| Hotline: 0983.970.780

Tái định cư trên... vùng đá

Thứ Ba 08/05/2012 , 10:09 (GMT+7)

Niềm vui đến nơi ở mới, với cuộc sống mới chưa lâu thì hơn một trăm hộ dân phải rơi vào cảnh thiếu đất sản xuất, nhà ở xuống cấp, thiếu đói cận kề.

* Dân thiếu đói rõ

Đầu năm 2012, 106 hộ dân của 3 xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng (huyện A Lưới, TT-Huế) nằm trong lòng hồ thủy điện A Lưới đã được di dời đến khu tái định cư Căn Tôm. Niềm vui đến nơi ở mới, với cuộc sống mới chưa lâu thì hơn một trăm hộ dân phải rơi vào cảnh thiếu đất sản xuất, nhà ở xuống cấp, thiếu đói cận kề.

Bới đá tìm… đất

Giữa trưa trời nắng như đổ lửa, đến khu tái định cư Căn Tôm, những dãy nhà còn mới mùi sơn vắng hoe, cửa đóng then cài, hỏi ra mới biết bà con đã đổ ra đồng bới đá để tìm… đất canh tác.

Gặp chúng tôi, anh A Viết Huy - Trưởng thôn Căn Tôm bức xúc: “Có khu tái định cư nào mà đem dân đến nơi ở toàn là đá không? Ở đây từ ven bờ sông A Sáp đến vào nhà dân, ra thấu ruộng đều là đá cứng. Bà con lên đây đã gần nửa năm mà có trồng trọt gì được đâu. Cuốc đến đâu gặp đá đến đó, nông cụ cái thì gãy, cái thì sứt mẻ. Gạo hỗ trợ thì sắp hết rồi, đói đến nơi thôi”.

Đi ra “cánh đồng đá”, đến nhà chị Hồ Thị Liên, một hộ dân đến khu tái định cư đầu năm 2012. Ngồi nghỉ tay cuốc, chị cho biết: “Mấy tháng nay ngày nào tui cũng mang cuốc, thuổng ra vườn nhà mình đào đá cho vào bao tải rồi mang đi đổ. Nhưng đá quá trời, quần quật cả tháng mà được chỉ vài mét vuông đất. Đá nhiều quá mình không trồng gì được cả”. Trước đây nhà chị Liên ở xã Hồng Thượng, đất đai đều nằm trong lòng hồ thủy điện, giờ đã ngập nước cả. “Ở đất cũ, mình trồng 1 ha sắn được mấy chục triệu, lên đây không lấy đất đâu ra mà trồng, trong khi đó tiền hỗ trợ gạo ăn 6 tháng đã xong đợt 1 rồi, sắp tới không biết lấy gì mà ăn đây” - chị Liên than vãn.


Chị Hồ Thị Liên, thôn Căn Tôm trong nhiều tháng qua phải bới đá để tìm đất canh tác

Không riêng gì nhà chị Liên, mà hàng chục hộ dân khác ở khu tái định cư Căn Tôm đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo UBND huyện A Lưới, các hộ dân được tái định cư lên đây đều được cấp đất ruộng, đất rẫy bình quân mỗi hộ trên dưới 1ha. 40 ha đất ruộng được khai hoang ở khu tái định cư cấp cho người dân thì đã có hơn 15 ha đất toàn là đá, người dân không canh tác được. 76 ha đất rẫy được cấp thì ở khá xa, nhiều hộ không chịu nhận đất. Chạy dọc con đường liên thôn mới mở lên cánh đồng mới được khai hoang, là nơi cấp đất ruộng cho người dân tái định cư, giữa trưa nắng, hàng chục hộ dân đổ ra đồng nhặt đá, tập kết về một nơi để lấy đất chuẩn bị trồng cây.

Đang ngồi bới đá, ông Hồ Văn Lia, một hộ dân buồn nói: “Mình lên đây được huyện cấp 7.017m2 đất rẫy, 549m2 đất lúa. Nhưng riêng đất lúa thì đã có hơn phân nửa toàn là đá rồi. Khu tái định cư mà như ri thì bọn tui không ở mô. Lên đây vừa xa đất rẫy, đất ruộng thì không có làm răng mà dân cày cấy được”.


Cánh đồng vừa khai hoang ở thôn Căn Tôm, xã Hồng Thượng là đất ruộng của dân nhưng toàn đá sỏi, không sản xuất được

Anh A Viết Huy - Trưởng thôn Căn Tôm cho biết: “Số diện tích đất bị “nhiễm” đá không trồng cây được, huyện hứa là hỗ trợ cho mỗi ha 20 triệu đồng để người dân bới đá. Nhưng đợi mãi mấy tháng nay không thấy đả động gì, không có đất làm nên người dân phải tự cứu mình, bằng đủ mọi phương tiện khai hoang. Nếu không làm dân đói là cái chắc, hiện bà con đang mượn gạo nhau để ăn. Chừng tháng nữa là hết gạo thôi”. Theo anh Huy, do người dân thiếu đất ruộng, đất rẫy thì vừa được cấp, chưa khai hoang nên nhiều hộ đổ xô đi phá rừng. Hiện đã có 2 ha rừng tái sinh bị người dân phát, đốt, khai thác gỗ mang đi bán.

Đem con bỏ chợ

Theo nhiều hộ dân việc xây dựng khu tái định cư trên vùng đất bên sông A Sáp, đất sản xuất có nhiều đá, cằn cỗi, gần sông nên dễ sạt lở là chính quyền đã “mang con bỏ chợ”. Anh Hồ Văn Hôr, một hộ dân ở khu tái định cư bức xúc: “Đất rẫy 7.858m2 thì mình đã nhận rồi, nhưng đất lúa thì mình không nhận vì đá nhiều quá, không thể trồng lúa được. Bà con có chỗ ở mới cũng mừng lắm nhưng điều quan trọng là phải có đất, giống, nước mới trồng cây được. Nếu ăn hết gạo hỗ trợ rồi, đất cũ không còn thì bà con biết đi đâu?”.


Không có đất sản xuất, dân Căn Tôm kéo nhau vào rừng, đã có 2ha rừng tái sinh 
bị vặt trụi

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thừa nhận: “Trước đây, phía huyện định bố trí tái định cư ở thôn A Năm, xã Hồng Vân nhưng do vị trí này quá xa trung tâm. Khu tái định cư bên sông A Sáp thì đất có nhiều đá, nhiều hộ không sản xuất được nên hiện cuộc sống rất khó khăn”.

Thủy điện A Lưới là dự án thuỷ điện lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh TT-Huế với tổng mức đầu tư 4.000 tỉ đồng, riêng khu vực lòng hồ của dự án này đã “ngốn” hết 4.200ha đất thuộc địa phận 6 xã của huyện A Lưới gồm: Nhâm, Phú Vinh, Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Quảng và Sơn Thuỷ. Có hơn 1.800 hộ chịu ảnh hưởng bởi dự án, trong đó, 253 hộ với 1.856 khẩu không những “mất” đất sản xuất, mà còn phải di dời tái định cư để nhường đất cho dự án.
Ông Cường cho biết thêm: “Vấn đề định canh, định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện A Lưới hiện nay còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó, nổi cộm nhất là tiến độ xây dựng nhà ở còn chậm và chất lượng một số nhà không đảm bảo, hệ thống đường bê tông trong khu tái định cư nhiều đoạn đã hư hỏng, xuống cấp, cần phải khắc phục và sửa chữa kịp thời”.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, đất lúa nước hiện nay ở khu tái định cư mới tổ chức phân chia 91/106 hộ do hệ thống nước phục vụ tưới tiêu thi công xây dựng quá chậm; hệ thống nước sinh hoạt phục vụ cho người dân và các trường học trong khu tái định cư không ổn định. Đất vườn và đất lâm nghiệp đã phân chia 89/106 hộ.


Đất đai cằn cỗi bên những nương ngô thứa thớt, người dân chắc chắn lâm
 vào cảnh thiếu đói

Sau khi thống nhất với Cty CP thuỷ điện miền Trung, UBND huyện A Lưới đã phê duyệt Phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 106 hộ khu tái định cư, kinh phí 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, công ty mới chuyển nhỏ giọt 49 triệu đồng, do vậy các đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ rất khó khăn trong việc triển khai phương án.

Theo ông Cường, nguy cơ những hộ dân tái định ở thôn Căn Tôm thiếu đói là rõ ràng bởi đến nay đã xong hỗ trợ gạo đợt một với 15kg/khẩu/tháng. Trong khi đó các điều kiện sống, sản xuất ở khu tái định cư chưa đảm bảo. “Ít nhất phải hỗ trợ thêm 6 tháng lương thực nữa mới đảm bảo cho những hộ dân bước vào vụ sản xuất mới” - ông Cường nói.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất