| Hotline: 0983.970.780

Tác nghiệp mùa dịch Covid-19

Chủ Nhật 21/06/2020 , 07:10 (GMT+7)

Khi tất cả mọi người ở nhà tránh dịch, thì những “chiến sĩ” trên mặt trận thông tin truyền thông lại đồng hành cùng các y bác sĩ, lao vào “trận chiến” phòng chống Covid-19.

Rất đông phóng viên có mặt từ sớm trước Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) đón bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên Li Ding xuất viện. Ảnh: Ngô Bình.

Rất đông phóng viên có mặt từ sớm trước Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) đón bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên Li Ding xuất viện. Ảnh: Ngô Bình.

Để đem đến những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, trung thực nhất đến với độc giả, để rút ngắn khoảng cách giữa các y bác sĩ và người dân. Để người dân hiểu và tin tưởng vào ngành y, tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ, Nhà nước và các ban ngành.

Chiều 29 tết, ngay khi tiếp nhận thông tin có hai ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam cũng là lúc tôi đã có mặt tại quê nhà để chuẩn bị đón tết cùng gia đình ở ngoài Bắc. Mọi thông tin lúc ấy, tôi phải nhờ sự hỗ trợ của các bạn phóng viên đang có mặt tại TP.HCM để có được những gì cập nhật nhất tới độc giả.

Và những ngày sau đó, nói là về quê ăn tết, nhưng tôi hầu như đều ôm điện thoại, ôm laptop để cập nhật tình hình liên tục và liên tục. Có những lúc đang đi thăm nhà bà con, nhận được tin cơ quan báo, là phải xử lý ngay trên xe và bằng điện thoại di động.

Cứ như thế, cập nhật liên tục thông tin từ Bộ Y tế, từ các cơ quan ban ngành, từ các bệnh viện cho đến khi quay trở lại Sài Gòn để làm việc là mùng 4, mùng 5 tết.

Tôi vẫn nhớ như in sự hồi hộp khó tả khi chờ thông tin ca bệnh thứ 17 – ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội vào lúc 23h ngày 6/3/2020. Tất cả mọi người trong ekip trực điện tử khi ấy đều thức để chờ đợi thông tin và cập nhật kịp thời nhất đến bạn đọc.

Mọi công việc hoàn tất cũng là lúc 1h sáng ngày hôm sau, dù rất mệt nhưng ai cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì được đồng hành cùng nhau, đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả.

Từ ca bệnh thứ ba, thứ tư, thứ năm… cho đến ca bệnh thứ 17 thì chúng tôi đều nhớ hết từng ca bệnh, từng địa điểm họ đi, từng nơi họ đến, họ điều trị bệnh viện nào, diễn tiến bệnh ra sao.

Nhưng khi ca bệnh ngày càng nhiều, con số nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng lên cũng là lúc chúng tôi không còn có thể nhớ rõ được cụ thể từng bệnh nhân mà chỉ có thể cập nhật và cập nhật liên tục.

Khi ấy, mỗi phóng viên đều phải tự vẽ cho mình những sơ đồ của sự lây nhiễm đối với từng bệnh nhân (F1, F2, F3…) để dễ theo dõi cho chính xác.

3 tháng liên tiếp là những ngày không ngừng nghỉ, ai cũng phải bám sát thông tin, đề tài về dịch bệnh. Cho đến khi Chính phủ ra thông báo cách ly toàn xã hội thì vẫn có một số anh chị em phóng viên phải đến tác nghiệp tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ cao lây nhiễm như các khu cách ly tập trung, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19.

Một kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi là khi hai ca bệnh đầu tiên xuất viện là cha con người Trung Quốc là ông Li Ding (66 tuổi) và con trai Li ZiChao (28 tuổi).

Nhận được thông tin bệnh nhân xuất viện lúc 17 giờ chiều ngày 12/2, dù trong lòng ai cũng hồi hộp lo lắng, không biết mình vào đó có bị lây không? Về có bị cách ly không?...

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, thế nhưng, ai cũng sẵn sàng lao vào lửa và hầu hết các phóng viên đều có mặt trước Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy từ lúc 15 giờ.

Chưa bao giờ có một buổi họp báo lại đông đến như vậy, hơn trăm phóng viên các báo từ Trung ương đến địa phương, chưa kể đến các YouTuber, facebooker cũng đến để livetream. Lúc này tất cả đều hỗn loạn, phía bệnh viện phải yêu cầu chia theo 3 nhóm để tiện cho việc phỏng vấn ghi hình, đồng thời cũng tránh tập trung đông người: một nhóm sẽ phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; một nhóm sẽ phỏng vấn gia đình bệnh nhân; một nhóm sẽ phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cuối cùng, mọi việc cũng diễn ra thuận lợi, các phóng viên hầu như ở lại ngay tại bệnh viện để tác nghiệp nhanh nhất có thể.

Khi số ca bệnh ngày càng tăng, mỗi ngày cập nhật sáng, trưa, chiều và cả đêm khuya (12 giờ đêm) thì chúng tôi bắt đầu hay nói đùa với nhau là “hôm nay có xổ số không?”, “xổ số hôm nay bao nhiêu”, “Hôm nay hết ca bệnh chưa để mình đóng máy?...

Đó là những trải nghiệm thú vị mà không phải phóng viên nào cũng có thể trải qua, và không phải đợt dịch nào cũng có thể gặp lại những cung bậc cảm xúc của “ngày hôm qua”, sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ mà cả cuộc đời tác nghiệp của phóng viên sẽ không gặp lại lần thứ hai.

Anh chị em phóng viên tác nghiệp ghi nhận một trường hợp chạy thận ngay tại khu cách ly thuộc Trung tâm cách ly quận 2 (do Bệnh viện Quận 2 phụ trách). Ảnh: Đào Xuân Bình.

Anh chị em phóng viên tác nghiệp ghi nhận một trường hợp chạy thận ngay tại khu cách ly thuộc Trung tâm cách ly quận 2 (do Bệnh viện Quận 2 phụ trách). Ảnh: Đào Xuân Bình.

Thượng úy, nhà báo Phan Thị Bích Thủy, Truyền hình Công an Nhân dân (bút danh Tiểu Anh): “Nước rửa tay mình sử dụng trong đợt dịch này bằng 30 năm trước cộng lại”

Kể về những kỷ niệm mà mình có từ đợt làm dịch Covid-19, nhà báo Bích Thủy nói: Trước khi chuẩn bị về quê ăn tết, tôi đã dự phòng làm một bài “lá chắn nCoV vào dịp tết” để người dân yên tâm ăn tết và dự kiến sẽ phát sóng lúc 18h chiều. Tuy nhiên, chưa kịp lên sóng thì nhận được thông tin có ca bệnh đầu tiên, thế là bài dự kiến trước đó bị "đổ".

Nhà báo Bích Thủy tác nghiệp tại Công an cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà báo Bích Thủy tác nghiệp tại Công an cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Trong thời gian “chạy dịch”, bài viết bị bể kế hoạch liên tục. Cứ viết bài xong năm phút sau thì tin đã nguội, lúc đó mình rất căng thẳng, mệt mỏi vì đến giờ phát sóng rồi. Trước đây, khi mình đã viết bài xong thì off máy, bộ phận dựng bài xong, lãnh đạo duyệt xong thì mình có thể yên tâm để đi về được.

Tuy nhiên, riêng mùa Covid-19 luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, vừa lo lắng cho sức khỏe của bản thân, vừa lo lắng cho sức khỏe của gia đình, và lo lắng tin bài luôn luôn chưa kịp lên tin này thì tin khác đã tới và phải cập nhật lại. Không riêng gì mình tôi mà hầu hết anh chị em phóng viên đều có chung tình trạng”, chị Bích Thủy giãi bày.

Nhà báo Bích Thủy cùng đồng nghiệp phỏng vấn bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 tại khu cách ly thuộc Trung tâm cách ly quận 2. Ảnh: Đào Xuân Bình.

Nhà báo Bích Thủy cùng đồng nghiệp phỏng vấn bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 tại khu cách ly thuộc Trung tâm cách ly quận 2. Ảnh: Đào Xuân Bình.

Cũng theo chị Thủy, nhờ Covid-19 mà năng suất tác nghiệp của mình nhanh lên gấp nhiều lần như kỹ năng liên hệ phỏng vấn, liên hệ nhân vật, viết bài, tìm hiểu thông tin… 

Khi phóng viên tác nghiệp tại các khu cách ly đều phải trang bị đồ bảo hộ để tránh sự lây nhiễm. Ảnh: Đào Xuân Bình.

Khi phóng viên tác nghiệp tại các khu cách ly đều phải trang bị đồ bảo hộ để tránh sự lây nhiễm. Ảnh: Đào Xuân Bình.

Khi hỏi về việc, chị không lo sợ mình sẽ nhiễm bệnh, sẽ lây sang con?, chị chia sẻ: “Lúc lao vào để lấy thông tin, mình không suy nghĩ gì cả. Khi ấy, chỉ cố gắng bảo vệ mình bằng khẩu trang, quần áo bảo hộ, nước rửa tay, đeo kính để tiếp cận bệnh nhân, những trường hợp nghi nhiễm để phỏng vấn, ghi hình và dẫn hiện trường…

Có thể nói, trong 6 tháng qua, mình dùng nước rửa tay nhiều bằng 30 năm trước cộng lại, vì rửa tay thường xuyên. Trước khi về nhà mình sẽ tắm rửa sạch sẽ ở cơ quan, nếu hôm nào không có điều kiện tắm rửa ở cơ quan thì mình chỉ có thể rửa tay bằng nước rửa tay khô, khi về nhà mình cũng sẽ báo để các con tránh xa mẹ, chờ mẹ vệ sinh cá nhân”, chị Bích Thủy chia sẻ.

Nhà báo Phạm An – báo Phụ nữ Thành phố: “Mùa Covid-19, giữa thành phố dù một mình nhưng không cô độc”

Là một trong những phóng viên y tế xông xáo, “mò” từng “ngóc ngách”, khai thác từng chi tiết nhỏ nhất để phục vụ cho bài viết của mình. Phạm An luôn để lại cho độc giả cũng như những người làm việc chung hiểu được về một người làm báo luôn lăn xả với nghề, trăn trở với nghề, với từng nhân vật, từng phận đời.

Nhà báo Phạm An tác nghiệp trong khu cách ly tại Trung tâm cách ly quận 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà báo Phạm An tác nghiệp trong khu cách ly tại Trung tâm cách ly quận 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cách đây 2 năm, Phạm An đã phải phẫu thuật chân sau một lần tai nạn khi đi tác nghiệp nên không về quê ăn tết cùng người thân. Thế nhưng, ngay khi nhận tin ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam thì An xác định sẽ ở lại Sài Gòn để làm thay mọi người, vì đa phần anh chị em có gia đình đều đã về quê.

Trên đường chạy vào BV Chợ Rẫy để ghi nhận thông tin ca bệnh đầu tiên (29 tết) thì An lại bị té xe, chính cái chân đã từng phẫu thuật lại bị đau.

Dù vậy, An vẫn cứ lao vào để tiếp cận mọi thông tin liên quan đến Covid-19. Nhiều anh chị em thân thiết, bác sĩ thân thiết thấy An đi làm trên đôi chân bị thương như vậy, ai cũng ái ngại, lo lắng. Nhưng với lửa nghề, cô vẫn làm việc hết ngày này cho đến ngày khác, từ sáng sớm cho đến tối mịt, có ngày quên cả là mình chưa ăn tối.

“Khi đi phỏng vấn tại Trung tâm cách ly quận 2, lúc ấy chúng tôi không nhớ đến là Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội, đóng cửa các cửa hàng thiết yếu nên không chuẩn bị sẵn đồ ăn mang theo.

Thế là ngày hôm đó, khi lấy tin xong thì chạy dọc con đường dài không tìm thấy một quán ăn hay một quán cà phê nào để xin ké wifi gửi bài, cũng không có gì để ăn, trong khi trời thì nắng như đổ lửa. Sau đợt đó, tôi liên tiếp phải truyền dịch 3 lần”, An tâm sự.

Phỏng vấn người được cách ly sau khi về từ vùng dịch. Ảnh: Đào Xuân Bình.

Phỏng vấn người được cách ly sau khi về từ vùng dịch. Ảnh: Đào Xuân Bình.

Hỏi về việc có bị gia đình, bạn bè, đồng nghiệp “kì thị” không? An nói: Chính Covid-19, cho mình thấy giá trị của tình người. Cái đó rất quý giá. Có thể trong quá trình chọn lọc tự nhiên thì một đại dịch lấy đi rất nhiều thứ, nhưng nó mang lại một giá trị thực tế là tình cảm giữa người với người.

Ngành nghề nào cũng như vậy, người với người phải chân thành với nhau trước đã, sau đó mới có sự gắn kết với nhau, cùng nhau vượt qua đại dịch. Giữa thành phố sầm uất này, mình chỉ có một mình, nhưng không hề đơn độc!”, Phạm An chia sẻ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất