| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu từ đơn vị sản xuất cơ bản

Thứ Hai 19/01/2015 , 10:22 (GMT+7)

Trong nông nghiệp, hộ là đơn vị SX cơ sở. Nhưng với khoảng 10 triệu hộ làm nông nghiệp, nếu không có tổ chức hợp tác thì không thể cạnh tranh được trên thị trường.

"Chúng ta có thể nâng cao giá trị SX bằng nhiều cách như: đổi mới tổ chức SX, xây dựng chuỗi liên kết giá trị và sử dụng khoa học công nghệ làm đòn bẩy phát triển. Nếu không làm chủ được công nghệ thì muốn hay không muốn, chúng ta vẫn phải làm thuê trên chính quê hương mình, đồng ruộng của mình".

Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Đức Viên, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Hội nghị “Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn” do Học viện Nông nghiệp VN tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

16-31-20_nh-2
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Xây dựng nông thôn tri thức

GS.TS Trần Đức Viên, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đặt vấn đề: Khi nào xuất hiện tái cơ cấu? Nó chỉ diễn ra khi có công nghệ mới, kỹ thuật mới và sự bức bách về mặt xã hội cần sự thay đổi thể chế trong tổ chức sản xuất.

Tại sao bây giờ nông dân chán ruộng? Thanh niên thì ly hương. Việt Nam có tới 40 triệu nông dân, năng suất lao động rất thấp. Một đồng chi phí đầu vào chỉ thu về 1,2-1,4 đồng. Do đó đã đến thời điểm phải tái cơ cấu.

Tái cơ cấu không nhất thiết phải xây dựng cánh đồng mẫu lớn, bởi không phải chỗ nào cũng có điều kiện để làm. Vấn đề mấu chốt ở đây là đẩy mạnh kinh tế hợp tác để tổ chức lại SX. Song song với đó, phải tập trung cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để tạo ra một bước nhảy vọt trong nông nghiệp.

Nhìn vào sự thất bại của ngành công nghiệp SX ô tô, xe máy… có thể rút ra được bài học kinh nghiệm rằng: nếu không làm chủ được công nghệ thì muốn hay không muốn, chúng ta vẫn phải làm thuê trên chính quê hương mình, đồng ruộng của mình.

Cần phải tái cơ cấu lại hệ thống nghiên cứu quốc gia. Bởi lâu nay chúng ta đang đi ngược lại so với thế giới. Ở Đức, Hà Lan và Israel chỉ có các trường đại học, viện… mới được Chính phủ “rót tiền” để nghiên cứu khoa học cơ bản. Nhưng ở nước ta, nhiều cơ quan vẫn thích chi tiền cho doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, bởi họ có thể tạo ra sản phẩm hiện hữu và dễ dàng nghiệm thu.

Sai lầm này dẫn đến tình huống “dở khóc dở cười” là nhiều nhà khoa học không tìm được sự đầu tư của doanh nghiệp, trái lại còn bị doanh nghiệp chen chân vào “bầu sữa” của nghiên cứu khoa học với một thủ thuật đơn giản: bỏ một khoản tiền nhỏ mua phát minh, sáng chế và SX.

GS Viên phân ưu: Vì sao nông dân ở Úc chỉ chiếm 1,8% dân số nhưng một người lao động có thể nuôi được 190 người, và nông nghiệp là 1 trong 7 nghề được người dân Úc ưa chuộng nhất?

Thứ nhất, sự liên kết chuỗi giá trị trong SX nông nghiệp ở Úc phát triển mạnh mẽ và người nông dân được đào tạo rất chuyên sâu. Vậy chúng ta có làm được như người Úc không? Tôi khẳng định là có. Ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nhiều nông dân được đào tạo tại những trường đại học uy tín như Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại thương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… rồi về làm ruộng, trồng rau và bán sản phẩm ra thị trường với giá trị rất cao.

Nhìn từ “Tam sơn, tứ hải...”

TS Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chia sẻ: Cha ông ta đã khái quát đặc điểm nền nông nghiệp Việt Nam bằng câu: “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” (đất nước ba phần núi, bốn phần biển và chỉ có một phần ruộng).

“Hải” chính là kinh tế biển, hay cụ thể hơn là kinh tế thủy sản biển. Chúng ta có 28 tỉnh duyên hải và 5 ngư trường lớn với trữ lượng 5 triệu tấn hải sản/năm, có thể khai thác một cách bền vững. Nhưng hiện nay năng lực khai thác thủy hải sản của Việt Nam mới chỉ đạt gần 2 triệu tấn/năm.

Nút thắt nằm ở chỗ: trong số gần 20 vạn tàu đánh cá của Việt Nam chỉ có 10% là tàu có công suất trên 90CV. Bên cạnh đó, thiếu hụt hẳn các dịch vụ hậu cần trên biển đảm bảo cho ngư dân có thể khai thác an toàn, hiệu quả và không phải chạy ra chạy vào nhiều lần. Cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào khâu này.

Thứ hai, bài học con cá ngừ đại dương cho ta thấy năng lực, trình độ khai thác, bảo quản hải sản của chúng ta rất lạc hậu và phải được đào tạo lại toàn bộ.

Chúng ta có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng ("sơn") nhưng năng suất sinh khối của rừng nước ta rất thấp, chỉ đạt 70 m3/chu kỳ (bằng 1/3 so với thế giới). Năng suất chế biến gỗ hiện nay cũng chỉ bằng 25 – 30% thế giới. Do đó, chỉ cần làm tốt hai khâu này đã nâng tổng giá trị của ngành lâm nghiệp lên 2 – 3 lần.

“Để tái cơ cấu trong SX nông nghiệp, cần khơi thông ba “nút thắt”. Thứ nhất, khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng. Thứ hai là tổ chức SX, trong đó xây dựng chính sách phát triển cho nhiều ngành hàng chiến lược để thúc đẩy SX theo quy mô hàng hóa.
Thứ ba là thu hút đầu tư trong nông nghiệp, cả trong nước và nước ngoài. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt gần 31 tỷ USD; trong đó 10 mặt hàng nông sản vượt ngưỡng 1 tỷ USD. 
Thành công đó một phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan Trung ương và địa phương trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết.

Về phần “điền”, hiện nay chúng ta có 10 triệu ha đất nông nghiệp, chia ra 7 vùng kinh tế xã hội có đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau.

Đây là điều kiện để tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế chuyên biệt. Do đó, phải có nhóm chính sách riêng, chuyên biệt cho từng tiểu vùng để giải phóng tiềm năng và sức sản xuất.

Tái cơ cấu đơn vị SX cơ bản

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh: Trong nông nghiệp, hộ là đơn vị SX cơ sở. Nhưng với khoảng 10 triệu hộ làm nông nghiệp, nếu không có tổ chức hợp tác thì không thể cạnh tranh được trên thị trường.

GS Nguyễn Thiện Nhân nêu thực tế hai mô hình sản xuất mà ông tham quan:

Ở phía Nam, Cty CP BVTV An Giang đã liên kết với 25.000 hộ nông dân để SX, bộ máy có tới 1.270 kỹ sư, nhân viên đi “bao vùng” hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, đồng thời lo đầu vào, đầu ra cho nông sản. Đây là một mô hình hoạt động rất tốt, nhưng nếu mở rộng hoạt động hơn nữa sẽ rất khó có thể kiểm soát nổi bởi năng lực có hạn.

Mô hình tổ chức SX thứ hai cũng rất hiệu quả, đó là HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền ở Lào Cai. Họ chỉ nhận những người chăn nuôi giỏi vào HTX.

Các thành viên góp vốn ban đầu hơn 4 tỷ đồng, và mỗi hộ phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của mô hình nuôi gà, lợn của mình. HTX chỉ tham gia vào khâu cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra.

gs-nhn194757978
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân tham quan gian trưng bày sản phẩm nông sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân

Mỗi năm họ cung cấp 50.000 con gà giống; 3.000 tấn thức ăn và 2.000 con lợn giống; đồng thời tiêu thụ khoảng 1.000 tấn gà lông màu; 200 tấn lợn hơi và 60 triệu quả trứng với tổng giá trị 60 tỷ/năm.

Ông Chủ nhiệm nói rất hay: “Sản phẩm của HTX là dịch vụ. Còn con là sản phẩm của nông dân. Tỉnh Lào Cai giáp với Trung Quốc nhưng người dân mua sản phẩm của HTX Quý Hiền bởi sản phẩm đảm bảo VSATTP và giá cả cạnh tranh”.

Như vậy, tổ chức SX theo mô hình HTX không hề phủ định, không thay thế kinh tế hộ, kinh tế cá nhân mà làm cho tính cạnh tranh của kinh tế hộ cao hơn và hiệu quả kinh tế nâng lên. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tái cơ cấu đơn vị SX cơ bản của nông nghiệp Việt Nam, đó là HTX hoặc liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp.

Kinh nghiệm nước ngoài khái quát rằng, để một tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả là: tự mình giúp mình; tự chịu trách nhiệm; tự quản lý dựa trên những yêu cầu về tổ chức với nhau; đoàn kết tương trợ và có trách nhiệm xã hội... Các bên tham gia phải hoạt động kinh tế độc lập, hạch toán SX nhưng phải gắn với doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra.

Một trong những vấn đề khiến đồng chí Nguyễn Thiện Nhân rất lo ngại, đó là khâu thu mua nông sản. Ở ĐBSCL, 93% sản lượng lúa do thương lái thu mua; 4% là các nhà máy xay xát mua và 3% là các doanh nghiệp xuất khẩu mua.

Một hệ thống nông nghiệp mà có 20.000 lao động đi mua lẻ tẻ như vậy thì không có cách nào giảm được chi phí ở khâu trung gian. Chưa tính đến tỷ lệ thương lái sở hữu nhà kho, gian hàng chỉ chiếm 0,02%. Do đó, phải tái cơ cấu lại hệ thống thu mua, tạm trữ, bảo quản nông sản.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.