ Quang Bửu: “Dẫu thế, những cuộc tiếp xúc cũng phải ở trong phạm vi Hiến pháp”.

Barjot: “Hẳn thế rồi”.

Cuối cùng, đại biểu Việt Nam đề nghị giao vấn đề quân sự cho Ủy ban Quân sự, vì rằng vấn đề quân sự có tính cách chuyên môn và phức tạp quá, Ủy ban Chính trị khó lòng tìm được căn cứ để thỏa thuận.

Hội nghị Fontainebleau diễn ra từ ngày 6/7 đến ngày 10/9/1946 tại lâu đài Fontainebleau. Hai phái đoàn đã cùng nhau thảo luận về một số vấn đề chính như sau: 1. Địa vị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp; 2. Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước; 3. Tổ chức giữa các xứ trong Liên bang Đông Dương; 4. Nguyện vọng thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung và Nam của Việt Nam qua việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ; 5. Các vấn đề kinh tế, văn hóa và soạn thảo dự án Hiệp ước.

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.