| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu kinh tế: Nhiệm vụ chưa hoàn thành

Thứ Sáu 21/10/2016 , 07:01 (GMT+7)

Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi…

17-26-47_ton-cnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế - xã hội 2016
 

Ngày 20/10, khai mạc kì họp thứ hai Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong kì họp này Quốc hội sẽ thảo luận rất nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước như: Tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
 

Còn nhiều tồn đọng

Đánh giá hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành.

Đặc biệt, các vấn đề tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua còn nhiều, những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi.

Tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh để đạt mục tiêu đề ra; nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để, làm giảm hiệu quả cung cấp vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế; thị trường tài chính chưa được cơ cấu hợp lý để nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nội dung khác trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu các ngành, kinh tế vùng chưa được triển khai nhiều; chưa gắn kết 3 trọng tâm tái cơ cấu với tái cơ cấu tài chính công, khu vực công; chưa chú trọng đến tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp (hiện còn 5 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gồm: Đăk Lăk, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Hậu Giang). Phát triển du lịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Một đặc điểm mới về bối cảnh quốc tế và trong nước thời gian gần đây là nước ta đã tham gia mạnh mẽ hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA), mở rộng quan hệ kinh tế; tuy nhiên tác động của hội nhập đối với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế là không rõ nét, nhất là việc nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ODA, chuyển giao công nghệ, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước hiện còn rất hạn chế.
 

Cần làm rõ mô hình tăng trưởng

Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới.

Đồng thời nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng giảm mạnh tỷ trọng gia công, lắp ráp, tăng hàm lượng chế tạo, chế biến để góp phần tăng giá trị của sản phẩm.

Đề nghị rà soát các ngành công nghiệp ưu tiên (Chính phủ đề xuất 13 ngành công nghiệp ưu tiên) theo hướng bổ sung công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp luyện kim, thép.

Về phát triển du lịch và kinh tế biển, cần thể hiện đậm nét định hướng, nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào năm 2020, có giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp có quy mô lớn và chất lượng cao. Bên cạnh phát triển ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải, cần chú trọng du lịch biển, đảo để góp phần vừa tăng cường tiềm lực kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng do biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề nan giải trong dài hạn, đòi hỏi sớm tái cơ cấu ngay trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trước mắt tập trung triển khai tại các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt chẽ với phát triển ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, đề nghị có các giải pháp thiết thực để gắn tái cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện để hình thành các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao; nghiên cứu, đề xuất chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, khuyến khích đối với các doanh nghiệp tham gia hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao; áp dụng mạnh tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất.

Cần rút ra bài học về tích tụ ruộng đất

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, từ kết quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua cần rút ra các bài học về tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Cơ chế, chính sách giải quyết vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất cần được tổng kết từ tính hiệu quả của mô hình cổ phần ở Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình người dân đóng góp quyền sử dụng đất và đóng góp sức lao động vào quá trình sản xuất theo quy trình canh tác của doanh nghiệp, cách thức tập trung ruộng đất ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng…

 

Xem thêm
Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.