| Hotline: 0983.970.780

Tác giả tuổi 80 và câu hỏi ‘để làm gì’

Thứ Bảy 04/07/2020 , 21:14 (GMT+7)

Sáng 5/7 tại Hội trường NXB Tổng hợp TPHCM, nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ra mắt tác phẩm “Để làm gì?”, với nhiều câu chuyện sức khỏe thú vị.

Bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết - Bình Thuận.

Bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết - Bình Thuận.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một tên tuổi quen thuộc với công chúng. Ông không chỉ có bằng Tiến sĩ Nhi khoa và 20 năm làm Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TPHCM, mà còn là tác giả hàng chục đầu sách.

Tựa sách “Để làm gì?” của tác giả Đỗ Hồng Ngọc xuất phát từ câu nói của André Maurois, rằng “khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “để làm gì”, lúc đó mình đã già thiệt rồi”. Từ cái ý của Maurois về “nghệ thuật già” ấy, bác sĩ- nhà văn Đỗ Hồng Ngọc thú nhận rằng lâu nay ông biết mình già, nhưng quả thật ông vẫn đang nghĩ là mình đang “già giả” thôi. Tác giả vừa cảm nhận tuổi già của chính mình, vừa lục soạn lại mớ gia tài trước tác bấy lâu nay trong ý niệm thường trực “để làm gì”, rồi gạn lọc lại, hình thành cuốn tạp bút lôi cuốn.

Bác sĩ- nhà văn Đỗ Hồng Ngọc có cách kể chuyện như sực nhớ lại chuyện “hay hay” của chính mình, tiện chỗ bạn bè nên kể lại cho vui, vậy mà người đọc bị hút theo lúc nào không biết. Có những trang viết đầy chất thơ mà vẫn bộc lộ đầy đủ phẩm chất uyên bác và thâm trầm của tác giả.

Tác phẩm ở tuổi 80 của Đỗ Hồng Ngọc.

Tác phẩm ở tuổi 80 của Đỗ Hồng Ngọc.

Có thể nói, bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc viết sách như một nhà tư vấn sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm hồn. Trong một xã hội sôi sục kiếm tiền, tác giả Đỗ Hồng Ngọc khuyên nhủ: “Ngày nay, các doanh nhân tập trung vào não nhiều quá, họ chỉ suốt ngày theo dõi sự lên xuống của chứng khoán – cổ phiếu hay thông tin thị trường. Các doanh nhân nên thường xuyên đặt tay lên tim tự vấn bản thân. Thay vì tập trung vào não thì hãy tập trung xuống tim. Nếu được nữa, hãy tập trung xuống rốn, tập thở sâu để có được sức khỏe – sự tĩnh tâm”.

Tiến sĩ Nhi khoa Đỗ Hồng Ngọc cũng là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Với bút danh Đỗ Nghê, từ thuở hai mươi, ông đã viết: “Mười năm vườn cũ chim bay mỏi/ Áo trắng chân mềm em hắt hiu”. Sau này, Đỗ Nghê chuyên chú thể loại thơ ngắn, nhẹ nhàng và đắm đuối, kiểu như: “Nước từ đâu đến/ Nước trôi về đâu/ Từ con suối nhỏ/ Từ dòng sông sâu/ Từ khe núi lở/ Từ dưới nhịp cầu/ Từ cơn thác lũ/ Từ giọt mưa rơi/ Nước đến từ đâu/ Nước trôi về đâu/ Từ cơn gió thoảng/ Từ làn mây trôi/ Từ hơi biển mặn/ Từ phía mặt trời/ Nước vẫn muôn đời/ Không đi chẳng đến/ Ai người nỡ hỏi/ Nước đến từ đâu/ Ai người nỡ hỏi/ Nước trôi về đâu”.

Ở tuổi 80, bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc vẫn mẫn tiệp với công việc. Bí quyết của ông là gì? Ông chia sẻ: “Có hai công thức giúp chúng ta hạnh phúc và an lạc hơn, đó là học cách chấp nhận 2 điều.

Điều thứ nhất là chấp nhận cái chết. Con người đều phải chết, không ung thư cũng sẽ chết. Sinh lão bệnh tử là tiến trình của tự nhiên, chúng ta không nên cưỡng cầu. Chết là tình trạng chấm dứt tạm thời của một hiện trạng tạm thời, vì cuộc sống của chúng ta cũng chỉ tạm thời. Cuộc sống của chúng ta luôn vô thường và thường xuyên thay đổi. 

Điều thứ hai, nhiều chuyện xảy đến với chúng ta đều do duyên. Duyên sinh và duyên tạo ra. Thế nên, chúng ta nên đón nhận mọi chuyện xảy đến với cuộc đời chúng ta cùng tấm lòng rộng mở”.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.